Là người đàn bà ngấp nghé ngũ tuần, cuộc sống trải qua biết bao thăng trầm, có lúc bên mình chỉ có đứa con gái nhỏ và hai bàn tay trắng, nhưng "Cô Ba" Đoàn Thu Thủy vẫn vượt thoát khỏi những đắng cay để ghi tên mình trên thương trường và trong cả trái tim của những người đam mê ẩm thực. Bí quyết của chị đơn giản nhưng không phải ai cũng có thể làm được: Cứ ngẩng mặt mà đi, với niềm tin mãnh liệt rằng ngày mai trời sẽ sáng…
Hơn tháng nay, cụm từ "Cô Ba Xứ Quảng" xuất hiện khá nhiều trên các trang chuyên về ẩm thực. Cộng đồng trên trang Foody đánh giá, quán đạt 7,1 điểm và ở đây thường xuyên kín lịch đặt chỗ dù chủ nhân chỉ mới quảng bá quán trên Facebook. Điều này chứng tỏ mức độ hài lòng của khách hàng khá cao.
Trong một không gian ấm cúng, đậm chất xưa, thực khách có thể thưởng thức các món mang đậm dấu ấn riêng của Cô Ba, nhưng cũng sẽ ngất ngây với những món ngon xứ Quảng. Giao thoa với ẩm thực Việt là các món bánh tráng miệng của Tây Âu.
Đặc biệt, thực khách còn được phục vụ các món ăn đã được vinh danh trong chương trình MasterChef Việt Nam 2014. Chủ nhân của "Cô ba Xứ Quảng", đáng ngạc nhiên, không phải là người trong giới ẩm thực, mà lại là một doanh nhân với những dự án xây dựng BOT đường bộ có giá trị hàng ngàn tỷ đồng.
Cô Ba mê ẩm thực
* Khi dự án BOT quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp do chị điều hành đang ở giai đoạn "mệt mỏi" nhất là giải phóng mặt bằng, chị lại quyết định ra mắt nhà hàng "Cô Ba Xứ Quảng", như vậy có phải là tự mình làm khó mình?
- Đúng là thời điểm này, nhiều việc đến cùng lúc và việc nào cũng không đơn giản. Như giải phóng mặt bằng, chỉ cần thiếu cẩn trọng là sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và việc kinh doanh ẩm thực cũng chẳng khác gì làm dâu trăm họ.
Tuy nhiên, khi đã xác định làm việc gì thì tôi sẽ nỗ lực hết mình để làm bằng được. Cả hai công việc tôi đang làm hiện nay đều là những dự án tôi đã theo đuổi từ lâu, bên cạnh việc điều hành doanh nghiệp của mình, nên những khó khăn xung quanh cũng chỉ là thử thách mà tôi chắc sẽ vượt qua được.
* Nhưng điều gì khiến "Cô Ba cầu đường" lại muốn kinh doanh ẩm thực?
- Đam mê ẩm thực trong tôi được má tôi thắp lên từ khi tôi còn nhỏ. Lớn lên trong mùi thơm của bánh quy, bơ sữa lúc nhà còn khá giả, từ mùi hành phi thơm lừng gian bếp, mùi cá kho quá lửa khen khét đáy nồi, mùi thơm của chén cơm chiên nước mắm ăn lót dạ buổi sáng trước khi đến trường lúc nghèo khó..., với tôi, đường đến với hạnh phúc luôn phải qua gian bếp gia đình.
Bếp phải đỏ lửa thì mới thắp được yêu thương. Vì điều này mà có bận rộn đến đâu, tôi cũng luôn dành thời gian nấu nướng cho gia đình. "Nghiện" vào bếp đến mức có những đêm đã khuya, tôi vẫn nhào bột làm bánh chỉ vì muốn ngửi mùi thơm của bánh nướng trong lò.
