Năm 2007, Hutson bị kết án 51 tháng tù vì buôn bán cần sa. Nhưng trong tù, anh vẫn sử dụng sự nhạy bén của mình để nghĩ ra việc kinh doanh mới. Hutson tin rằng mình đã nhận thấy một cơ hội tỷ USD khi Mỹ hiện có 2,3 triệu người đang chịu án, và hàng triệu người khác có người thân trong tù.
Hutson rất hiểu cảm giác cô đơn của các phạm nhân. Anh cũng nhận thấy sau khi được thả, rất nhiều người lại bị bắt lại. Theo nghiên cứu của Bộ Tư pháp Mỹ, ba phần tư số tù nhân tái phạm trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, những người thường xuyên giữ liên lạc với gia đình có tỷ lệ tái phạm thấp hơn.
Nhưng vì tù nhân không được sử dụng Internet, việc liên lạc với người nhà chỉ qua thư tay hoặc điện thoại cố định. Các cuộc gọi đường dài thường rất tốn kém. Còn người thân của họ bên ngoài thì đã quen với cuộc sống số hóa, ít viết tay và cũng chẳng thể gửi ảnh thường xuyên.
"Thời gian đầu với tôi thật tệ. Tôi rất gần gũi với gia đình. Tôi biết họ quan tâm đến mình, nhưng nhiều lúc cũng khó mà gửi được cho tôi vài tấm ảnh", Hutson nhớ lại. Thế là anh nảy ra ý tưởng lập một website in tất cả email, lời nhắn hay ảnh mọi người gửi đến, rồi cho vào phong bì và gửi tới người thân của họ đang chịu án trong tù.
Frederick Hutson hiện là CEO Pigeon.ly. Ảnh: New York Times |
Vì vậy, Hutson lập ra Pigeon.ly với dịch vụ đầu tiên có tên FotoPigeon. Người dùng chỉ phải đăng nhập, tải ảnh lên và chọn người nhận bằng công cụ tìm kiếm các nhà tù liên bang (do nơi giam giữ của phạm nhân bị thay đổi thường xuyên). Với giá 0,5 USD một tấm, Pigeon.ly sẽ giúp khách hàng in ra và đặt vào trong phong bì để gửi cho phạm nhân.
Nhưng dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, Hutson vẫn gặp phải nhiều khó khăn ban đầu. Khi mãn hạn tù năm 2012, căn hộ anh tới sống vẫn chưa có Internet. Đối tác kinh doanh kiêm bạn cũ của Hutson - Alfonzo Brooks đã phải "tuyển" Hutson để anh rời nhà tới công ty làm việc mỗi ngày. Thêm vào đó, các nhà đầu tư còn chẳng hiểu tại sao thị trường tù nhân và gia đình lại có tiềm năng.
Phần lớn khách hàng của Hutson chỉ vào mạng bằng điện thoại. Một số thậm chí còn chẳng có địa chỉ email. Vì thế, Pigeon.ly đã thử nghiệm với rất nhiều khách hàng lớn tuổi để đảm bảo ai cũng có thể sử dụng dịch vụ. Anh cho biết: "Bạn không thể áp dụng các chuẩn mực của một công ty công nghệ bình thường lên chúng tôi được".
Hutson tìm kiếm khách hàng qua thư và chèn quảng cáo FotoPigeon trên các bản tin có chứa tin tức về phạm nhân hoặc luật pháp. Bằng cách này, anh đã thu hút được 2.000 khách hàng năm 2013 và được hãng công nghệ NewME (San Francisco, Mỹ) hỗ trợ. Hutson sau đó huy động được 1 triệu USD từ các nhà đầu tư mạo hiểm. Năm ngoái, anh có thêm 1 triệu USD nữa và hiện sắp nhận được khoản lớn nhất từ trước đến nay.
Tháng 12/2013, anh ra mắt TelePigeon, hợp tác với các hãng dịch vụ điện thoại nhằm cung cấp dịch vụ gọi điện VoIP cho các gia đình. Với giá 5 USD, họ sẽ có 100 phút gọi mỗi tháng và không phải trả phí đường dài đắt đỏ. Theo Hutson, cách này đã giúp các gia đình tiết kiệm hơn 646.000 USD từ đầu năm.
Hiện tại, FotoPigeon giúp vận chuyển tới 3.000 tấm ảnh mỗi ngày. Dịch vụ này giúp doanh thu của hãng tăng trưởng 20% mỗi tháng. Họ cũng đang lên kế hoạch đạt mục tiêu 1 triệu USD doanh thu năm nay.
Theo CNN, thành công của Pigeon.ly đến từ việc họ đã nhìn ra cơ hội tuyệt vời tại thị trường bị bỏ ngỏ. "Chúng tôi khác biệt, vì chúng tôi không phải hãng công nghệ bình thường. Chúng tôi hiểu rất rõ về vấn đề mà người khác chưa từng trải qua. Đó chính là điểm tạo nên sức mạnh", Hutson nói.