Tại sao tỷ phú Richard Branson lại thành công đến như vậy?

Tại sao tỷ phú Richard Branson lại thành công đến như vậy?

(NDH) Richard Branson khởi nghiệp lần đầu tiên với việc sáng lập ra tạp chí Student sau khi bỏ học vào năm 15 tuổi.

Không lâu sau đó, ông đồng sáng lập ra cửa hàng đĩa Virgin và dần dần phát triển thành một hãng thu âm, Sau 10 năm liên tục gặt hái thành công, Branson đã bỏ lại tất cả và khiến cho các đối tác sững sờ khi tuyên bố ông muốn tấn công vào thị trường hàng không.

Gần 50 năm sau đó, Branson đã là tỷ phú, chủ tịch của tập đoàn Virgin và quản lý khoảng 500 công ty lớn nhỏ với khoảng 200-300 công ty có gắn liền với thương hiệu của ông.

Nhà kinh doanh công nghệ cũng là CEO của XPRIZE, Peter Diamandis, và nhà sáng lập Flow Genome Project, Steven Kotler đã nói về Branson trong quyển sách mới “Làm thế nào để làm lớn, làm giàu và tác động đến thế giới” của họ: Những yếu tố góp sức tạo nên thành công của ông không nằm ngoài sự đam mê, tầm nhìn và những phẩm chất của một nhà lãnh đạo.

Diamandis đã nói chuyện với Branson về quyển sách. Từ cái nhìn sâu sắc của cả Diamandis và Kotler cùng với buổi phỏng vấn Branson mùa thu năm ngoái của CEO Business Insider - Henry Blodget, chúng tôi đã khám phá ra những yếu tố then chốt với triết lý của Branson đứng đằng sau hàng trăm doanh nghiệp ông đã sáng lập hoặc giúp sức phát triển.

“Nghiện vui vẻ”

Kotler đã nói rằng "Branson luôn tự nhủ với bản thân ‘nếu tôi làm điều này mà cảm thấy vui vẻ thì tôi nghĩ rằng những người khác khi làm điều đó cũng có cảm giác vui vẻ tương tự’, vì thế sự vui vẻ là một trong những điều kiện tiên quyết trước khi ông quyết định làm một việc gì đó, và rõ ràng, đó là một điều kiện tuyệt vời.”

Khi ông nói với các CEO của Virgin Music rằng ông muốn sử dụng 1/3 lợi nhuận của công ty để bắt đầu kinh doanh một hãng hàng không bởi vì làm việc đó sẽ rất vui, họ không hề có một chút hứng thú nào cả. Nhưng Branson quyết định làm điều đó không phải do nhàm chán hay liều lĩnh. Ông có khả năng mang lại cho mình một sự nghiệp lâu dài, xuất sắc và thành công bởi vì ông đã tự mình hưởng thụ và thưởng thức mọi cảm giác trên suốt cả hành trình.

Ông đã chia sẻ trong quyển sách của mình Con đường Virgin: Mọi điều tôi biết về lãnh đạo rằng “sự vui vẻ là một trong những ‘nguyên liệu’cần thiết trong mọi sự thành công nhưng thường bị đánh giá thấp. Nếu bạn không thấy vui vẻ thì có lẽ đây là lúc dừng lại và thử làm một việc khác.”

Chừa đường lui cho bản thân

Branson nói với Diamandis "Xét về vẻ bên ngoài thì dường như mọi doanh nhân đều có khả năng chịu đựng cao với rủi ro. Tuy nhiên đối với tôi, một trong những cụm từ quan trọng nhất là ‘Chừa đường lui cho bản thân’.”

Hạn chế tối đa các tổn thất có thể trước khi tiếp tục tiến lên trên con đường kinh doanh mạo hiểm là bài học đầu tiên cha ông dạy cho ông khi ông 15 tuổi. Cha ông đồng ý cho ông bỏ học để tạo ra một cuốn tạp chí chỉ khi nào ông có thể bán được 4000 bảng Anh để hoàn vốn in.

