Trước khi khuấy động ngành công nghiệp năng lượng, Olsen quản lý Timex - một trong những công ty thiết kế đồng hồ thành công nhất lịch sử. Ảnh: Fortune
Ở độ tuổi 26, không bằng cấp, không trường lớp, Fred Olsen đã phải một mình gánh vác cả một cơ ngơi người cha để lại sau khi ông qua đời đột ngột vì một cơn trụy tim.
Với kiến thức tích góp ngoài trường đời, Fred Olsen đã lèo lái công ty gia đình, mở rộng đến những địa hạt mà chưa ai từng khai phá.
Thành công nhờ sự phá cách và quyết đoán, ông được mệnh danh là ông trùm về dịch vụ vận chuyển của Na-uy.
MBA trường đời
Cha ông - Thomas Olsen - gây dựng cơ nghiệp từ tấm bằng trường Cambridge danh tiếng. Nhưng Fred Olsen chọn cho mình một lối đi riêng.
Thay vì học đại học, ông dành ra hơn 2 năm đi vòng quanh thế giới trên các con chở hàng. Ông rong ruổi từ Scandinavia tới Địa Trung Hải, bốc dỡ đủ các thứ, từ chuối tới rượu cognac. Ông chọn những vị trí làm việc vất vả nhất, từ lao công đến thợ tra dầu máy.
Từ đó, ông hiểu được cơ chế hoạt động của máy móc và quan sát cách hàng được chất xếp.
"Nó là tấm bằng MBA, bằng kỹ sư có giá trị nhất. Không thứ bằng cấp nào có thể so sánh với nền giáo dục bạn được học ngoài trường đời", ông kể lại.
Cơ hội kinh doanh
Từng là một nhà hoạt động năng nổ chống Đức Quốc xã, cha Fred - Thomas Olsen - đã ra sức kêu gọi Na-uy chuẩn bị lực lượng đối phó với quân xâm lược Đức. Ông gửi toàn bộ tiền của gia đình sang Mỹ vừa kịp lúc quân phát xít chiếm thủ đô Olso.
Năm 1941, Thomas Olsen bỏ 500.00USD mua phần lớn cổ phần của một công ty sản xuất ngòi nổ bom cho chính phủ Anh có tên Waterbury Clock.
Vài năm sau, ông đổi tên công ty thành Timex. Cái tên biểu tượng xuất phát từ sự kết hợp ngẫu hứng lạ lùng.
"Cha tôi luôn mê mẩn với thú chơi chữ. Ông thích đọc tạp chí Time và dùng rất nhiều khăn giấy Kleenex, ông ghép hai cái tên với nhau và có Timex", Fred kể lại.
Chiến tranh kết thúc, gia đình ông quay trở về Na-uy, tái dựng công ty vận chuyển tàu biển thành lập từ năm 1848, cùng lúc giữ cổ phần trong Timex.
Năm 1955, Thomas qua đời trong một cơn đau tim đột ngột. Fred Olsen lên cầm cương đế chế công ty gia đình ở tuổi 26.
Không lâu sau, chàng trai trẻ Fred "đánh hơi" thấy một cơ hội kinh doanh lớn. Đầu thập niên 60, khi Anh tìm thấy khí thiên nhiên tại Biển Bắc, Olsen cho rằng đáy biển giữa Scotland, Đan Mạch và Na-uy chứa trữ lượng lớn dầu.
Năm 1965, ông thành lập một chuỗi công ty tàu biển, bảo hiểm, công nghiệp để xin giấy phép khai thác tại vùng Biển Bắc của Na-uy.
Chuỗi tập đoàn Norwegian Oil Consortium thắng thầu khu vực khai thác trên, sau này cho thấy là mỏ dầu trữ lượng dồi dào bậc nhất thế giới.
Đánh trúng nhu cầu
Số lượng những lãnh đạo thực sự phá cách trong làng kinh doanh thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không nhiều người dám bỏ học vì con đường đã chọn và đấu tranh bền bỉ cho nó, như Steve Jobs, Bill Gates hay Richard Branson. Fred là một người như vậy, ông không tuân theo khuôn mẫu có sẵn.
