Tony Fernandes - người hồi sinh AirAsia

Doanh nhân Malaysia chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không khi mua lại hãng bay nợ nần chồng chất năm 2001 với giá chỉ 25 cent.

Ông chủ 50 tuổi của hãng bay giá rẻ AirAsia - Anthony Fernandes (Tony Fernandes) không phải người xa lạ với giới truyền thông. Ngoài thành tích biến AirAsia thành hãng hàng không giá rẻ lớn nhất khu vực, Fernandes còn tạo dựng được hình ảnh đáng ngưỡng mộ, được ví như phiên bản châu Á của Richard Branson - tỷ phú người Anh đang điều hành Virgin Airlines.

Tony Fernandes sinh năm 1964 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ông tốt nghiệp Trường Kinh tế London chuyên ngành kế toán, ban đầu làm việc cho hãng thu âm Virgin Records của Richard Branson. Sau đó, ông trở thành Phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á tại Warner Music. Fernandes còn được nhận giải thưởng Setia Mahkota Selangor cho những đóng góp trong ngành âm nhạc Malaysia. Tuy nhiên, khi Time Warner thông báo sáp nhập với America Online, ông đã nghỉ việc để hiện thực hóa mơ ước từ nhỏ, là lập một hãng hàng không.

"Khi nhận thấy ngành âm nhạc không thể ứng phó trước sự xâm nhập của Internet. Tôi cho rằng cuộc chơi đã kết thúc và quyết định ra đi", Fernandes cho biết trên BBC năm 2010.

tony-6019-1419830325.jpg

Tony Fernandes - CEO hãng bay giá rẻ AirAsia. Ảnh: AFP

Ban đầu, ông nghĩ đến việc tự lập một hãng bay. Nhưng Thủ tướng Malaysia khi đó - ông Tun Dr Mahathir Mohammad lại khuyên Fernandes mua một hãng bay đang tồn tại và tái cấu trúc nó. Vì thế, ông đã mua AirAsia - hãng bay đang nợ nần chồng chất thuộc công ty quốc doanh - DRB-Hicom vào tháng 9/2001 với giá tượng trưng chỉ một ringgit (25 cent khi đó). Nhưng để đủ tiền mua lại và điều hành AirAsia, ông đã phải thế chấp cả nhà và dùng thêm tiền tiết kiệm cá nhân.

Lúc ấy, AirAsia chỉ có 2 chiếc Boeing 737-300 và 11 triệu USD nợ. Nhưng chỉ sau một năm tiếp quản, hãng đã hòa vốn và giải quyết hết hết nợ nần. Đợt IPO của họ cuối năm 2004 cũng thu hút sự chú ý rất lớn từ nhà đầu tư.

Fernandes cho rằng thời điểm ông mua lại rất thuận lợi, ngay sau vụ khủng bố ngày 11/9. Khi ấy, giá thuê máy bay giảm tới 40%. Bên cạnh đó, các vụ sa thải trong ngành hàng không cũng khiến số nhân lực giàu kinh nghiệm tăng vọt. Ông tin rằng người Malaysia sẽ thích một dịch vụ bay giá rẻ, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Và thực sự ông đã gây dựng được AirAsia thành đối thủ đáng gờm của hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines.

Thành công lớn nhất của Fernandes là biến AirAsia thành một hãng bay quốc tế, chuyên chở hàng triệu lượt khách mỗi năm, phục vụ hơn 80 điểm đến. Theo The Daily Beast, 2 năm sau khi mua lại AirAsia, ông đã thuyết phục được Thủ tướng Mahathir Mohamad thúc đẩy hợp tác mở cửa không phận với các nước láng giềng, như Thái Lan, Indonesia và Singapore.

Hiện tại, các công ty con của hãng gồm Thai AirAsia, Indonesia AirAsia, Philippines AirAsia, AirAsia Zest và AirAsia India đặt tại các quốc gia châu Á lân cận. Ngoài ra, hãng mới mở thêm AirAsia X tập trung vào các chuyến bay dài. AirAsia hiện sở hữu 170 chiếc máy bay, đang đặt hàng thêm 322 chiếc. Năm 2007, New York Times còn gọi AirAsia là người tiên phong của hàng không giá rẻ châu Á.

Dĩ nhiên, thành công của hãng bay cũng giúp tài sản Fernandes tăng đáng kể. Theo Forbes, ông hiện có 650 triệu USD. Nối gót Branson, Fernandes cũng đang đa dạng hóa danh mục đầu tư, như đồng sở hữu câu lạc bộ bóng đá Anh - Queens Park Ranger và một đội đua xe Công thức một.

Thành công của Fernandes cũng một phần nhờ sự tích cực tương tác của ông với cộng đồng. ông cập nhật Twitter hàng ngày cho gần một triệu người theo dõi. Năm ngoái, ông còn đảm nhiệm vai trò giám khảo trong phiên bản châu Á của chương trình truyền hình The Apprentice (Người tập sự). "Tôi rất ngạc nhiên về thành công của chương trình này. Nó khiến tôi thêm hy vọng về tương lai của châu Á", ông cho biết trên Time.

Hôm qua, sau khi nhận được thông tin về chuyến bay của AirAsia Indonesia mã hiệu QZ8501 mất tích trên đường đến Singapore, ông cũng ngay lập tức thông báo mình đang tới Surabaya (Indonesia) để gặp gia đình các hành khách. "Đây là cơn ác mộng tồi tệ nhất của tôi. Nhưng mọi chuyện còn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi muốn gửi lời nhắn tới tất cả nhân viên AirAsia là hãy mạnh mẽ lên. Hãy chứng tỏ mình là hãng tốt nhất. Hãy cầu nguyện và tiếp tục làm hết sức mình vì hành khách của chúng ta", ông cho biết trên Twitter.