Thung lũng Silicon: Từ vườn mận đến trung tâm công nghệ thế giới (P2)

Thung lũng Silicon: Từ vườn mận đến trung tâm công nghệ thế giới (P2)

(NDH) Làm thế nào mà một vùng ngoại ô buồn tẻ phía Đông Nam thành phố San Francisco lại thu hút nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như vậy?

>> Thung lũng Silicon: Từ vườn mận đến trung tâm công nghệ thế giới (P1)

Khi Liên bang Xô viết đưa Sputnik I bay vào quỹ đạo năm 1957, chính hãng Fairchild là nơi mà NASA đặt hàng sản xuất các cấu phần máy tính cho chuyến đặt chân đầu tiên của con người lên mặt trăng. Dự án thành công rực rỡ này đã giúp Fairchild và khu vực này chính thức có mặt trên bản đồ công nghệ thế giới.

Những thành viên trong nhóm “tám kẻ phản bội” (những nhà khoa học trẻ đã rời bỏ phòng thí nghiệm bán dẫn của Shockley vào năm 1957) đã đồng sáng lập và tài trợ cho một số công ty lớn nhất ở thung lũng Silicon. Vào năm 1968, Gordon Moore và Robert Noyce thành lập một công ty sản xuất bộ vi xử lý có tên gọi là Intel, đặt trụ sở tại Santa Clara. Những “đứa con” nổi tiếng khác của Fairchild còn có AMD và NVIDIA.

Khu vực công cũng nhanh chóng góp phần vào sự phát triển công nghệ của thung lũng Silicon. Năm 1969, Viện nghiên cứu Standford đã trở thành nơi đặt một trong bốn nút mạng ARPANET đầu tiên, một dự án được thực hiện bởi Cơ quan Dự án nghiên cứu cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (ARPA) nhằm tạo nên một mạng lưới máy tính toàn cầu. Đó cũng chính là phiên bản đầu tiên trên thế giới của world wide web.

Vào năm 1970, Xeros mở một phòng thí nghiệm Xeros PARC ở Palo Alto. Chính PARC đã phát minh ra nhiều cấu phần của máy tính hiện đại, trong đó có mạng ethernet, khái niệm về giao diện người dùng đồ họa, máy in laser, hay đồ họa máy tính. PARC cũng tiếp tục phát triển Xerox Alto, tiền thân của máy tính cá nhân hiện đại (PC).

Nhờ có những tiến bộ đó mà thung lũng Silicon đã trở thành nơi rất phát triển của ngành công nghiệp máy tính còn non trẻ. Tên gọi thung lũng Silicon đã thực sự trở nên nổi tiếng sau khi nhà báo Don Hoefler viết một bản báo cáo 3 phần về ngành công nghiệp bán dẫn với tiêu đề “Thung lũng Silicon USA”. Thậm chí ngay cả khi thiết bị bán dẫn không còn là lĩnh vực xuất khẩu chủ đạo nữa thì cái tên này vẫn giữ nguyên ý nghĩa.

Vào năm 1972, hai chuyên gia tài chính với kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tên là Eugene Kleiner và Tom Perkins (ảnh) đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên cho các công ty mới thành lập trong lĩnh vực không gian tại thung lũng Silicon,.

Mọi thứ dường như bắt đầu chuyển động với tốc độ chóng mặt. Năm 1971, Intel cho ra mắt bộ vi xử lý 4004, phiên bản giá rẻ và tương đối tốt đầu tiên sử dụng tại nhà. Khi phiên bản tiếp theo (thậm chí còn mạnh mẽ hơn), Intel 8080, ra đời, là điểm khởi đầu cho một thế hệ những người đam mê máy tính nghiệp dư.

Nhóm fan bản địa của thung lũng Silicon, câu lạc bộ máy tính Homebrew, đã thực sự trở thành nhân tố quan trọng trong tương lai của thế giới công nghệ khi mà hai thanh niên đam mê công nghệ tên là Steve Wozniak và Steve Jobs tổ chức buổi họp mặt đầu tiên của nhóm vào năm 1975.

Tại đây, Jobs và Wozniak đã thử nghiệm Altair 8800, một vi máy tính đời đầu dựa trên nền tảng chíp của Intel.

Buổi gặp mặt này đã khơi nguồn cho sự ra đời của Apple I, một bộ máy tính tự chế trong đó có bộ bàn phím máy tính thế hệ đầu được Wozniak thiết kế trong một gara. Phiên bản tiếp theo, Apple II, là một trong những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên, và biến Apple trở thành một công ty thực sự.