Thừa kế một đế chế tàu biển, Fred lái công ty gia đình theo một hướng mới. Bắt đầu từ một công ty đặt nền móng cho cuộc cách mạng dầu khí Biển Bắc, sau đó vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng gió.
Cuối thập niên 60, ông lãnh đạo công ty Na-uy đầu tiên đi khoan dầu tại Biển Bắc. Không lâu sau, công ty của ông lần đầu phát hiện trữ lượng tại Ekofisk, một trong những mỏ dầu nước sâu lớn nhất thế giới hiện nay.
Sau khi phát hiện ra mỏ dầu Ekofisk, Olsen cách mạng hóa hoàn toàn Aker - một công ty đóng tàu lớn của gia đình Olsen.
"Tôi nghe về cơn sốt đào vàng tại Yukon. Người tìm được vàng lại chưa chắc giàu bằng chủ các nhà thổ", ông kể, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung ứng đúng dịch vụ đang có nhu cầu bức thiết.
"Tôi muốn cung cấp các dịch vụ và sản phẩm mà những mỏ khai thác ngoài khơi cần nhất".
Từ đóng tàu, Aker chuyển sang đóng giàn khoan đặc chủng cho vùng nước động tại Biển Bắc.
Ban đầu, lãnh đạo các công ty con tranh đấu đến cùng để bảo vệ hoạt động đóng tàu. Nhưng sau rốt, Olsen là người chiến thắng. Siêu giàn khoan Aker H-3 của công ty giờ là xương sống trên công trường khai thác tại Biển Bắc.
"Ít học là lợi thế"
Fred cũng đồng sáng lập công ty dầu mỏ tư nhân đầu tiên của Na-uy - Saga Petroleum. Ông là người hô hào nền công nghiệp nội địa xây dựng chiến lược đặc thù cho những sản phẩm và dịch vụ dầu khí quốc gia. Nỗ lực này góp phần đưa quê hương ông vươn lên lọt top những quốc gia giàu nhất thế giới.
Những năm 1990, ông tách riêng một công ty chuyên năng lượng tái tạo, đầu tư hơn 1 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng gió. Olsen hiện là công ty điện gió độc lập lớn nhất Anh Quốc.
Ngày nay, ông tập trung vào gió ngoài khơi - phân khúc phát triển nhanh nhất thị trường năng lượng tái tạo.
Trước khi khuấy động ngành công nghiệp năng lượng, Olsen quản lý một trong những công ty thiết kế đồng hồ thành công nhất lịch sử.
Thương hiệu đồng hồ Timex của tập đoàn được ưa chuộng thứ hai trên thị trường Mỹ, chỉ sau Fossil.
Có thể nói Fred là cha đẻ của dòng đồng thể thao, sau khi ông tung ra mẫu đồng hồ Ironman Triathlon bán chạy nhất những năm 1980. Vài năm sau, ông đưa dạ quang vào sản xuất đồng hồ với mẫu Indiglo rực xanh trong đêm.
Năm 1994, ông làm đảo lộn thị trường với mẫu "đồng hồ thông minh" có tên Data Link, trong một dự án đồng phát triển cùng Microsoft.
Lý giải của Fred về sự tham vọng trong ông có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. "Tôi ít học, đó là một lợi thế tuyệt vời", ông cho biết. "Tôi không bị hạn chế bởi những ràng buộc hàn lâm. Tôi suy nghĩ rộng hơn".
Đón đầu xu hướng
Kinh nghiệm lâu năm trong ngành dầu khí khiến ông tin tưởng năng lượng tái tạo là cần thiết để chiến đấu với thay đổi khí hậu.
"Tôi từng bay trên Cực Bắc, thấy từng mảng băng dày, trắng muốt, nứt vỡ như bề mặt một bức tranh cổ. Giờ thì xuất hiện rất nhiều những mảng nước đen ngòm, mật độ tăng theo nhiệt độ của biển", ông nói.
Trong khi người khác hô hào tuyên truyền về biến đổi khí hậu, Fred quyết định ra tay hành động với mô hình năng lượng tái tạo. Đây có thể là chương cuối ý nghĩa, khép lại sự nghiệp kinh doanh nhiều màu sắc của tỷ phú 86 tuổi người Na-uy.
