Anh Phạm Văn Thơ, chủ cơ sở sản xuất xoài chua ngọt tại huyện Chợ Mới, An Giang kể, gia cảnh nghèo, nên sau khi cưới, vợ chồng anh không mang theo gì. Không có chốn nương thân, vợ chồng anh may mắn được người hàng xóm thương tình cho ở nhờ trên mảnh đất phía sau hè. Hai người tự trang trải cuộc sống bằng đủ nghề, từ cắt cỏ thuê đến giữ trâu, bò. Cuộc sống của hai vợ chồng anh Thơ rất túng quẫn.
Anh kể lại, những lúc không còn ngày mùa để làm mướn, anh chị chuyển sang đi lượm xoài rụng ở các chủ vườn đem ra chợ bán để kiếm tiền mua gạo ăn qua ngày. Càng ngày, xoài lượm được càng nhiều, số lượng không tiêu thụ hết. Đến năm 1990, anh chị bắt đầu nghĩ ra cách làm dưa xoài ngâm với muối đem bán ở các trường học. Có lần, hai vợ chồng anh Thơ thấy người hàng xóm đem xoài non ngâm với muối đường và có niêm gia vị như tổi, ớt, bột ngọt, đường, muối… ăn rất ngon và giòn. Từ đó, anh bàn với vợ ướp muối đường xoài non lượm được thành dưa chua để bảo quản được lâu.
|
Anh Phạm Văn Thơ bên gói xoài thành phẩm chuẩn bị xuất đi vào các siêu thị. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Cho bạn bè ăn thử số xoài này, ai cũng khen ngon, anh mới tiếp tục học hỏi về kỹ thuật chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau một thời gian mày mò thử nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần, cuối cùng sản phẩm cho vị giòn ngọt, chua, thanh. Đến năm 2004, tình cờ anh được người cháu từ TP.HCM về chơi gợi ý đem sản phẩm dưa xoài lên Sài Gòn bán. Anh gửi 7 kg sản phẩm để cháu mang lên chào các trường học, quán ăn, nhà hàng. Kết quả là ít ngày sau, anh nhận được tin vui có 2 đơn vị đặt mua dưa xoài của anh với số lượng 50 kg mỗi tháng. Anh Thơ cho biết, đó là bước ngoặt lớn với hai vợ chồng.
Những ngày đầu, anh chỉ đáp ứng được nhu cầu về dưa xoài chua cho khách hàng ở TP.HCM. Nguyên nhân là nguồn cung xoài non không đủ do loại quả này chỉ rụng theo mùa. Để xoay vòng sản xuất, anh Thơ đánh liều bán tài sản tích cóp bấy lâu là 3 chỉ vàng, thêm tiền vay bên ngoài được gần 5 triệu đồng. Số tiền nói trên được dùng để mua nguyên liệu xoài non, đáp ứng theo đơn đặt hàng. Sau lần đó, mỗi tháng, anh Thơ cung cấp cho khách hàng ở TP.HCM 300 kg dưa xoài, có thu nhập hơn 6 triệu đồng. Các lô hàng kế tiếp, số lượng tăng lên 400 kg/tháng, đem về khoản thu cả chục triệu đồng. Dần dần, anh trả được số nợ và mua được đất, cất nhà và thành lập cơ sở chế biến dưa xoài non.
Trở thành ông chủ cơ sở dưa xoài tiền tỷ
Thành lập được doanh nghiệp, anh Thơ cho hay ban đầu cơ sở gặp khá nhiều khó khăn, cả về vốn liếng lẫn cơ sở vật chất, nhất là khâu nguyên liệu. Bản thân anh phải trực tiếp đến từng nhà vườn mua xoài non bằng cách tuyển lựa từ trên cây. Theo giải thích của anh Thơ, xoài rụng bị hỏng nhiều, miếng xoài làm ra không đẹp, chất lượng không hoàn hảo. Để tuyển chọn được xoài non ngon, anh phải lặn lội khắp các vườn xoài ở miền Tây.
|
Công đoạn đóng gói dưa xoài. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Sau này, khi các nhà vườn áp dụng công nghệ trồng xoài cho trái nghịch mùa để bán có giá, anh Thơ cũng có được nguồn nguyên liệu quanh năm. Vì thế, sản lượng cung ra thị trường bao nhiêu cũng không đủ. Anh Thơ còn đầu tư khoảng 500 triệu để mua thêm máy đóng gói và hoàn thiện các công đọan sản xuất. Theo ước tính, mỗi tháng cơ sở của anh cung ra thị trường từ 50 đến 70 tấn dưa xoà/tháng, đem lại nguồn thu gần trăm triệu đồng.
Thuận lợi lớn nhất đối với anh Thơ là thị trường ngày càng mở rộng. Hiện nay, hầu hết các siêu thị ở TP.HCM, An Giang và Hà Nội đều hợp đồng lấy hàng của anh, tạo điều kiện cho cơ sở sản xuất mỗi năm cung cấp sản lượng đưa ra ngoài thị trường. Để có được ngày hôm nay, anh Thơ cho biết đã trải qua nhiều gian nan vất vả, vừa học vừa làm. Lúc đầu, anh đã mày mò chọn nhiều loại xoài khác nhau, nhưng cuối cùng mới khẳng định chỉ có xoài cát Chu mới đạt chất lượng vừa giòn, vừa mềm và hương vị chua ngọt đặc trưng. Các loại xoài khác như thanh ca, voi, cát Hòa Lộc, xoài Thái… tuy dễ thu gom nhưng không giòn ngon bằng xoài cát Chu.
Ngoài xoài, cơ sở anh hiện nay còn sản xuất thêm món dưa cóc non, cũng chua, ngọt và giòn như xoài. Nhờ vậy mà quanh năm đều có đủ hàng. Khi nào hết mùa xoài ( tháng 4 và 5) thì lại chuyển sang cóc vì cóc Thái có quanh năm và dễ thu mua. Với cung cách làm ăn năng động, hiện nay anh đã xây dựng đươc một mạng lưới thu mua nguyên liệu khá mạnh và một lực lượng lao động trên 40 người. Mỗi năm cung ra thị trường vừa dưa xoài và cóc trên 1.000 tấn đem lại lợi nhuận trên 4 tỷ đồng.