"Chở củi về rừng" nhìn từ chuyện Hoàng Ty rút lui ở Đà Lạt

(NDH) Khá thành công ở thị trường TPHCM và một số địa phương khác, nhưng khi tấn công vào thị trường Đà Lạt, Hoàng Ty đã phải nhanh chóng thoái lui khỏi vùng đất này.

Mua đất xây nhà, khai trương quảng bá rình rang, nhưng sau vài tháng Hoàng Ty phải bỏ chạy khỏi đất Đà Lạt và bán lại tài sản cho người khác. Kinh doanh hay đánh trận, thắng thua là chuyện thường tình. Nhưng cách thua của Hoàng Ty rất lạ.

Nhiều người ở Đà Lạt biết rất rõ về nhà hàng Hoàng Ty, một thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn, có gốc gác từ Tây Ninh. Hoàng Ty chuyên bán các món ăn chơi, phổ biến nhất là bánh canh và bánh tráng cuốn. Khi mở cơ sở kinh doanh trên đường Nguyễn Chí Thanh mấy tháng trước, cơ sở này làm "náo loạn"cả thành phố nhỏ bé này.

Không lâu sau đó, Hoàng Ty mất dạng, bán lại ngôi nhà và đồ đạc khoảng 11 tỉ đồng cho một người kinh doanh địa phương để kinh doanh khách sạn. Căn nhà khá rộng, ngang khoảng 6m, dài khoảng 20m, tổng cộng 5 tầng. Theo một số người biết chuyện, Hoàng Ty thua vì cách làm ngược đời.

Thứ nhất, món bánh canh của Hoàng Ty được cho là khá nhợt nhạt so với khẩu vị người dân địa phương. Lí do này có vẻ khá hợp lí vì thực tế ở Sài Gòn, món làm nên tên tuổi Hoàng Ty là bánh tráng cuốn chứ không hẳn là bánh canh. "Nước súp kém đậm đà, không phù hợp với khẩu vị địa phương", một người kinh doanh lâu năm ở địa phương cho biết. Nói cách khác, thương hiệu này chưa thành công hoặc chưa nghĩ đến vấn đề địa phương hoá sản phẩm.

Theo một chủ quán bún bò và bánh canh có thâm niên gần 30 năm tại đây, thì Đà Lạt là vùng đất khó chiều khách. Vào các ngày lễ tết mới có khách miền Nam, còn lại khách miền Bắc là chủ yếu, chiếm 80% lượng du khách đến Đà Lạt hàng năm. Khẩu vị người Bắc khá lạ so với phong cách Hoàng Ty. "Họ ăn nhạt, không ăn ngọt và ăn nhiều món rau (luộc, xào...). Nước dùng của Hoàng Ty khác khẩu vị của phần lớn "thượng đế" đến đây. Vị chủ quán này để chiều khách, bà phải nấu hai nồi nước súp riêng, một ngọt một nhạt. Khách du lịch miền Bắc ăn nhạt, khách địa phương thích ăn đậm hơn. Các gia vị như xả, ớt cũng không dám bỏ chung mà để riêng. Sau khi nghe giọng hỏi nhu cầu bà mới nêm nếm cho phù hợp.

Món bánh canh "thua" còn vì giá bán. Sợi bánh canh to chỉ chiếm chừng nửa tô, miếng giò heo không quá lớn, thêm 4 miếng thịt xếp 4 góc làm nên tô bánh giá 40.000đ. Tuy nhiên, giá này là khá cao so với nhu cầu của hầu hết người dân lao động nơi đây. Tại thành phố thơ mộng này, món bún phở bánh canh chỉ dao động quanh mức 15-35.000 đồng/tô. Trong khi tô nào cũng đầy ắp và bảo đảm khách no bụng sau khi ăn xong. Còn đối với du khách, vị chủ quán này cho rằng, thương hiệu Hoàng Ty kém thu hút. "Có lẽ người ta đã ăn ở Sài Gòn rồi nên không muốn ăn thêm ở Đà Lạt nữa".

Các loại rau rừng Tây Ninh ăn kèm bánh tráng phơi sương sẽ rất ngon và lạ miệng đối với dân Sài Gòn, nhưng với người Đà Lạt thì có vẻ chưa đủ "đẳng cấp".

Món sở trường thứ hai của Hoàng Ty là bánh tráng cuốn cũng cùng cảnh ngộ. Với giá trên 100.000 đồng cho một món "ăn chơi", không nhiều khách hàng đáp ứng được thường xuyên. Ngoài ra, Hoàng Ty được cho là ngược đời vì "chở củi về rừng". Hơn chục loại rau rừng Tây Ninh ăn kèm bánh tráng phơi sương sẽ rất ngon và lạ miệng đối với dân Sài Gòn, nhưng với người Đà Lạt thì có vẻ chưa đủ "đẳng cấp". Đà Lạt là xứ trồng rau nổi tiếng và là vựa rau lớn của cả nước . Người Đà Lạt không thích ăn những loại rau có vị đắng, chua, chát. Xà lách chính hiệu Đà Lạt phải được xắt nhuyễn, kèm thêm một ít rau húng cay hay bạc hà cho các món nước như bánh canh, bún bò, bún riêu, vị chủ quán này giải thích.

Nguyên nhân thất bại của một dự án thì có nhiều, những lí do trên đa phần liên quan đến yếu tố thị trường. Nhưng có lẽ đây là yếu tố quan trọng nhất khiến Hoàng Ty thoái lui. Một nhân viên làm việc cho Hoàng Ty Đà Lạt tiết lộ, mỗi cửa hàng ở Sài Gòn có thể đón 60.000 khách/ngày, trong khi cửa hàng tại Đà Lạt chỉ có 600-700 khách/tháng. Tính trung bình, doanh thu ở đây mỗi ngày chỉ bằng khoảng 1% so với Sài Gòn.

Hoàng Ty có hàng chục chi nhánh và nổi tiếng hơn 10 năm qua. Sự thoái lui lần này khiến người ta liên tưởng đến năng lực nghiên cứu thị trường và đánh giá dự án của thương hiệu thuộc sở hữu tư nhân này. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, dù chưa thành công nhưng họ "dọn dẹp" rất nhanh và rốt ráo. Điều này thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh, cũng là điều kiện giúp họ nhanh chóng mở rộng quy mô ở những địa điểm tiềm năng khác. "Tiến nhanh lùi nhanh" là chiến thuật được sử dụng rất phổ biến bởi các doanh nghiệp Việt có quy mô lớn, điển hình như Công ty Thế giới Di động khi mở các cửa hàng bán lẻ.