Trong nhiều năm, Olsen chứng minh tài năng đặc biệt trong việc đón đầu xu hướng và "cưỡi sóng".
Vào cuối thập niên 60, ông tăng tốc sản xuất tàu phục vụ thị trường vận chuyển dầu nhộn nhịp.
Tháng 1/1973, quan sát giá tàu chở dầu đã tăng gấp 3 chỉ trong 5 năm, ông bán đi 3 chiếc theo trực giác mách bảo, thu về 25,5 triệu USD (tương đương 130 triệu USD theo tỷ giá hiện tại).
Chỉ vào tháng sau, cuộc khủng hoảng OPEC khiến giá dầu sụt 2/3, nhấn chìm thị trường tàu chở dầu.
Aker cũng là một ví dụ. Năm 1985, ông bán Aker cho một công ty sản xuất xi măng, thu về 110 triệu USD. Một năm sau, giá dầu "rơi tự do" từ 30USD/thùng xuống còn 12USD.
"Các sản phẩm và công ty cũng có chu kỳ như cuộc sống. Họ ngoại nhà tôi từng sản xuất móc câu cá và đế móng ngựa, những công việc giờ đã hết thời. Đó là do bạn cần phải nhanh nhạy để đón sóng, luôn luôn cải tiến, luôn luôn thay đổi", Fred chia sẻ triết lý kinh doanh của mình.
Năm 2014, công ty dịch vụ dầu khí Olsen Energy của ông thu về 395 triệu USD doanh thu sau thuế. Tuy nhiên, giá dầu thô giảm sâu nhiều tháng đã ảnh hưởng đến giá cổ phiếu công ty.
Có vẻ Fred chẳng mấy lo ngại trước điều này. "Cái gì đã lên, ắt sẽ phải xuống. Khi giá giảm quá nhanh, chúng sẽ lại leo dốc nhanh không kém", ông nói.
Theo tầm nhìn, ông dự đoán giá dầu sẽ tái xuất mức 65USD, hồi sinh cổ phiếu các công ty ngành khai khoáng dầu khí.
Giá dầu giảm không ảnh hưởng tới Olsen Ocean - công ty chuyên về năng lượng tái tạo. Năm 2014, năng lượng gió mang về cho công ty 132 triệu USD tiền mặt trong số doanh thu 307 triệu USD.
"Không bao giờ ngủ"
Nhân viên của Fred Olsen vừa thần tượng vừa khiếp sợ sếp. Fred gọi điện kiểm tra hoạt động của các công ty tại châu Âu từ 3 đến 8 giờ sáng, sau đó ông đến Timex làm việc đến 6 giờ chiều.
"Cứ như ông ấy không bao giờ ngủ. Khi nổi giận, ông rất đáng sợ, ông ấy có thể làm bạn phải bẽ mặt. Nhưng bạn sẽ hiểu lý do là chính đáng. Nếu bạn nhiệt huyết như Fred, ông ấy sẽ yêu quý bạn. Ngược lại, bạn sẽ bị sa thải sớm", một cựu nhân viên cho biết.
Vào thời điểm công ty rảnh việc, ông thỉnh thoảng mời nhân viên đi ăn uống và tán chuyện về thành phố cổ tại Atlantis hay các khám phá của nhà nhân chủng học Heyerdahl. Họ gọi những bữa ăn đó như "chuyến khám phá mặt trăng".
Không nhiều người biết đến câu chuyện về sự nghiệp của Fred Olsen. Mặc dù sở hữu công ty xuất bản báo chí lớn nhất Na-uy, Fred hầu như né tránh ống kính truyền thông cả sự nghiệp dài.
Fred đã ủy thác toàn bộ cổ phần các công ty cho 4 người con, 3 gái và 1 trai vào thập niên 60. Sở hữu kho tài sản khổng lồ, ông lại là tấm gương sáng về đức tính tiết kiệm. Ông vẫn mặc chiếc quần len hiệu Abercrombie & Fitch từ năm 1942 vì "nó còn vừa và rất bền", ông kể.
"Tôi chỉ sống bằng lương và lương hưu, không bao giờ bán tài sản đi để tiêu pha. Không giống ở Mỹ, Na-uy chẳng thích những người lắm tiền", Fred tiết lộ.