6 bài học kinh doanh từ nữ ca sĩ Adele

6 bài học kinh doanh từ nữ ca sĩ Adele

(NDH) Bên cạnh việc thưởng thức giọng ca tuyệt vời của Adele, bạn còn có thể rút ra những bài học tuyệt vời về kinh doanh từ nữ ca sĩ nổi tiếng này.

Adele, hiện tượng hiếm của làng nhạc quốc tế

Adele là một trong những ca sĩ được rất nhiều người yêu mến hiện nay. Những bài hát của cô được mọi người từ khắp nơi trên thế giới lắng nghe và hát lại hàng ngày.

Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi rằng làm thế nào mà Adele trở nên cực kỳ nổi tiếng và thành công, đến mức cô có thể quyết định được việc không cho phép nhạc của mình được nghe miễn phí trên mạng?

Dưới đây là sáu bài học kinh doanh hữu ích mà bạn có thể học được từ Adele.

1. Không bao giờ cố trở thành một ai khác

Thậm chí khi được yêu cầu đóng vai một người trong chương trình của BBC, thì người mà cô ấy thực sự thủ vai lại chính là bản thân cô ấy. Hoặc, cô ấy có thể bắt chước ai đó đang bắt chước mình. Và kết quả thì thật hài hước. Cần một nỗ lực rất lớn để chỉ là chính bạn. Trong trường hợp của Adele, dưới áp lực của dư luận, đáng lẽ cô ấy đã cần thay đổi giọng nói, vẻ bề ngoài hay thậm chí tài sản vật chất để có thể trở thành một “ngôi sao” theo lệ thường. Nhưng không, Adele chỉ hát mà thôi. Sự thành thật đã tạo nên vẻ “độc và lạ” cho cô ấy.

2. Không sửa đổi sản phẩm của mình để phù hợp với xu hướng thị trường

Những bài hát của Adele thực sự vẫn có thể hit của 10 năm về trước, 20 năm trước, và thậm chí là 50 năm trước. Một tác phẩm được công nhận rộng rãi sẽ sống mãi với thời gian. Mặc dầu có thể sự thật là chúng chỉ là sản phẩm cá nhân. Bạn sẽ thấy rằng những gì cô ấy đang hát thực sự đến từ chính bản thân cô và những trải nghiệm của riêng cô. Cô ấy cư xử một cách chân thực và cũng hát từ trái tim.

3. Không bán sản phẩm cho một thị trường riêng biệt

Hãy thử cho những nhà quản trị marketing uống một ly rượu mạnh và họ sẽ đưa cho bạn hàng tá những lời giải thích phức tạp khó hiểu về tâm lý nhân chủng học đối với các đối tượng khách hàng mục tiêu của họ. Nhưng bài hát của Adele chạm tới trái tim của rất nhiều người. Adele không nhắm tới bất kỳ ai, nên những bài hát của cô giữ được tính chân thật. Những người lớn tuổi đề cao điều này, và ngay cả những người trẻ tuổi cũng vậy.

Có rất ít thương hiệu có thể tiếp cận một thị trường đa dạng và rộng lớn như vậy. Cô ấy không cố gắng để trở thành mọi thứ cho tất cả mọi người. Cô ấy cũng không cố gắng trở thành điều gì riêng biệt để làm vừa lòng một thị trường hẹp.

4. Hiểu sức ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông

Không nhiều người biết rằng Adele bắt đầu sự nghiệp của mình từ việc đưa sản phẩm của cô lên mạng MySpace. Chắc hẳn bạn nhớ MySpace. Nó giống như Facebook nhưng thậm chí là tệ hơn. Vào thời điểm đó, cô giải thích: “Tôi thà để 5 triệu người có thể nghe được nhạc của mình hơn là kiếm được 5 triệu bảng. Tôi viết các bản tin và blogs, và lắng nghe những điều mọi người nói, đôi lúc có thể là dành hơi nhiều thời gian”.

Có thể việc lắng nghe là điều đúng đắn và đã giúp cô biết được cái gì thành công và không. Nhiều CEO không biết cách lắng nghe người khác bởi họ quá bận nghe tiếng nói của chính mình. Adele có nhận thức mạnh mẽ về bản ngã của mình cho nên cô ấy hiểu rằng những dòng tweet linh tinh trên mạng có thể không phải là điều tốt. Bởi vậy, hiện giờ có một số người chịu trách nhiệm cho phép/ lọc tweet trên trang của cô.

5. Không phải lúc nào cũng làm việc

Adele không liên tục sáng tác bài hát, cho ra album hay video. Cô ấy không cần phải xuất hiện liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng và tung ra các “tin mới” để đẩy mạnh việc tiêu thụ. Ngược lại, Adele chọn cách biến mất trong một thời gian để làm những việc lạ lùng chẳng hạn như sống và thở rồi quay trở lại khi cô có tác phẩm mới mà cô hy vọng mọi người sẽ thích nó. Điều này thật lôi cuốn trong một thế giới với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày một tăng. Adele thích việc sống thật với bản thân mình.

6. Tôn trọng quá khứ

Đôi lúc, chúng ta nên nhìn lại và chứng kiến những niềm vui và lỗi lầm của người khác. Trong trường hợp của Adele, cô nói “Lúc 15 tuổi, khi nghe những bản nhạc của thập niên 40 tôi thật sự cảm thấy được truyền cảm hứng. Ý nghĩ rằng 50 năm sau mọi người sẽ vẫn nhìn lại những tác phẩm của mình là một niềm khích lệ lớn cho tôi trong hoạt động nghệ thuật”. Có thể đó là một chiến lược của cô ấy. Cũng có thể đó chỉ là một hy vọng. Cô ấy chỉ muốn mọi người cảm nhận điều gì đó lâu dài, trường tồn. Đó cũng chính là điều mà các thương hiệu tốt nhất đã làm.