Kim Beom-su – doanh nhân internet thành công bậc nhất tại Hàn Quốc từng nói đùa rằng cuộc sống của anh có lẽ đã rẽ sang một hướng khác nếu như hồi nhỏ có một chiếc máy tính để chơi game. Tỷ phú 49 tuổi này bản thân là một game thủ và hiện trong thời gian rảnh rỗi anh vẫn chơi những trò như Diablo cùng vợ và 2 con.
“Bạn có thể trải nghiệm nhiều thứ trực tuyến mà không thể làm được trong thực tế. Ví dụ thông qua quá trình chiến đấu với kẻ địch để bảo vệ lâu đài trong game, bạn có thể học được kỹ năng giải quyết vấn đề bằng việc nghĩ ra những chiến lược sáng tạo hay cùng hợp tác với những người khác”.
Tình yêu với game trực tuyến và mạng lưới giao tiếp rộng rãi đã giúp anh trở thành một trong số ít những tỷ phú tự thân – một điều rất hiếm có tại đất nước mà nền kinh tế vốn bị thống trị bởi các tập đoàn gia đình trị (chaebol) như Hàn Quốc.
Lập nghiệp từ con số 0
Hai thành công vượt bậc của Kim phải kể đến là: Cổng game trực tuyến đầu tiên của Hàn Quốc - Hangame Communications và sau đó là ứng dụng tin nhắn Kakao Talk.
Anh là chủ tịch Kakao – công ty điều hành KakaoTalk và trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất của đất nước Hàn Quốc với tài sản ước tính hơn 2 tỷ USD. Thành tích này phần lớn nhờ vào câu chuyện tự thân làm giàu – đối lập hoàn toàn với con đường trở thành tỷ phú dễ dàng của những ông chùm chaebol.
Khi còn trẻ Kim đã phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và 8 người trong gia đình anh phải cùng sống trong một căn hộ 1 phòng ngủ ở một quận nghèo ở Seoul. Anh là người đầu tiên trong gia đình được đi học đại học và phải tự trả toàn bộ học phí thông qua việc đi dạy thêm.
“Bố mẹ không có thời gian chăm sóc nhiều vì vậy mỗi người trong chúng tôi phải tự tạo ra con đường đi của riêng mình. Không chỉ tự lập từ sớm mà hoàn cảnh khó khăn còn dạy cho tôi về ý thức trách nhiệm”.
Tuy nhiên hiện tại, sự khó khăn đã bị bỏ lại phía sau và Kim đang tận hưởng cuộc sống của một doanh nhân thành công.
Tại Kakao – nhân viên gọi anh bởi cái tên tiếng Anh là Brian. Ngược lại, mỗi người trong số họ cũng có những tên gọi bằng tiếng Anh riêng. Đây là cách Kim sử dụng để xoá bỏ những rào cản về văn hóa công ty tại đất nước Hàn Quốc – nơi mà các nhân viên thường trò chuyện với đồng nghiệp cấp cao hơn bằng chức danh thay vì gọi tên thân mật.
Công việc đầu tiên của Kim là phát triển dịch vụ truyền thông trực tuyến tại mảng IT của tập đoàn Samsung. Tuy nhiên anh đã rời công ty 5 năm sau đó để mở một quán cà phê internet và bắt đầu phát triển những game casino trực tuyến. Hangame đã thu hút được một lượng truy cập lớn và sau đó sáp nhập với công cụ tìm kiếm Naver để trở thành cổng web NHN thống trị thị trường Hàn Quốc.
“Những ngày đầu, tôi làm việc cả ngày lẫn đêm trên cương vị là doanh nhân và nhà phát triển. Sau đó, tôi tới phòng xông hơi vào lúc bình minh và khóc ở đó. Dù rất tự hào khi bản thân có thể tự điều hành công ty của riêng mình nhưng tôi cũng sợ không thể đủ khả năng trả lương cho nhân viên”.
Cũng kể từ đó, việc tắm ở phòng xông hơi dường như trở thành một "nghi lễ" thường xuyên vào mỗi buổi sáng và cũng là thời gian để tôi suy nghĩ. Sau khi điều hành NHN 5 năm, Kim đã quyết định tới thung lũng Silicon vào năm 2005 để xây dựng văn phòng đại diện game của công ty tại Mỹ.
Tuy nhiên, ở đây có nhiều khó khăn hơn anh tưởng và Kim đã từ chức vào năm 2007. “Một con tàu an toàn nhất khi nó ở bến cảng nhưng đó không phải là điều cần hướng đến” là những lời Kim viết trong lá thư từ chức và giải thích tại sao anh rời NHN.