Trong tất cả các ngành dịch vụ, ăn uống vẫn đang là nhu cầu rất lớn của thị trường. Vừa là đam mê, vừa là cơ hội, tôi thấy mình có đủ lý do để dấn bước vào một lĩnh vực mới. Một lý do khác là ngành cầu đường không dành cho những người sức khỏe kém, dù chỉ là công việc điều hành. Năm năm nữa, khi vào ngưỡng tuổi 50, tôi sẽ rút khỏi ngành. Quán "Cô Ba Xứ Quảng" là viên gạch đầu tiên để tôi bước chân vào kinh doanh ẩm thực, nhà hàng, khách sạn...
* Nếu không đạt danh hiệu Á quân của chương trình truyền hình thực tế Vua đầu bếp (MasterChef Việt Nam), chị có mạnh dạn hơn với quyết định ấy?
- Cuộc thi đúng là đã mở ra cho tôi nhiều thứ, mang đến cho tôi nhiều bạn bè có cùng đam mê và nhất là có động lực để kinh doanh nhà hàng..., chứ không đơn thuần là danh hiệu. Tôi còn nhớ, thời điểm cuộc thi diễn ra là giai đoạn chuẩn bị cho dự án BOT quốc lộ 30, nhiều việc cần đích thân mình phải thực hiện nhưng tôi vẫn quyết định gác lại mọi chuyện trong 20 ngày, toàn tâm cho cuộc thi.
Đến tận bây giờ, vẫn có nhiều người ngạc nhiên, không hiểu vì sao tôi có thể làm chuyện đó, nhưng bản thân tôi thì hiểu rất rõ: Tình yêu tôi dành cho ẩm thực vẫn là trên hết. Tất nhiên, tôi vẫn hết sức tỉnh táo với trách nhiệm và sự nghiệp mình đã dày công xây dựng. Những lúc chương trình nghỉ quay một ngày là tôi lập tức xin được "đặc cách" ra khỏi cuộc thi, bay ra Hà Nội giải quyết công việc rồi quay về trong đêm.
* Vậy sao chị không chọn ẩm thực ngay từ đầu?
- Tôi sinh ra trước năm 1975, ở một thành phố lớn, ba đi làm ở quân y viện, má ở nhà có tiệm tạp hóa lớn bán đủ thứ, cả xăng dầu cho dân đi biển. Sau giải phóng, gia cảnh sa sút. Khổ quá, ba má bắt đầu tìm đường vào Nam, rời bỏ quê hương trên chuyến xe đò đi mấy ngày đêm, hành lý của cả gia đình chỉ là hai chiếc rương gỗ.
Tới Kiên Giang, ba mua cái doi đất tận miệt đồng, đốn cây trâm bầu dựng nhà, mái nhà lá đầu tiên không có cửa. Tối đốt đèn dầu tù mù, ngoài sân đom đóm bay chấp chới... Má bắt đầu nuôi cả nhà bằng gánh cá khô, rồi bán áo quần, bán vải... Tôi học xong phổ thông, cũng "ham vui", lấy chồng, an phận làm bà nội trợ. Mãi đến tận sau này, cơ duyên đưa tới, gần 30 tuổi mới tập tành kinh doanh.
Duyên nợ với đời
Ba mươi tuổi, Đoàn Thu Thủy cũng chỉ là bà nội trợ, cùng má bán vải ngoài chợ. Vô tình có một chị bạn làm xuất khẩu gạo có nhu cầu vận chuyển hàng hóa, bảo chị đóng xà lan, tham gia vào ngành vận chuyển để hỗ trợ chị ấy. Nghe thấy hay nhưng cũng chẳng biết ất giáp gì, thậm chí còn chưa thấy xà lan bao giờ, chỉ biết phải có công cụ trước đã.
Chị gọi điện lên tổng đài 1080, hỏi những chỗ đóng tàu. Được tổng đài cho địa chỉ, chị bắt xe lên TP.HCM, đến nơi hỏi han, quan sát cặn kẽ 4 xưởng đóng tàu rồi chọn cái tốt nhất, đặt hàng. Không ngờ, công việc mà chị chẳng có chuyên môn ấy lại dạy chị rất nhiều thứ. Sau này còn dẫn chị đến việc san lấp mặt bằng, nạo vét luồng lạch rồi sang cầu đường...
