Nở rộ kinh doanh bánh mì 'sang chảnh': Liệu có 'sớm nở, tối tàn'?

(NDH) Thời gian gần đây, các cửa hàng bánh mì kẹp mọc lên như 'nấm sau mưa' tại Hà Nội. Nhưng liệu đó có phải mô hình kinh doanh bền vững hay chỉ là trào lưu 'sớm nở, tối tàn'?

Cơn sốt bánh mì kẹp 'sang chảnh'

Cùng với Phở, bánh mì kẹp đã trở thành món ăn Việt Nam nổi tiếng và được nhiều người nước ngoài yêu thích trong vài năm trở lại đây. Tạp chí Huffington Post của Mỹ từng bình chọn bánh mì Việt Nam là một trong 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Trang du lịch của BBC và nhiều tờ báo lớn khác cũng đã có những bài viết ca ngợi món ăn này.

Không bó hẹp trong lãnh thổ Việt Nam, các cửa hàng bán bánh mì Việt ra đời tại khắp nơi trên thế giới và được người dân bản địa hết sức ưa chuộng.

Cảnh xếp hàng tại một quán bánh mì Minh Nhật

Ảnh: FB Bánh mì Minh Nhật

Nắm bắt được xu hướng đó, thời gian gần đây, nhiều cửa hàng bán bánh mì kẹp mọc lên như 'nấm sau mưa' tại Hà Nội. Hàng loạt những cái tên như Bánh mì Minh Nhật, Bami King, Bami House, Bánh mì Phố...xuất hiện tại nhiều con phố lớn của Thủ đô.

Nếu tầm 10 năm trước, bánh mì được coi là món ăn sáng bình dân thường được bán ở vỉa hè hay các xe lưu động, thì giờ đây món ăn này đã được đưa vào những cửa hàng với thiết kế hiện đại, đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp và bao bì bắt mắt.

Bên cạnh những nhân bánh quen thuộc như pate, giò chả, xá xíu.. bánh mì kẹp tại Hà Nội hiện nay rất phong phú về hương vị - từ bò nướng, heo quay, gà chọi, tôm sa tế cho đến nhân thập cẩm...

Giá thành của những chiếc bánh mì 'sang chảnh' cũng cao hơn hẳn so với những chiếc bánh thường được bán ở vỉa hè, dao động từ 20-35 nghìn đồng/chiếc. Thậm chí, có những loại bánh mì đặc biệt có giá lên tới 45-50 nghìn đồng/suất.

Ngoài sản phẩm chính là bánh mì, một số cửa hàng còn bán thêm các loại nước uống và đồ tráng miệng với thực đơn đa dạng. Khách hàng cũng có thể lựa chọn combo theo bữa sáng, trưa, tối, gia đình, công sở...

Nhiều quán bánh mì bán thêm nước uống và đồ tráng miệng cho khách hàng

Ảnh: FB Bami Bread

Nhìn chung, các quán bánh mì thường tập trung tại những con phố lớn, nơi nhiều dân công sở, đông người nước ngoài hay gần các trường học nên khá đông khách. Vào giờ cao điểm, tại một số quán, khách hàng phải đứng xếp thành hàng dài chờ đến lượt mua.

Minh Nhật, Vua đầu bếp năm 2014 đồng thời là chủ của một chuỗi nhà hàng bánh mì tại Hà Nội chia sẻ rằng 5 quán bánh mì tại 5 quận nội thành của cô mỗi ngày phục vụ từ 1.500 - 2.000 chiếc cho thị trường.

Chủ một hàng bánh mì khác cũng cho biết nếu tính chung cả số khách hàng mua trực tiếp và đặt hàng online, quán của anh bán được 150 - 200 chiếc/ngày.

Theo anh, sở dĩ gần đây mô hình kinh doanh bánh mì kẹp 'sang chảnh' nở rộ là do nhu cầu của khách hàng ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, việc mở một cửa hàng bánh mì tốn ít vốn và công sức hơn so với một nhà hàng. Nguyên liệu của sản phẩm cũng không cầu kỳ, phức tạp mà khá đơn giản. Bánh mì dễ dàng mang đi hơn một số đồ ăn khác và phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. Thêm nữa, bánh mì ngày càng được các du khách nước ngoài quan tâm và ưa chuộng.

Liệu có phải trào lưu 'sớm nở, tối tàn'?

Mở hàng bánh mì đang được coi là hình thức kinh doanh hấp dẫn tại Hà Nội. Không ít người đã quyết định từ bỏ công việc ổn định với mức thu nhập khá để thử sức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, liệu đó có phải là mô hình bền vững hay chỉ là trào lưu kinh doanh 'sớm nở, tối tàn'?

Liệu mở cửa hàng bánh mì có phải mô hình kinh doanh bền vững?. Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước đây, khi lẩu băng chuyền đang ở thời kỳ hoàng kim, một loạt các thương hiệu lẩu băng chuyền đua nhau ra đời. Nhưng không được bao lâu, hình thức này không còn hấp dẫn với khách hàng. Cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt nên nhiều nhà hàng phải thu nhỏ hoạt động, thanh lý cửa hàng hoặc tệ hơn nữa là rơi vào cảnh phá sản, nợ nần.

Tương tự, cà phê take away hay chà tranh 'chém gió' từng là những mô hình kinh doanh 'nổi như cồn' nhưng sau một thời gian, nhiều chủ nhà hàng cũng đành ngậm ngùi nói lời chia tay vì quán vắng khách, doanh thu không bù nổi chi phí.

Một doanh nhân trong lĩnh vực ẩm thực chia sẻ rằng: Mô hình kinh doanh nào càng đơn giản, chi phí thấp, lợi nhuận cao và dễ bắt chước thì càng chóng 'tàn'.

Theo ông, nhiều người vẫn có thể làm giàu nếu biết cách nắm bắt các trào lưu. "Tuy nhiên, nếu muốn kinh doanh bền vững, bạn cần nghiên cứu kỹ về thị trường, tạo ra sản phẩm có sự riêng biệt và không ngừng sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.", vị doanh nhân này nhắn nhủ.

>>Cần bao nhiêu tiền để mở cửa hàng Jollibee tại Việt Nam?