Tại California anh cố gắng nghĩ ra những ý tưởng mới và nó bất ngờ tới từ chiếc iPhone - - thứ ngay lập tức đã thu hút anh. Kim cùng với người bạn cùng phòng quay lại Hàn Quốc để phát triển ứng dụng dành cho iPhone – 2 năm trước khi Kakao Talk chính thức được ra mắt tại quê nhà.
Trong năm 2010, họ ra mắt KakaoTalk – hiện được sử dụng bởi 3/4 trong tổng số 50 triệu người dân Hàn Quốc. Năm ngoái, Kakao đã được sáp nhập với Daum Communications – đối thủ cạnh tranh của Naver với hy vọng có tiềm lực tài chính mạnh hơn và chuyển sang mảng kinh doanh mới như di động ngân hàng và gọi taxi.
Năm nay, Kim đã gây ngạc nhiên khi mời Jimmy Rim – một trong những CEO trẻ nhất của đất nước để nắm quyền điều hành hoạt động hàng ngày của Kakao.
Hiện Kim nói rằng mình có nhiều thời gian hơn để thực hiện tham vọng cá nhân về việc phát triển 100 công ty khởi nghiệp công nghệ. Tính đến nay anh đã đầu tư vào hơn 70 công ty khởi nghiệp thông qua quỹ đầu tư mạo hiểm của riêng mình.
“Tại Hàn Quốc, nên chấp nhận rủi ro để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh bởi mọi người thường dừng lại ngay sau khi gặp thất bại. Dù có thể học hỏi được nhiều điều sau thất bại nhưng bạn lại không có cơ hội để áp dụng những điều vừa chiêm nghiệm được.
Tuy nhiên, thung lũng Silicon hoàn toàn khác. Tại đây kinh nghiệm học hỏi được từ thất bại thường giúp tạo ra những ý tưởng tuyệt vời sau đó. Tôi thích một hệ thống như vậy và muốn tạo ra một thứ tương tự tại Hàn Quốc.
Ngoài ra môi trường đầu tư cho khởi nghiệp tại Hàn Quốc thời gian gần đây đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự trợ giúp của chính phủ với mong muốn xóa bỏ sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các chaebol. Tuy nhiên những doanh nghiệp nhỏ hơn vẫn gặp khó khăn trong việc phát triển dưới cái bóng quá lớn của các siêu tập đoàn.
Những thách thức phía trước
Mặc dù Hàn Quốc nổi tiếng với hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu nhưng đồng thời nó cũng gây ra trở ngại không hề nhỏ đối với các công ty dịch vụ IT trong nước. Bản thân Kakao cũng đang gặp khó khăn trong việc mở rộng cơ sở người dùng rộng hơn ngoài thị trường Hàn Quốc. Năm nay, nó đã được mua lại bởi công ty mạng xã hội có trụ sở ở Mỹ là Path trong nỗ lực thúc đẩy khả năng tấn công vào thị trường Đông Nam Á.
Cùng những thử thách ở thị trường nước ngoài, Kakao cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn về mặt luật pháp ở quê nhà. Năm ngoái, Kakao đã công khai phản đối quyết định của chính phủ Hàn Quốc khi tuyên bố sẽ thắt chặt quản lý với truyền thông kỹ thuật số do những lo ngại về tự do trực tuyến. Tuy nhiên vào tháng 10, hãng này đã có những động thái tích cực hơn khi nói rằng họ sẽ tuân theo những yêu cầu từ phía nhà chức trách.
Ứng dụng Kakao Talk
Một vài người chỉ trích rằng quyết định của Kakao chỉ là bước đệm để khiến chính phủ thông qua việc cấp phép dịch vụ Internet banking đầu tiên tại Hàn Quốc.
“Bảo vệ sự riêng tư của người dùng vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi nhưng công ty cũng không thể bỏ qua các quy định về pháp lý của chính phủ", Kim nói.
Cùng với những trở ngại về quy định của chính phủ, hệ thống giáo dục cứng nhắc Hàn Quốc cũng tạo ra những rào cản nhất định.
Kim là một trong những người trong tầng lớp thượng lưu có tư tưởng gửi con cái họ ra nước ngoài theo học. (Con trai của anh hiện đang học ở một đại học Mỹ).
"Nền giáo dục hiện nay chỉ tập trung vào kỳ thi đại học mà không đòi hỏi về sự suy nghĩ sáng tạo. Mọi người đang bị gò bó trong một cái khung hạn hẹp và những thế hệ sau cần phải phá bỏ tư tưởng này".