* Xem ra chị khởi nghiệp cũng khá trễ?
- Nhìn lại hành trình lập nghiệp của mình, tôi nghĩ, tất cả là cái duyên mà cuộc đời dẫn dắt và tôi thì đón nhận, nắm bắt rồi nỗ lực để hoàn thành. Nhiều người nói tôi liều cũng đúng. Tôi rất liều vì không biết sợ, sẵn sàng thử những thứ mình không biết. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, cái gì không biết, học thì sẽ biết.
* Theo chị, ngành cầu đường đòi hỏi ở doanh nhân khá nhiều thứ: sức khỏe, thời gian đi lại, các mối quan hệ...?
- Công trình BOT quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp có 18 tháng để xây dựng và chủ đầu tư được thu phí trong khoảng 22 năm. Vốn đầu tư lớn và thời gian để thu hồi vốn là khá dài. Tôi nghĩ, việc kêu gọi tư nhân tham gia xã hội hóa các dự án xây dựng hạ tầng là một chính sách hợp lý vì cầu đường luôn là nhu cầu bức thiết của xã hội và tư nhân tham gia cũng là góp phần nâng cao đời sống cộng đồng.
Nhà đầu tư có lợi và người dân hưởng lợi trước tiên, hãy cứ nhìn vào việc chọn đi hay không đi đường cao tốc sẽ thấy. Rõ ràng, người dân sẵn sàng chi trả cho những công trình đầu tư đúng, có hiệu quả.
* Nghĩa là, sau quốc lộ 30 Tiền Giang - Đồng Tháp, chị sẽ tiếp tục với các dự án BOT?
- Khi có dự án tốt, tôi vẫn sẵn sàng làm cùng các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tôi cũng còn có khá nhiều dự án của riêng mình, như hoàn thành cuốn sách thứ hai về ẩm thực mang tên "Đường đến miền hạnh phúc", hướng dẫn nấu những bữa cơm gia đình cho các gia đình trẻ; sau đó sẽ đến "Bánh trái mùa xưa", hướng dẫn làm các món bánh truyền thống của Việt Nam; và tiếp theo là "Cho đời bày cuộc vui", chỉ cách trang trí tiệc cho cuộc vui của đôi lứa; rồi kênh YouTube dạy nấu ăn mang tên "Bếp Cô Ba" bắt đầu phát vào ngày 1/1/2016... Tôi cũng đang ấp ủ việc xây dựng một khu resort để có thể vừa kinh doanh, vừa có nơi thư giãn đúng như ý nguyện.
* Viết sách đã khó, sách về ẩm thực còn khó hơn vì đòi hỏi hội tụ kiến thức phong phú, văn phong dễ hiểu, hình ảnh minh họa bắt mắt..., chị có nghĩ vậy?
- Cuốn sách đầu tiên "Cô Ba và hành trình món Việt" chỉ trình bày 63 món ăn đặc sắc của các vùng, miền mà tôi đã mất rất nhiều thời gian, bởi mỗi ngày chỉ viết được tầm 4 - 5 món, trong khi tôi chỉ có thể viết vào ngày không vướng bận công việc là ngày Chủ nhật. Chưa kể phải có không gian ẩm thực của chính món ăn đó, rồi đạo cụ trang trí để phục vụ cho việc chụp ảnh... Có những ngày đi chụp xa, phải thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị. Tôi nghĩ, việc khó đến đâu, chỉ cần mình có tâm thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp.
Bến đỗ bình yên
Hiếm có doanh nhân nào kết nối cao như Đoàn Thu Thủy. Trăm công nghìn việc nhưng vẫn thấy chị trực tuyến đều đặn trên mạng xã hội. Facebook của chị đã có đến gần 7.000 người theo dõi, họ bị thu hút bởi các công thức, kinh nghiệm để có những món ăn ngon, cách trang trí nhà cửa, làm đẹp bản thân... chị chia sẻ. Trên ấy cũng có rất nhiều hình ảnh gia đình, những bài viết thể hiện tâm tư, tình cảm chị dành cho hai con: một cô gái đang du học xa và một cậu bé chỉ mới 5 tuổi.
