Thung lũng Silicon: Từ vườn mận đến trung tâm công nghệ thế giới (P1)

Thung lũng Silicon: Từ vườn mận đến trung tâm công nghệ thế giới (P1)

(NDH) Làm thế nào mà một vùng ngoại ô buồn tẻ phía Đông Nam thành phố San Francisco lại thu hút nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như vậy?

Mọi người đều biết thung lũng Silicon là trung tâm công nghệ của thế giới.

Apple, Facebook, Yahoo, eBay và khoảng một nửa các ứng dụng trên App Store đều có nhà chung là thung lũng Silicon.

Làm thế nào mà một vùng ngoại ô buồn tẻ phía Đông Nam thành phố San Francisco lại thu hút nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như vậy?

Câu chuyện dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về quá trình phát triển của nơi này.

Tên gọi ban đầu của Silicon Valley là Valley of Heart's Delight. Nơi đây nổi tiếng với những vườn trái cây và hoa. Trong đó, mận là mặt hàng xuất khẩu chính.

Thung lũng Silicon cũng được gọi là thung lũng Santa Clara, chạy từ phía Đông Nam của vịnh San Francisco xuống San Jose. Bản thân San Francisco không phải một phần của Thung lũng này.

Kể từ giữa những năm 1800, những hạt giống đầu tiên đã được vun trồng để biến Silicon Valley thành trung tâm công nghệ.

Là trung tâm của cả tàu quân sự và thương mại, khu vực Vịnh San Francisco được coi là mảnh đất màu mỡ cho các ngành công nghiệp điện báo và đài phát thanh thời kỳ đầu. Năm 1909, Charles "Doc" Herrold bắt đầu xây dựng đài phát thanh đầu tiên của đất nước.

Cũng trong năm 1909, Cyril Ewell đã dẫn đầu một nhóm nghiên cứu ở Palo Alto (một thành phố nằm ở khu vực Vịnh San Francisco) phát triển máy hồ quang điện đầu tiên tại Mỹ.

Nói về tàu quân sự, Hải quân Mỹ đóng vai trò quan trọng trong những ngày đầu phát triển của Thung lũng Silicon. Năm 1933, Hải quân Mỹ đã mua Moffett Field, một dải đất tại Sunnyvale, California làm nơi đỗ tàu tuần dương USS Macon.

Moffett Field trở thành một trung tâm lớn cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ còn non trẻ. Các công ty như Lockheed mở cửa hàng ở đó để phục vụ tốt hơn cho Hải quân. Các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy công việc ổn định tại đây.

Năm 1939, Trung tâm Nghiên cứu Ames đã được thành lập và trở thành phòng thí nghiệm của Ủy ban tư vấn quốc gia về Hàng không. Năm 1949, Ames trở thành nhà của đường hầm tạo gió lớn nhất thế giới, đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu hàng không vũ trụ. Hiện nay, Ames cũng chịu trách nhiệm đối với nhiều công việc khoa học máy tính của NASA.


Hewlett Packard thường được ghi nhận là công ty sáng lập ra Silicon Valley. Nhưng trên thực tế, William Hewlett và Dave Packard - 2 cựu sinh viên Stanford đã không sản xuất bất kỳ thiết bị máy tính nào cho đến mãi sau này. Khi bắt đầu khởi nghiệp tại nhà để xe, bộ đôi này đã phát triển thành công một loại mạch dao động mới và trong Thế chiến 2 là radar và công nghệ pháo binh.

Tại thời điểm này, khi mọi người nói "máy tính" có nghĩa họ đang đề cập đến máy móc giống như chiếc ENIAC nổi tiếng - có kích thước tương đương với một căn phòng rộng.


Ngành công nghiệp công nghệ cao của thung lũng Silicon được bắt đầu bởi một người đàn ông tên là William Shockley. Ông là một nhà khoa học xuất sắc và là người đồng phát minh ra transistor - một trong những thành phần cơ bản nhất của bộ vi xử lý máy tính - tại Bell Labs.

Sau một loạt các cuộc đụng độ với quản lý khi không được ghi nhận thành tích cho việc phát minh ra transistor, Shockley thành lập Shockley Semiconductor Labs, công ty đầu tiên chế tạo các bóng bán dẫn silicon thay vì germanium. Shockley chọn Mountain View, California là nhà cho công ty mới của mình.


Shockley đã cố gắng thuyết phục một số đồng nghiệp cũ tại Bell Labs làm việc tại California cho ông, nhưng không ai đồng ý cả. May mắn thay, những trường đại học địa phương như Đại học Stanford đã đào tạo ra rất nhiều sinh viên tài năng.

Nhờ vậy, Shockley tuyển dụng được nhiều nhà khoa học trẻ và đầy khát khao vào làm việc cho mình. Nhưng Shockley là một người quản lý tệ hại, liên tục thay đổi hướng tập trung vào các sản phẩm và cuối cùng cắt đứt sự phát triển của bóng bán dẫn silicon. Sau khi không thể chịu đựng được nữa, tám trong số những nhà khoa học trẻ dời bỏ công ty. Shockley tức giận gọi họ là tám người phản bội và công khai tuyên bố rằng họ sẽ không bao giờ có thể thành công.

"Tám kẻ phản bội" đã hợp tác với doanh nhân Sherman Fairchild để thành lập Fairchild Semiconductor và chế tạo thành công một loại transistor mới. Ban đầu, trụ sở công ty được đặt tại một văn phòng nhỏ tại Palo Ato. Fairchild nhận được nhiều lời khen ngợi nhờ những phát minh giúp máy tính nhỏ gọn hơn, nhanh hơn và rẻ hơn của mình.