Treo bằng đại học để làm giàu bằng nghề thủ công

Gác lại cơ hội tốt nghiệp kỹ sư, chàng trai Huỳnh Phước Đức đang nuôi "ước mơ" tái sinh nghề thủ công tre và lá dừa với những sản phẩm độc đáo như vỏ điện thoại, đồng hồ, USB hay đàn guitar.

Ý tưởng phát triển nghề thủ công từ tre và lá dừa đến với Đức khi mới 14 tuổi. Lúc ấy, bà con xã Cẩm Thanh (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) thường thấy một cậu bé nhỏ thó theo sau cha đến xưởng tranh tre dừa lá. Những mẩu tre vụn được Đức nhặt nhạnh và phân loại. Từ nguồn phế liệu, qua bàn tay khéo léo của Đức, mô hình gian nhà cổ khá tinh vi ra đời. Sản phẩm đầu tay được khách hàng mua ngay với giá 250.000 đồng.

Khởi đầu suôn sẻ thôi thúc Đức tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ. Trong những năm phổ thông hay thời gian theo học ngành Cơ khí chế tạo máy (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng), chàng trai 9x liên tục cho ra đời những sản phẩm có một không hai. Phòng trọ Đức ở lúc nào cũng chộn rộn tiếng máy móc cắt xẻ, nguyên phụ liệu ngổn ngang. Có lần, bạn cùng phòng tá hỏa khi thấy Đức đang "phẫu thuật" chiếc điện thoại mới mua. Nhờ lần mạo hiểm ấy, chàng trai đã chế tạo thành công vỏ máy điện thoại bằng tre. Mỗi tháng làm ra 3 đến 4 sản phẩm, Đức có trong tay thu nhập một triệu đồng.

Khi các cơ sở thủ công mỹ nghệ mọc lên nhan nhản, sản phẩm cung cấp cho thị trường ứ đọng khiến Đức trăn trở rất nhiều. Thay vì chạy theo mô hình trưng bày sáo mòn, Đức tập trung cho ra những sản phẩm có tính ứng dụng cao và trở thành "ông chủ" của ngân hàng ý tưởng mỹ nghệ dồi dào và tiềm năng như đàn guitar, vỏ điện thoại, đồng hồ, bàn cờ, chuột máy tính, bút tre.. Tuy nhiên, vì đang trong giai đoạn manh nha nên khách hàng của Đức đang dừng lại ở một số bạn bè và người quen. "Doanh số" chỉ tăng ở một số dịp lễ lớn.

Nguồn thu từ việc bán sản phẩm, ngoài mua máy cắt, máy cưa lọng để "tái đầu tư", Đức còn sắm điện thoại mới cho bố mẹ cùng ba đứa em. Năm thứ 3 đại học, chàng trai "rinh" được xe máy, tủ lạnh về nhà. "Lúc trước từ trường về Hội An, mình phải đạp xe suốt hai tiếng rưỡi. Từ khi có xe máy, mình có nhiều thời gian để sửa nồi cơm điện, máy quạt giúp hàng xóm. Việc kinh doanh cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều", Đức tâm sự. Hiện các sản phẩm của Đức có nhiều mức giá khác nhau, từ chiếc đồng hồ vỏ tre giá 300.000 đồng một chiếc, đến cây đàn Guitar có giá lên đến 7 triệu đồng.

IMG-2505-9846-1415722479.jpg

Đức tỉ mỉ thiết kế một chiếc vỏ đồng hồ bằng vỏ tre. Ảnh: Nguyễn Đông

Cùng với bản đồ án "máy cưa gỗ chép hình tự động" được hiện thực hóa ngay lập tức, Đức tiến hành cải tiến máy cắt tay trở thành máy cắt bàn với độ chính xác cao. Hơn 20 tuổi, Đức đã là thầy của 11 "học trò" tuổi từ 17 đến 26. Khóa học vừa bế giảng cuối năm 2013. Em Huỳnh Viết Hùng (17 tuổi), một học viên của Đức chia sẻ: "Em đang đi phục vụ bàn, khi nào anh Đức mở xưởng, nhất định em sẽ quay lại làm".

Thấy được tiềm năng của Đức, người bác ruột cho anh vay 50 triệu đồng bổ sung kho máy móc và chàng trai trẻ đang ấp ủ mở một xưởng làm đồ mỹ nghệ vào đầu năm 2015. "Hè vừa rồi mình đã quyết định bảo lưu lại kết quả, tạm nghỉ một năm để theo đuổi ước mơ làm và quảng bá hàng mỹ nghệ ở xứ dừa này", Đức cho hay. Trước khi vào đại học mình đã thỏa thuận với ba mẹ rằng chỉ đi học để lấy kiến thức làm mỹ nghệ, chứ không phải lấy bằng. Quyết định của Đức được mọi người trong gia đình tôn trọng và ủng hộ.

Ngoài việc thành lập xưởng, Đức dự định mở thêm gian hàng trưng bày kết hợp với phục vụ ăn uống tại chỗ; khách hàng đến với Đức có thể trực tiếp hoàn thành các khâu cuối cùng của sản phẩm nếu muốn. Qua mạng xã hội và bạn bè đang học tập ngoài tỉnh, Đức đang mở đường để đưa sản phẩm của mình vươn ra xa. Hiện nay, do số lượng chưa nhiều nên cả 3 nhóm sản phẩm mẫu: Văn phòng phẩm, trang trí nội thất và tiêu dùng cá nhân do một mình Đức đảm đương.

Anh-1-3776-1415722479.jpg

Mô tả 13 phường xã của thành phố Hội An bằng chiếc đồng hồ tre "Hội An Discover", Huỳnh Phước Đức vinh dự đoạt giải Ba trong cuộc thi sáng tác đồ mỹ nghệ do thành phố Hội An tổ chức, năm 2013. Ảnh: Hải Dương

Theo Phước Đức, từ lâu xã Cẩm Thanh (TP.Hội An) nổi tiếng xa gần bởi rừng tre bạt ngàn và những vạt dừa nước xanh tốt được nuôi dưỡng bởi hạ nguồn con sông Thu Bồn, tạo nên nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển các ngành nghề thủ công. Tuy nhiên thời gian gần đây các ngành nghề đang dần mai một vì không có thế hệ nghệ nhân kế cận cũng như những tác động bên ngoài. Đó cũng chính là lý do cậu muốn gắn tương lai của mình với mảnh đất này.

Ấn tượng với tài năng của chàng trai từng ghi danh ở cuộc thi sáng tạo cấp thành phố với sản phẩm "Đèn học đa năng bằng ống nhựa tái chế PVC", ông Lê Thanh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh nói: "Những người như Đức rất đáng quý, địa phương đã và đang tạo điều kiện cho thuê đất để Đức và nhiều bà con phát triển nghề nếu cần".