Thời kỳ đó cũng đã chứng kiến sự ra đời của những gã khổng lồ về công nghệ khác, khi mà nhu cầu về phần mềm máy tính tăng lên. Công ty về cơ sở dữ liệu Oracle được đồng sáng lập bởi Larry Ellison, Bob Miner và Ed Oates vào năm 1977.

Khi Apple Computer phát hành cổ phiếu lần đầu vào tháng 12 năm 1980, nó đã vực dậy cả thung lũng Silicon. Các nhà đầu tư mạo hiểm lũ lượt kéo đến với hy vọng tham gia vào cuộc bùng nổ này.

Đường Sand Hill, tại Công viên Menlo, California, nơi đặt trụ sở của Kleiner Perkins, đã trở thành trung tâm của giới đầu tư mạo hiểm, danh hiệu đó vẫn còn cho tới ngày nay.

Vào những năm 80, với công nghệ máy tính đã trở thành xu thế mới, thung lũng Silicon không ngừng phát triển. Năm 1984, Leonard Bosack, cựu sinh viên Stanford và vợ Sandy Lerner đã thành lập Cisco Systems, họ xây dựng và bán những cấu phần y hệt như phần mềm mạng của Stanford.

Vào giữa thập niên 80, thung lũng Silicon được xác lập như là trung tâm của ngành công nghiệp máy tính, và không ngừng phát triển. Sun Microsystmes chuyên sản xuất máy tính và phần mềm hệ thống điều hành đời đầu được thành lập bởi một nhóm cựu sinh viên Stanford vào năm 1982.

Thập niên 80 là bước đệm vững chắc cho sự phát triển của công nghệ ở thập niên 90, với sự ra đời một thế hệ các công ty mới tại thung lũng Silicon: với việc máy tính cá nhân bắt đầu trở thành xu thế, và sự phát triển của Internet, giai đoạn những năm 1995-2000 chứng kiến một loạt các công ty như Google, Yahoo, eBay và rất nhiều cái tên khác ra đời trong đỉnh cao của thời kỳ bùng nổ bong bóng dot-com. Giống như HP và Apple trước đó, Google được gây dựng trong một gara ô tô tại thung lũng Silicon.

Trong khi đó, ngay cả thế hệ những công ty đời đầu tại thung lũng Silicon vẫn trên đà phát triển, với việc Intel, Sun, và Silicon Graphics Inc. (SGI) thâu tóm những khuôn viên lớn trên khắp thung lũng Silicon. Đại bản doanh của Sun, chuyển tới vào năm 1998, từng là một bệnh viện tâm thần lịch sử.

Trong thời kỳ bong bóng Dot Com, những công ty như Sun nghĩ rằng thời kỳ tốt đẹp sẽ chẳng bao giờ kết thúc, và vì vậy đã chi những khoản tiền khổng lồ khiến công ty phát triển không bền vững. Khi bong bóng công nghệ vỡ vào năm 2001, toàn bộ nguồn lực của Sun cạn kiệt và công ty đã bị thâu tóm bởi Oracle với giá 5,6 tỷ đô vào năm 2009. Năm 2011, Oracle đã bán Sun cho Facebook.

Mark Zuckerberg đã chủ ý để biểu tượng của Sun vào phía sau biểu tượng của Facebook như là một lời cảnh báo tới các nhân viên rằng họ cần không ngừng cố gắng, nếu không muốn nhận kết cục tương tự như Sun.

Cũng như vậy, Google bắt đầu thuê khuôn viên Googleplex từ Silicon Graphics Inc vào năm 2003 trước khi mua đứt nó vào năm 2006.

Cho đến nay, dù có nhiều thứ thay đổi, nhưng thung lũng Silicon vẫn là trung tâm của thế giới công nghệ với Apple, Google, Facebook, Yahoo và rất nhiều các công ty khác trong tương lai. Apple thậm chí đang xây dựng khuôn viên “tàu bay” mới rộng lớn của mình tại Cupertino, California, ngay cạnh khuôn viên cũ.

Và như bạn đã biết thung lũng Silicon đạt tới thời kỳ đỉnh cao vào thời điểm mà HBO phát sóng một seri truyền hình với cùng tên. Và phần còn lại, như họ nói, thuộc về lịch sử.