Khởi nghiệp tại Việt Nam: Nên copy hay sáng tạo?

Khởi nghiệp tại Việt Nam: Nên copy hay sáng tạo?

(NDH) Nhiều người cho rằng để khởi nghiệp thành công bạn cần có một ý tưởng sáng tạo và hoàn toàn khác biệt so với những người khác. Liệu điều đó có thật sự cần thiết?

Theo một thống kê của Topica Founder Institute, 100% các start-up thành công tại Việt Nam đều học hỏi và bản địa hoá từ mô hình tương tự ở nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã từng 'sao chép' ý tưởng của các công ty khác.

Vậy copy khi khởi nghiệp có phải điều xấu hay không? Chủ đề này đã được các diễn giả thảo luận trong chương trình "Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia: Ngày sáng tạo" diễn ra cuối tháng 10 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan

Theo ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, "Nếu mình không sáng tạo được thì copy cũng không có gì sai". Nhưng phải 'copy tốt', làm ra các sản phẩm tốt hơn chứ không phải 'copy dởm' rồi tạo ra hàng giả, hàng nhái. Ông Mỹ cũng cho rằng bạn không nhất thiết phải có một sáng kiến mới hay một ý tưởng mới khi khởi nghiệp. Để có được ý tưởng hay và phù hợp với thực tiễn, doanh nhân này khuyên mọi người hãy nhìn vào các vấn đề xung quanh mình và cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề đó.

Ông Tạ Sơn Tùng, đồng sáng lập và CEO của công ty Rikkeisoft

Đồng quan điểm với ông Mỹ, CEO của Rikkeisoft Tạ Sơn Tùng đánh giá việc sao chép khi khởi nghiệp là không có gì xấu cả. "Trong thời đại Internet, việc tìm kiếm thông tin là hết sức đơn giản. Khi nói về ý tưởng 'ý có thể là của người ta, nhưng tưởng là của mình'. Trên thế giới, bao nhiêu ý tưởng hay có hết rồi. Ở đâu đó trên thế giới, một quốc gia nào đó đã có ý tưởng đó rồi. Việc của mình là tìm ra một điều gì đó có thể làm tốt hơn họ. Việc hoàn toàn sáng tạo là rất tốt nhưng copy đúng, làm đúng luật pháp, không phải làm hàng nhái thì cũng không có gì xấu cả.", ông Tùng nói.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures

Trong khi đó, ông Trần Hữu Đức, Giám đốc FPT Ventures cho rằng khi có một ý tưởng bạn nên tìm hiểu và phân tích về mặt thị trường. "Đầu tiên hãy xem ý tưởng của mình có thị trường hay không, thứ hai là xem thị trường có đủ lớn hay không, thứ ba là mô hình kinh doanh sẽ như thế nào."

"Các bạn đừng ngồi trong bốn bức tường và nghĩ rằng ý tưởng của mình tốt nhất thế giới, mà nên đi ra ngoài xem ý tưởng đó đã có ai thực hiện hay chưa? Nếu có rồi thì liệu mình có thể làm tốt hơn không?", ông Đức khuyên.

"Nếu không tìm thấy ở đâu có cả thì bạn đừng vội từ bỏ, bởi biết đâu đó có thể là ý tưởng thay đổi thế giới thật thì sao", Giám đốc FPT Ventures nhắn nhủ.

>> CEO 8X và tham vọng xây dựng công ty lớn hơn FPT