Thu nhập khủng nhờ nuôi bò

Hiện nay ở nhiều vùng nông thôn, một số hộ gia đình chuyển đổi vật nuôi từ nuôi lợn sang nuôi bò vì nuôi bò đỡ lo dịch bệnh và chi phí đầu tư hàng ngày ít hơn nuôi lợn.

Đàn bò của anh Bình.

Bỏ công nhân về nuôi bò

Anh Nguyễn Văn Bình trú tại xã Đông Kinh huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đang là chủ nhân của trang trại bò được xây dựng khá hiện đại tại chính gia đình anh.

Anh Bình kể từng đi xuất khẩu lao động rồi lại về làm công nhân ở thành phố Thái Bình nhưng thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào đơn hàng. Nhiều năm làm công nhân nhưng vợ chồng anh nhận thấy không thể phát triển kinh tế bứt phá được nên anh đã mạnh dạn bỏ xưởng về quê chăn bò.

Khi quyết định về quê chăn bò, anh Bình gặp phải nhiều cản trở của người thân. Vợ anh cho rằng chăn bò vất vả lại không sang. Giờ đường nông thôn bê tông hóa sạch đẹp ai còn chăn bò với trâu. Hơn nữa, ở quê chăn bò, chăn trâu không may phân bò phân trâu thải ra đường thì cũng "nhức tai" với hàng xóm.

Để thực hiện ước mơ làm giàu của mình, anh đã phải vượt qua nhiều rào cản. Anh Bình kể để đầu tư cho công việc mới của mình anh đã phải vay vốn từ ngân hàng và người thân xung quanh. Để làm kinh tế mang tính lâu dài, anh mạnh dạn xây dựng chuồng trại, làm bioga để thải phân bò lấy gas đun trong gia đình.

10 con bò với vốn đầu tư gần 300 triệu đồng cộng với chi phí xây dựng chuồng trại là số đầu tư ban đầu của anh. Để nhanh chóng thu hồi vốn, anh Bình mua chủ yếu những con bò chửa sắp đến ngày sinh. Chính vì thế từ khi bắt đầu chăn bò đến nay, anh đã có thêm được 4 chú bê. Từ nay đến cuối năm, anh sẽ đón thêm 4 con bê nữa. Theo tính toán của anh Bình, mỗi con bê bán có giá từ 15 đến 20 triệu đồng.

Thu nhập từ nuôi bò từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.

Nếu nuôi thành bò trưởng thành giết để bán thịt thì còn được nhiều tiền hơn. Nuôi bò hạn chế bệnh tật lại không phải lo thức ăn hàng ngày như nuôi lợn.

Hàng ngày, anh Bình đi cắt cỏ về cho bò và tích rơm ngoài cánh đồng. Đàn bò thả từ cánh đồng đến tối tự đi về nhà. Ở xã anh không có đê nên phần lớn bò nuôi chăn thả phải có sự kiểm soát của người vì có thể bò sẽ ăn lúa của người dân. Tuy nhiên, anh Bình cho biết chăn bò nhàn và không phải chụi áp lực của công việc như trước. Trước mắt thu nhập từ chăn bò chưa có nhưng trong tương lai anh hi vọng 1 năm sẽ có 10 chú bê con ra đời với mức giá hiện tại anh sẽ thu được từ 150 đến 200 triệu đồng.


Hi vọng ngày càng phát triển

Dù chưa phải vay mượn các nguồn vốn của ngân hàng, nhưng gia đình anh Cương ở xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã có trong tay đàn bò nái sinh sản chăn nuôi theo quy mô tập trung. Anh Cương cho biết; “ Từ nguồn vốn tích cóp được trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, vợ chồng tôi đã quyết tâm đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản ”.

Sau hơn 4 năm xây dựng mô hình chăn nuôi bò nái sinh sản. Đến nay, gia đình anh đã phát triển được đàn bò 8 con, trong đó, chủ yếu anh nuôi thả bò nái nền kết hợp với lai sind. Nhờ học hỏi được kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi nên đàn bò nái sinh sản bình quân mỗi năm đã cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Đây là niềm mơ ước của nhiều hộ nông dân ở các vùng nông thôn.

Ông Trần Xuân Tùng – cán bộ địa chính xã Đông Kinh cho biết mô hình chăn nuôi bò hiện nay ở địa phương chủ yếu là tự phát nhưng qua thực tế cho thấy nó mang lại giá trị hiệu quả kinh tế khá tốt. Thu nhập của bà con nuôi bò có thể đạt từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng cho đàn bò 10 con.

Hiện nay về chăn nuôi chưa được xây dựng theo mô hình cụ thể nhưng trong tương lại với lợi thế và nhu cầu của thị trường, việc nuôi bò của bà con nông dân chắc chắn sẽ khởi sắc. Nhiều bà con còn mua hẳn máy cắt cỏ về nuôi bò.

Ngoài ra, với các hộ gia đình nuôi bò nếu có nhu cầu xây dựng hầm biogas sẽ được nhà nước hỗ trợ 1 phần chi phí khoảng 4 triệu đồng/bình để khuyến khích bà con chăn nuôi phát triển kinh tế.