TGĐ VietWash: Rửa xe từ bài học của Starbucks

32 tuổi, từng làm việc cho Quỹ đầu tư Openasia và nhân viên Starbucks, Phan Bảo Lâm nhận ra kinh doanh, nhất là ngành dịch vụ tại Việt Nam sẽ có nhiều đất sống nếu làm tốt.

Biết kỹ sư Dương Xuân Thiện vừa nghiên cứu thành công máy rửa xe tự động, Lâm nảy sinh ý định đưa ra mô hình rửa xe thông minh VietWash với giá 20.000 đồng/lượt, phong cách phục vụ được chuẩn hóa như các chuỗi thức ăn nhanh quốc tế. Sau một tháng ra đời, dịch vụ đã có trung bình một ngày 500 xe, doanh thu đạt khoảng 10 triệu đồng.

Ý tưởng có, vốn đầu tư ban đầu ước tính khoảng 5 tỷ đồng cũng xoay xở được nhưng sau khi khảo sát, thấy triển khai dịch vụ này cần nhất là mặt bằng lớn nhưng tìm thuê lại rất khó, hoặc nếu có thì giá thuê quá cao, nên tưởng chừng phải dừng dự án.

May mắn tìm được một mặt bằng của Petrolimex, Lâm thở phào. Anh kể: "Trước đó, tại điểm này họ cũng từng kinh doanh rửa xe theo kiểu truyền thống nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn, thấy ý tưởng của tôi khả thi nên họ ủng hộ cùng làm".

Do chưa từng kinh qua công việc này nên chuẩn bị hoạt động, Lâm phải cử anh em tủa ra các điểm rửa xe, thậm chí xin vào làm việc để học hỏi, tìm hiểu khâu nào chưa hoàn hảo để xây dựng dịch vụ tốt nhất cho mình.

"Mục tiêu của tôi là xây dựng một chuỗi các điểm rửa xe rộng lớn theo quy trình rửa xe hiện đại nên khâu chuẩn bị nguồn lực, chuyên môn rất quan trọng. Đó là bài học làm dịch vụ mà tôi đã học được trong thời gian làm việc ở Starbucks. Họ quan niệm, khi kinh doanh thì phải đánh vào cốt lõi sản phẩm, ví dụ, cà phê chỉ một phần nhưng chất lượng dịch vụ của Starbucks là rất quan trọng. Tôi đã học và áp dụng chuẩn mực này vào dịch vụ rửa xe", Lâm cho biết.

Khi dịch vụ ra đời, có người cho rằng rửa xe bằng tay sạch hơn máy, kể cả có máy thì vẫn có khách hàng yêu cầu rửa bằng tay.

Lúc đó, nhiều nhân viên lo ngại mô hình không thành công, nhưng Lâm khẳng định: "Thành công hay không là do mình, phải mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt thì họ sẽ thay đổi quan niệm và tin dùng dịch vụ. Chẳng hạn, chúng tôi sử dụng hóa chất rửa xe (dung dịch và bọt) loại tốt thay vì dùng xút để tránh làm bạc màu sơn của xe và làm hại da tay của nhân viên. Chúng tôi còn có khu vực phòng chờ, có nhân viên dắt xe vào rửa, có Wi-Fi, hệ thống thông tin khách hàng, chỉ cần đến bất kỳ hệ thống nào khách hàng cũng được theo dõi tình trạng xe".

Lâm giải thích thêm: "Cái khó nhất để triển khai mô hình này là phát triển thành chuỗi, ít nhất phải có 10 điểm mới thành hệ thống. Ngoài yêu cầu mặt bằng tối thiểu một điểm rửa xe phải 150m2, gồm 4 khu vực: phòng chờ, khu vực rửa xe (chia ra 2 khu: xe ô tô và xe máy), phòng máy và kho, cái khó của chuỗi rửa xe thông minh là nhân lực, vì nhiều nhân viên vẫn quan niệm đây là nghề lao động tay chân, những nhân viên chịu làm việc thì chưa hiểu phải có tác phong theo chuẩn đưa ra. Thế nên, muốn thay đổi quan niệm đó và đạt chuẩn dịch vụ thì phải thay đổi cách thức làm việc, thay đổi hình ảnh nhân viên rửa xe thành chuyên viên rửa xe. Và VietWash là đơn vị đầu tiên cho nhân viên đi học chuyên môn, huấn luyện các kỹ năng như phòng cháy chữa cháy, cách vận hành các thiết bị để bảo đảm an toàn lao động. Ví dụ, trong thiết bị rửa xe có bình nén khí, nếu vận hành không tốt sẽ rất nguy hiểm, vì vậy, một chuyên viên dùng máy nén khí cũng phải được huấn luyện sử dụng bao lâu phải xả khí, bảo dưỡng, bảo trì máy... Hoặc như cầu đội cũng là thiết bị sử dụng hơi rất nguy hiểm nên phải học để biết cách vận hành và sử dụng cho đúng. Chi phí đào tạo khoảng 200.000 đồng/chứng chỉ và một nhân viên phải có 2 hoặc 3 chứng chỉ".

Hỏi Lâm có sợ đào tạo xong nhân viên bỏ ra ngoài làm, Lâm tỏ vẻ tự tin: "Không ngại, vì tôi đào tạo nhân viên có trình độ cao, nếu họ đi chỗ khác cũng không có điều kiện làm việc như ở VietWash. Rửa xe thoạt nhìn tưởng đơn giản nhưng cũng phải được huấn luyện, đào tạo bài bản. Chẳng hạn, mỗi chiếc xe hơi, mỗi đời xe sẽ có thông số kỹ thuật khác nhau, đặc thù riêng nên khi rửa xe, hút bụi cũng phải hiểu rõ mới làm sạch được".

Khách đến VietWash còn được phục vụ miễn phí massage chân trong lúc chờ đợi, nước uống. Nếu khách có nhu cầu bảo dưỡng xe, chỉ phải trả nửa tiền so với bên ngoài.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất Phan Bảo Lâm nhắm đến là thay đổi thói quen của khách hàng cũng như cách nhìn của người lao động về công việc đang làm. Vì vậy, tiêu chí đầu tiên anh đặt ra là đảm bảo chế độ lương, thay vì chỉ hưởng lương công nhật, nhân viên ở đây được trả lương tháng cộng với thưởng, phụ thu, bảo hiểm đầy đủ.

Hiện VietWash có chuỗi 10 điểm rửa xe, trong đó có 4 cửa hàng hạng A, thu hút rất nhiều sinh viên mới ra trường từ khoa sửa chữa ô tô, xe máy, tự động hóa thuộc các trường cao đẳng, trung cấp dạy nghề.

Lâm cho biết, ước tính đầu tư cho một cửa hàng (tùy diện tích) khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng và trung bình một năm thì thu hồi vốn, do vậy có nhiều người đề nghị nhượng quyền nhưng anh muốn củng cố thương hiệu cho hệ thống trước, vì kế hoạch năm 2015 anh sẽ triển khai thêm 20 điểm tại TP.HCM (nâng tổng số cửa hàng lên 30) và từ tháng 7/2015, VietWash mới chính thức nhượng quyền tại TP.HCM và các tỉnh.