Giá trị hiện tại của Xiaomi nằm trên tất cả các startup công nghệ khác đang được các nhà đầu tư mạo hiểm chống lưng, trong đó có cả Uber, dịch vụ đi nhờ xe vừa được định giá 41 tỷ USD đầu tháng này. Có thể nói, hãng smartphone Trung Quốc chỉ đứng sau Facebook khi năm 2011, mạng xã hội này nhận được số vốn đầu tư từ Goldman Sachs và nâng giá trị lên 50 tỷ USD.
Xiaomi có trụ sở tại Bắc Kinh, dẫn đầu bởi nhà sáng lập Lei Jun, nhanh chóng trở thành hãng smartphone lớn nhất Trung Quốc chỉ trong 4 năm. Hiện tại, các nhà đầu tư hi vọng Xiaomi có thể xây dựng doanh nghiệp vững mạnh hơn không chỉ xoay quanh smartphone giá rẻ mà còn cả phần mềm và dịch vụ cho người dùng, đồng thời lặp lại thành công trong thị trường đồ điện tử thông minh.
Logo Xiaomi trước trụ sở công ty tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg News
Với Xiaomi, bán smartphone giá siêu rẻ là cách để thu hút người dùng sử dụng ứng dụng và dịch vụ. Chính mô hình này là nguyên nhân khiến Xiaomi nhận được lòng tin từ các nhà đầu tư. Ông Lei xác nhận gọi vốn thành công 1,1 tỷ USD trên tiểu blog cá nhân. Các tổ chức đứng sau bao gồm All-Stars Investment, DST Global, GIC Pte, Yungfeng Capital và công ty tư nhân có liên kết với Alibaba.
Theo Hans Tung, một trong các nhà đầu tư vào Xiaomi sớm nhất, Lei đã đặt tầm nhìn ngay cả trước khi thành lập công ty năm 2010. Khi gặp nhau vào tháng 1/2010, Lei bày tỏ mong muốn cung cấp cả phần cứng, phần mềm và dịch vụ như Apple đã làm song chủ yếu chỉ bán sản phẩm qua Internet. Ông Tung bị thuyết phục một phần nhờ kinh nghiệm trước đó của Lei trong thương mại điện tử, game online và kinh doanh phần mềm.
Xiaomi vượt qua Samsung trong quý II/2014 để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc tính theo lượng xuất xưởng. Năm nay, dự kiến công ty non trẻ này có thể bán được 60 triệu điện thoại trên toàn cầu, tăng từ 18,7 triệu máy năm 2013.
Để đo lường thành công của Xiaomi, các con số quan trọng không chỉ nằm ở doanh số smartphone mỗi quý mà còn là số lượng người dùng MIUI, phiên bản Android được Xiaomi tùy chỉnh tối đa. MIUI có kho ứng dụng riêng, là nền tảng then chốt của Xiaomi đối với dịch vụ trực tuyến. Công ty cho biết cuối tháng 11/2014 có 85 triệu người dùng MIUI. Tính đến ngày 25/11, tổng số lượt tải về từ kho ứng dụng đã đạt 10 tỷ lượt, cao gấp đôi tháng 7/2014 và gấp 10 lần so với tháng 9/2013. Một nguyên nhân khiến kho của Xiaomi được ưa chuộng như vậy là vì các dịch vụ của Google, trong đó có cả Google Play, đều bị chặn tại Trung Quốc.
Sở hữu nền tảng cung cấp ứng dụng và dịch vụ có thể mang lại lợi nhuận cao hơn so với bán phần cứng. Chẳng hạn, gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent với mảng kinh doanh chính là game online và mạng xã hội có lợi nhuận biên 29% trong quý III/2014. Do Xiaomi vẫn là công ty tư nhân, họ không tiết lộ tỉ suất lợi nhuận của mình, tuy nhiên, theo tài liệu tối mật mà Thời báo Phố Wall tiếp cận được tháng trước, Xiaomi HK, chi nhánh của Xiaomi, có tỉ suất lợi nhuận 13%.
Một yếu tố khác có mặt trong chiến lược của Xiaomi là đa dạng hóa danh mục đầu tư. Công ty đã mua cổ phần trong một số hãng công nghệ khác, từ Youku Tudou, Xunlei chuyên về video trực tuyến đến nhà phát triển game Westhouse, nhà phát triển ứng dụng sức khỏe iHealth. Để mở rộng danh mục sản phẩm ngoài smartphone, đầu tháng này, Xiaomi còn đầu tư vào nhà sản xuất đồ gia dụng Midea.
Tuy vậy, Xiaomi không phải không có thách thức. Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn tại Trung Quốc khi các “ông lớn” như Lenovo, Huawei và ZTE đều “học tập” bán điện thoại qua mạng. “Xiaomi đã khởi xướng hiện tượng tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi học mô hình kinh doanh của họ”, ông Ni Fei, Giám đốc thương hiệu Nubia của ZTE, cho biết. ZTE ra mắt Nubia như thương hiệu con năm 2012, tập trung vào phát hành trực tuyến và tiếp thị mạng xã hội.
Song, ông Tung cho rằng mô hình của Xiaomi không dễ gì bắt chước. Công ty thường nâng cấp dịch vụ, phần mềm thông qua tương tác với khách hàng trên diễn đàn và lắng nghe phàn nàn của họ. Theo ông, mô hình này mô tả thì dễ song rất khó để phân tích và làm theo.