Ông đã lặp lại chiến lược đó vào năm 1984 khi thâm nhập vào thị trường hàng không. Ông chỉ có thể thuyết phục những đối tác của mình ở hãng thu âm Virgin để đồng ý với thỏa thuận rằng nếu sau 1 năm mà mọi thứ không được diễn ra như kế hoạch thì ông sẽ phải trả lại chiếc Boeing Jet 747 đã mua.

Diamandis và Kotler viết rằng chiến lược này đã giúp Branson luôn duy trì sự nhanh nhẹn cần có của một doanh nhân. Hơn 5 thập kỷ trôi qua, Branson dĩ nhiên đã trải qua rất nhiều lần thất bại, ví dụ Virgin Cola hay Virgin Clothing. Nhưng ông đã linh hoạt và nhanh chóng khởi động lại ý tưởng, không ngại ngùng đặt dấu chấm hết cho mọi thất bại. Tính ra thì mặc dù Branson được biết đến với thành công mở ra hơn 500 công ty nhưng ông cũng đã phải kết thúc khoảng 200 công ty khác không thể vận hành.

Lấy khách hàng làm trung tâm

Branson chia sẻ với Diamandis "Trừ khi bạn hướng tới khách hàng, nếu không bạn sẽ không thể tồn tại lâu cho dù bạn có khả năng sáng tạo ra một điều gì đó tuyệt vời đi chăng nữa. Điều đó có nghĩa là mọi chi tiết cần phải được xác định đúng."

Branson viết trong "Con đường Virgin" rằng mặc dù không có khả năng để ý đến toàn bộ các công ty nhưng ông cũng thường xuyên trải nghiệm dịch vụ của Virgin với tư cách khách hàng. Có một lần ông gọi điện đến một trong những tổng đài chăm sóc khách hàng của Virgin và giấu giọng, yêu cầu nói chuyện với Richard Branson – trò này của ông đã có hiệu quả, và ông đã được nối máy với trợ lý, người đã nhận ra ông qua điện thoại .

Ông kể câu chuyện này để cho vui nhưng cũng đã truyền tải được thông điệp rằng: bất kể bạn đang làm gì, khởi nghiệp hay quản lý một tập đoàn lớn, bạn cũng không thể bỏ rơi khách hàng.

Branson cũng nói rằng ông thường xuyên gọi điện cho những khách hàng hạng doanh nhân của Virgin Atlantic để hỏi về trải nghiệm của họ, và ông đã viết ra chính trải nghiệm của mình với tư cách là một khách hàng của Virgin, ví dụ như khi ông ghi lại rằng ông và bạn bè hành khách Virgin America không muốn được phục vụ khăn ấm trong những ngày nóng thiêu đốt ở Las Vegas. Ông đã lưu ý điều đó và điều chỉnh lại quy định dịch vụ để có khăn lạnh được cung cấp trong những ngày nóng bức.

Một ông chủ tài ba

Branson có thể vẫn còn tư tưởng bay bổng mặc dù đã sống được hơn 6 thập niên, nhưng ông vẫn không phải là siêu nhân. Ông không ngừng tìm cách mới, con đường mới để mở rộng Virgin đến với những thị trường đang bị bế tắc, và đảm bảo rằng mọi người xung quanh ông có thể giúp lý tưởng của ông thành hiện thực .

Branson nói với Business Insider "Lời khuyên tốt nhất mà tôi có thể nói dành cho bất cứ một quản lý nào của một công ty là tìm một người giỏi hơn bạn để giúp bạn làm việc. Sau đó, hãy thoải mái mà nghĩ về một viễn cảnh lớn hơn. Bằng việc để bản thân tự do và thoải mái, tôi đã có thể mơ một giấc mơ lớn và đưa Virgin tiến lên trên nhiều lĩnh vực. Và điều đó đã khiến cuộc sống trở nên vô cùng thú vị.”