* Có một mái ấm, một quê hương, một công việc có thu nhập ổn định và thời gian chủ động để chăm con nhưng chị vẫn quyết định rời quê lên thành lập nghiệp. Dường như chị rất thích làm khó mình?
- Biết làm sao khi 30 tuổi, tôi nhận ra mình đang sống mòn, tôi muốn thay đổi cuộc sống bình lặng của mình. Tôi không muốn lãng phí tuổi xuân và biết mình có thể làm được nhiều thứ. Tôi biết lựa chọn của mình sẽ rất khó hiểu với người khác nên âm thầm dẫn con lên Sài Gòn lập nghiệp, gửi lại thư chia sẻ quyết định của mình. Bạn đời của tôi lúc đó cũng tôn trọng, chúng tôi chia tay trong êm đẹp.
* Hình như quãng đường sau đó của chị không êm đềm như chị hình dung, mà đầy sóng gió và thử thách?
- Tôi ra đi với hai bàn tay trắng, lúc đó con gái cũng chỉ mới 5 tuổi nên đã chuẩn bị tinh thần đón nhận khó khăn, nhưng cũng có những lúc không giấu được nước mắt. Lên Sài Gòn, hai mẹ con ở nhà thuê, con đi học, còn mẹ vừa đi làm, vừa đi học. Tôi muốn học để lấp đầy lỗ hổng kiến thức của mình, để có thể điều hành doanh nghiệp bài bản.
Còn nhớ, có lần đi ngang qua quán ốc, con gái kêu thèm, thế là tôi chiều con, hai mẹ con vào ăn, rồi tôi phải thế điện thoại di động lại vì không đủ tiền thanh toán, sau đó quay lại chuộc. Quãng thời gian ấy không dễ để vượt qua chút nào. Lay lắt đến 4 năm tôi mới tích cóp đủ xây được căn nhà như ý, đàng hoàng cho con gái và đón ba má lên ở cùng.
* Động lực nào giúp chị mạnh mẽ khác với vẻ bề ngoài yếu đuối như thế?
- Tôi thường đặt mục tiêu mỗi giai đoạn 5 năm cho mình, rồi bằng mọi giá phải đạt được. Nhân vật Alice trong truyện Alice lạc vào xứ thần tiên khi hỏi đường đã nói là không biết mình muốn đi đâu, thế nên không ai trả lời cho Alice được. Trong cuộc sống cũng vậy, phải biết con đường mình muốn đi, phải kiên định với con đường mình đã chọn, phải dám ước mơ thì mới có thể đến được đích.
Tôi tin, khi đã ước mơ và dám làm mọi điều để đạt được ước mơ thì cả vũ trụ sẽ chung tay giúp đỡ mình. Trong Kinh thánh có câu: "Hãy gõ, cửa sẽ mở!", hãy bỏ bớt cái "tôi" của mình, bỏ đi nỗi sợ hãi, hãy gõ đi, cửa sẽ mở, chắc chắn vậy. Chưa đi mà đã nản thì sẽ không bao giờ đến đích.
* Và, cái đích lớn nhất của đời chị là gì?
- Hạnh phúc của con mình, của những người xung quanh. Số phận đã cho tôi có được hai thiên thần. Dù đường đời có vạn nẻo chông gai, có bão táp phong ba thì với tôi, ngôi nhà và những đứa trẻ là nơi chốn bình yên nhất để tôi trú ngụ. Mưa gió, thị phi sẽ dừng lại trước hiên nhà. Gian bếp nhà tôi luôn đỏ lửa với tiếng nói cười của các con, bếp lò thơm mùi bánh nướng.
Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản thế. Là đàn bà, đừng tham vọng vác đá vá trời, dời non lấp bể, chỉ cần thấy vui bên người thân, nghe tiếng con mình cười, nấu một bữa ăn ngon, cắm một bình hoa đẹp..., thì đó là hạnh phúc. Tôi nghĩ vậy.
* Cảm ơn chị về những chia sẻ!