Rocket Internet - "lò khởi nghiệp" lớn nhất tại châu Âu đã nhận ra rằng phương thức tiếp cận theo kiểu one-strategy-fits-all (một chiến lược phù hợp cho tất cả) không mang lại hiệu quả ở một thị trường thiếu tổ chức và tốc độ phát triển cao như ở châu Á.
Chín tháng đầu năm 2015, danh mục đầu tư 6,7 tỷ USD của Rocket gần như không thay đổi. Dù một vài startup lớn nhất của họ đã tăng được gấp đôi doanh số bán hàng nhưng cũng không ít trong số đó - như trang thương mại điện tử gồm Lazada và HelloFresh chứng kiến khoản thua lỗ nặng nề.
CEO của Rocket là Oliver Samwer đã đẩy mạnh đầu tư vào Đông Nam Á và sở hữu những công ty mạnh nhất tại khu vực này. Ví dụ điển hình là Lazada và Zaloza - cả hai đã huy động được hàng tỷ USD tiền đầu tư mặc dù không công ty nào trong số họ làm ăn có lãi.
Rắc rối bủa vây khắp mọi nơi
Website giao đồ ăn Foodpanda trải qua hàng loạt vấn đề rắc rối tại khu vực châu Á. Họ đã sa thải 15% nhân viên ở Ấn Độ - thị trường tràn lan những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giao đồ ăn.
Ngoài ra, Foodpanda cũng đang nỗ lực giải quyết các khó khăn liên quan tới hoạt động điều hành sau khi phát hiện ra rằng rất nhiều nhà hàng thực chất không tồn tại hoặc đã đóng cửa.
Cuối cùng là vấn đề quản lý. Một đồng sáng lập đã rời đi vào tháng 12/2013. Người kế nhiệm là Rohit Chadda cũng đã từ chức vào tháng 8/2015 trong khi đồng sáng lập khác là Akhilesh Bali cũng đã từ bỏ và gia nhập LimeTray.
Thông thường các công ty khởi nghiệp của Rocket được chỉ định “đồng sáng lập”. Họ là những người được chọn để điều hành các doanh nghiệp ở những thị trường trọng điểm. Chính vì vậy, sự ra đi của họ giống với việc rời đi của một CEO hơn là nhà sáng lập.
Tại Việt Nam, Foodpanda đã ngừng hoạt động sau khi gặp khó khăn trong nhiều tháng và đã được bán cho Vietnammm. Ứng dụng gọi xe Easy Taxi - đối thủ cạnh tranh của Uber cũng đã ngừng hoạt động tại quốc gia này mặc dù có nhiều ưu điểm hơn so với Uber và một đối thủ khác là GrabTaxi.
Chứng kiến tình huống này, nhiều lời đồn đoán cho rằng rất có thể Zalora cũng sẽ phải chịu chung số phận như Foodpanda khi mà chỉ số EBITDA của họ âm 87 triệu USD trong năm 2014, khiến khoản thua lỗ tăng hơn 25% so với năm trước đó.
Trước đó Rocket cũng đã gặp thất bại đối với mảng kinh doanh thương mại điện tử trong lĩnh vực làm đẹp tại châu Á. Glossyboz - giống với mô hình của Birchbox (Mỹ) đã thất bại trong việc phát triển hoạt động tại châu Á và các bộ phận của mảng kinh doanh này được bán cho đối thủ cạnh tranh vào năm 2013.
Ấn Độ có nhiều vấn đề khiến Rocket "đau đầu" hơn bởi đây là thị trường lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Tại thời điểm khi các đối thủ khác đang phát triển thì những công ty thuộc Rocket như Jabong lại gặp khó khăn trong thị trường thương mại điện tử thời trang.
Mức độ cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt hơn trong năm qua khi các đối thủ tại địa phương như Flipkart và Snapdeal huy động được một lượng vốn lớn và tập trung phát triển doanh số bán hàng. Amazon Ấn Độ cũng mở rộng đáng kể sang lĩnh vực quần áo khi nhận được khoản đầu tư 2 tỷ USD từ công ty mẹ.
FabFurnish - một chợ nội thất trực tuyến trực thuộc Rocket tại Ấn Độ cũng thất thế trong cuộc cạnh tranh với Pepperfry - công ty nhận được 116 triệu USD trong năm ngoái và trở thành người chơi lớn nhất trong lĩnh vực này.
Cùng thời điểm, FabFurnish còn chịu đòn tấn công của một đối thủ nặng ký khác trên thị trường là Urban Ladder - đơn vị huy động được 50 triệu USD và nổi tiếng là công ty nội thất thiết kế đẹp và có chất lượng tốt.
So sánh với cả 2 công ty này, FabFurnish không hề tạo ra được bất kỳ nét độc đáo nào của riêng mình. Nhiều báo cáo cho rằng Rocket đang tìm kiếm người mua các mảng kinh doanh của họ tại Ấn Độ. Tuy nhiên, công ty khẳng định đây là những lời đồn đại thiếu cơ sở.
Rocket Internet hiện đã thông qua một chiến lược mới tại châu Á với dịch vụ làm đẹp trực tuyến Vaniday - nơi khách hàng có thể đặt những dịch vụ như massage, cắt tóc và làm móng. Họ cũng bắt đầu thâm nhập thị trường châu Mỹ Latin, sau khi đã vào Úc và Đông Nam Á.
Theo chiến lược này, các mảng kinh doanh của Rocket sẽ không nhắm tới các thị trường lớn như Trung Quốc nữa mà thay vào đó là những thị trường đang phát triển.
Các khoản đầu tư trong khu vực sẽ được thực hiện bởi APACIG - một liên doanh giữa Rocket và nhà cung cấp viễn thông Qatar là Ooredoo. APACIG với chức năng là nơi "ươm mầm khởi nghiệp" sẽ tập trung vào lĩnh vực thương mại điện tử và lên kế hoạch ra mắt một liên doanh mới vào mỗi quý.
Tương lai nằm ở đâu?
Nhìn chung, tình hình kinh doanh của Rocket Internet tại châu Á có thể hồi phục nếu họ thay đổi được điều mà các nhà đầu tư đang nghĩ là sai lầm đối với mô hình này. Rõ ràng việc cho rằng thành công của công ty khởi nghiệp tại châu Âu sẽ được lặp lại tại một nơi hỗn loạn như Ấn Độ là một sai lầm do những khác biệt về văn hoá và luật pháp.
“Một sai lầm của Rocket là cách sử dụng các lãnh đạo - trả lương cao nhưng chỉ cho họ nắm giữ lượng cổ phần ít ỏi. Đây là một cấu trúc không khả thi.
Tình huống như vậy đặt họ vào vị trí của một người làm thuê chứ không phải người có thể gánh vác trên vai sứ mệnh đưa công ty phát triển. Vì vậy, đây chỉ là một bước đệm cho những người có tài”, theo Ashish Taneja - nhà sáng lập của một quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Delhi.
Nếu Rocket có thể cứu Foodpanda tại Ấn Độ và tiếp tục những dự án mới ở châu Á mọi thứ sẽ sáng sủa hơn trong năm 2016. Những mảng kinh doanh mới mở tại Myanmar đang có tiềm năng lớn khi mà mức độ cạnh tranh ở đây ít hơn so với các quốc gia khác. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là thị trường rất nhỏ và khó đoán trước.
Nhìn chung, một hành trình dài và đầy khó khăn ở thị trường châu Á đang chờ đợi Rocket trong tương lai.