Tại sao ông già Noel năm nào cũng lỗ

Chi phí sản xuất quà, tiền lương trả cho các yêu tinh, tiền bảo hiểm xe tuần lộc khiến mỗi năm, ông già Noel lỗ tới hơn 8,4 tỷ bảng.

Thế giới có khoảng 1,8 tỷ người độ tuổi 0-14, tăng 10 triệu so với năm ngoái, theo số liệu từ Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Vì thế, công cuộc đảm bảo tất cả trẻ em trên thế giới đều có quà Giáng Sinh cũng đòi hỏi quy trình hoạt động chẳng khác nào một doanh nghiệp, với có chi phí nhân công, sản xuất và cả bảo dưỡng xe cộ.

Expert Market - sàn thương mại điện tử kết nối các doanh nghiệp đã phác thảo bảng cân đối kế toán của công ty này. Họ gọi đó là công ty Claus (Claus Inc), với người đứng đầu là hai vợ chồng ông già Noel.

1. Tổng chi phí: 9,9 tỷ bảng

Chi phí sản xuất: Chi phí sản xuất lớn nhất là làm đồ chơi, với 9,83 tỷ bảng. Để ra được con số này, Expert Market đã nhân số tiền trung bình một người châu Âu chi cho quà Giáng Sinh với số trẻ em trong tuổi nhận quà (từ 14 trở xuống), sau đó chia 8 để loại bỏ các chi phí trung gian trong bán buôn, bán lẻ.

tai-sao-ong-gia-noel-nam-nao-cung-lo

Chi phí nhân công: Ông già Noel chi 65 triệu bảng trả lương 3.000 chú yêu tinh. Con số này tính theo lương trung bình tại một nhà máy ở Lapland (Phần Lan). Sau đó, lương hưu và bảo hiểm theo luật Phần Lan nữa là 13,7 triệu bảng. Dĩ nhiên, CEO của nhà máy này - vợ ông già Noel cũng được nhận 65.740 USD - mức lương trung bình của một CEO tại Phần Lan.

Chi phí phân phối: Dựa trên tiền bảo hiểm trung bình năm của một xe đua, chi phí bảo hiểm cỗ xe tuần lộc là 1.605 bảng, bảo dưỡng là 661 bảng nữa. Rồi 9 chú tuần lộc cũng tốn 2.204 bảng mỗi năm tiền thức ăn, theo nghiên cứu của Đại học Oklahoma về trang trại nuôi hươu. Cuối cùng là thêm 549 bảng tiền vaccine, thuốc kháng sinh, thuốc chống bọ cho tuần lộc.

Sinh hoạt phí: Ông già Noel cần 13.800 bảng mỗi năm cho tiền thuê nhà, ăn uống và điện nước.

2. Tổng thu nhập: 1,48 tỷ bảng

Dĩ nhiên, là một chủ doanh nghiệp, ông già Noel không được nhận lương. Nhưng ông có nhiều cách khác để bù lại.

Du lịch: Đây là nguồn thu lớn nhất. Expert Market ước tính công ty có thể kiếm được 954 triệu bảng từ 1,5 triệu du khách ghé thăm Lapland mỗi mùa đông.

tai-sao-ong-gia-noel-nam-nao-cung-lo-1

Bản quyền hình ảnh: Ông già Noel là một trong những hình ảnh được nhận diện dễ nhất thế giới. Cristiano Ronaldo kiếm được 28 triệu USD từ bản quyền hình ảnh năm ngoái. Trang Facebook cá nhân của anh có 108 triệu người theo dõi. Với việc thế giới có 2,2 tỷ người theo đạo Thiên Chúa, ông già Noel có thể kiếm gấp 20 lần Ronaldo, với 370,4 triệu bảng.

Gây giống tuần lộc: Để không 9 chú tuần lộc rất lãng phí. Dựa trên phí nhân giống của Frankel - chú ngựa đua xuất sắc nhất thế giới (125.000 bảng một lần và 15 triệu bảng cho năm đầu tiên gây giống), ông già Noel có thể kiếm được 135 triệu bảng từ 9 chú tuần lộc này.

Tái chế: Sau mỗi dịp Giáng sinh, ông già Noel thường nhận được rất nhiều bánh quy và sữa. Nếu cả hai vợ chồng ông và 3.000 yêu tinh cùng ăn uống, họ vẫn còn dư 243,8 triệu bánh quy và 14 triệu lít sữa. Bán chúng với giá bằng các siêu thị sẽ giúp họ thu về 21,2 triệu bảng mỗi năm. Ông già Noel cũng có thể kiếm được 198.000 bảng từ tái chế hơn 2.300 tấn giấy, chính là những bức thư ghi điều ước của trẻ em mỗi năm.

Chia sẻ phòng trọ: Expert Market ước tính ông có 18 phòng trống. Với giá trung bình tại Lapland, ông già Noel có thể kiếm được hơn 416.000 bảng khi cho thuê phòng ngủ trên Airbnb. Để tăng doanh thu, có lẽ năm sau ông nên tận dụng xe tuần lộc để chạy dịch vụ đi chung xe.

Tổng kết lại, cuối năm, ông già Noel lỗ hơn 8,42 tỷ bảng.

KPMG cho rằng vì dùng tuần lộc, ông chẳng hưởng lợi được mấy khi giá xăng giảm. Nhưng ông có thể nghĩ đến những cách khác, như chuyển trụ sở khỏi Cực Bắc để tiết kiệm chi phí sưởi ấm và tiện di chuyển hơn. Ông cũng có thể lập hòm thư điện tử để rút ngắn quy trình nhận thư yêu cầu quà. Hoặc dùng big data để lưu dữ liệu về các trẻ em, đồng thời dùng thuật toán để dự đoán món quà chúng sẽ yêu cầu hàng năm.