Thu gần nửa tỷ mỗi năm nhờ trồng quýt hồng trong chậu

Chăm sóc quýt hồng trong chậu rất vất vả kỳ công, nhưng nhờ quyết tâm, ông Tư Ràng ở Đồng Tháp thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ mô hình này.

Những năm gần đây, ngoài các loại kiểng lá, kiểng hoa chưng vào ngày Tết, thì các loại cây có trái được thị trường đón nhận nồng nhiệt. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cộng với niềm đam mê nghệ thuật bonsai, kiểng cổ, ông Lưu Văn Ràng (Tư Ràng), ngụ ấp Khánh An, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, đã bỏ công tìm tòi, nghiên cứu và là người đầu tiên ở Đồng Tháp đưa quýt hồng vào chậu chưng dịp Tết.

"Năm 2000, nhận thấy nhu cầu của thị trường đang khan hiếm nên tôi đã gác lại việc kinh doanh ở thành phố Sa Đéc để về Lai Vung lập vườn thực hiện ước mơ và niềm đam mê của mình", ông Ràng bộc bạch.

quyt.jpg

Ông Ràng cần mẫn chăm sóc vườn quýt hồng. Ảnh: Nam Lê.

Ông cho biết, thời ấy rất hiếm quýt hồng được cho vào trong chậu để làm cảnh mà chủ yếu trồng trên đất vườn với số lượng nhỏ. Cây lại phát triển không đều nên cũng khó bán ra thị trường, giá chỉ vài chục nghìn đồng một kg. Nhưng vì niềm đam mê cải tạo giống và mong mỏi cây mang lại giá trị cao, sau nhiều năm nghiên cứu và chăm sóc, năm 2004 ông Tư quyết định thí điểm đưa cây quýt hồng vào chậu. Tuy nhiên, thời gian đầu, cây phát triển chưa theo mong muốn khiến ông tốn khá nhiều chi phí. Mặc dù vậy, ông vẫn quyết chí nghiên cứu và liên tục thay đổi kỹ thuật canh tác. Cuối cùng, đến Tết Nguyên đán 2006 ông đã tạo ra khoảng 200 chậu quýt có dáng đẹp và trái đều. Nhờ vậy, năm ấy ông kiếm được vài trăm triệu đồng.

Đến nay, sau gần 10 năm gắn bó với nghề này, vườn quýt hồng của ông Tư Ràng trở thành địa chỉ được nhiều người săn đón mỗi dịp Tết. Ông cho biết, năm nay nhu cầu của thị trường tăng cao, nên ông sẽ cung cấp khoảng 350 chậu quýt hồng. Bình quân mỗi chậu quýt lớn, có kiểu dáng đẹp giá 1,5 - 4 triệu đồng; chậu nhỏ giá dao động 700.000 - 1,5 triệu đồng một chậu.

"Dù còn gần hai tháng nữa mới đến Tết nhưng nhờ nhu cầu của khách tăng cao nên tôi đã bán được khoảng hai phần ba số chậu trong vườn trị giá gần 300 triệu đồng. Số lượng quýt còn lại cũng có giá gần 200 triệu", lão nông này nói.

Cũng theo ông Ràng, do thời tiết năm nay không thuận lợi, nhất là vào giai đoạn xử lý ra hoa nên mỗi chậu quýt cảnh tăng từ 500.000 đến 700.000 đồng một chậu so với Tết năm trước.

Chia sẻ về khó khăn trong nghề, ông Ràng cho hay, để trồng được một chậu quýt phục vụ ngày Tết, phải mất nhiều công chăm sóc và liên tục trong thời gian dài. Ban đầu phải biết cách chọn giống. Thông thường, ông giâm cây con dưới đất từ hơn một năm trước và phải dưỡng qua 30 tháng mới có được một chậu quýt cảnh hoàn chỉnh. Điều khó khăn nhất là khi cho cây vào chậu, quýt dễ bị chết, vì vậy phải có sự đầu tư chu đáo về cây giống và kỹ thuật chăm sóc mới mang lại hiệu quả.

"Chậu quýt hồng đạt chuẩn là hình dáng phải cân đối có màu xanh mượt, trung bình một chậu có khoảng 20-30 trái và phân bố đều cây. Trái phải to bóng, đặc biệt phải có màu vàng ánh đặc trưng của quýt hồng Lai Vung…", ông Ràng chỉ cách phân biệt.

Để tiếp tục phát triển thương hiệu, 2016 sắp tới, ông Ràng dự kiến sẽ tung ra thị trường khoảng 400 chậu quýt hồng, bởi theo ông thị trường quýt chậu trong thời gian tới vẫn còn rộng mở.

Hiện nay, ngoài ông Ràng, một số nhà vườn của huyện Lai Vung cũng sản xuất thí điểm quýt cảnh cung cấp vào dịp Tết. Tuy nhiên, theo nhiều nhà vườn chia sẻ, so với nhiều loại cây cảnh và hoa kiểng khác thì sản xuất quýt cảnh khó hơn rất nhiều. Bởi quýt hồng trồng ở đất thịt đã rất khó, khi đưa vào chậu, việc xử lý trái và tạo dáng để chậu quýt được cân đối, bắt mắt đòi hỏi nhà vườn phải có kỹ thuật cao và đầu tư rất công phu. Đây là lý do khiến quýt cảnh Lai Vung liên tục hút hàng trong những năm qua.