'Steve Jobs Trung Quốc' và bí quyết xây dựng công ty 45 tỷ USD

(NDH) Hãng smartphone của Trung Quốc Xiaomi đã trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới sau khi huy động được 1,1 tỷ USD vốn đầu tư, nâng giá trị của công ty lên 45 tỷ USD.

CEO Lei Jun trong buổi giới thiệu sản phẩm gần đây của Xiaomi

Xiaomi đã có sự phát triển khá ngoạn mục khi trở thành nhà sản xuất smartphone đứng thứ 4 thế giới chỉ trong vòng 3 năm ( trước đó Xiaomi từng giữ vị trí thứ 3 trước khi bị Huawei đánh bật vào tháng 12 vừa qua). Đây cũng được coi nhà nhà cung cấp smartphone hàng đầu tại Trung Quốc, vượt qua cả Samsung, Apple và Lenovo.

Xiaomi sản xuất những chiếc điện thoại Android khá tốt, với chất lượng không thua kém nhiều sản phẩm của Samsung, HTC và Motorola nhưng với giá chỉ bằng một nửa.

Hãng điện thoại này thường được nhiều người ví von như 'Apple của Trung Quốc', không chỉ vì có một lượng lớn người yêu thích, mà vì Lei Jun-người sáng lập ra Xiaomi khiến người ta liên tưởng rất nhiều đến Steve Jobs.

CEO của Xiaomi 'chịu ảnh hưởng' rất nhiều từ Steve Jobs

Trong chương trình giới thiệu sản phẩm, Jun mặc áo thun đen, quần Jean màu xanh nhạt và đi giày thể thao-giống như cách Jobs vẫn thường làm khi ra mắt các sản phẩm của Apple.

Khi giới thiệu, CEO của Xiaomi cũng 'học hỏi' cách Jobs sử dụng ngôn ngữ cơ thể như chụm tay ở phía trước hay trải rộng ra khi cần nhấn mạnh vào một đặc điểm nổi bật trên sản phẩm.

Mùa hè năm nay, khi ra mắt dòng điện thoại mới nhất của hãng là Mi4, Jun đã thêm câu 'One more thing...' vào cuối bài trình bày của mình-một chiến thuật ghi dấu ấn của Jobs khi ông muốn đưa ra một thông báo bất ngờ.

Đó chính là lý do vì sao người ta vẫn thường gọi Jun là 'Steve Jobs của Trung Quốc'.

Theo thông tin về Xiaomi được Businessweek đưa ra hồi đầu năm, Jun-CEO của Xiaomi hiện nay 45 tuổi. Ông bắt đầu sự nghiệp công nghệ một thời gian ngắn sau khi ra trường bằng cách gia nhập Kingsoft-một công ty phần mềm Trung Quốc, bắt chước Microsoft.

Nếu Xiaomi hiện tại là 'Apple của Trung Quốc' thì ở giai đoạn những năm 1990 và đầu những năm 2000, Kingsoft được biết đến với cái tên 'Microsoft của Trung Quốc'.

Sau đó, Jun đã trở thành CEO của Kingsoft và tiến hành IPO vào năm 2007, nhưng ông đã từ chức một vài năm sau đó.

Vào năm 2010, Jun quyết định bắt tay với một nhà lãnh đạo cũ của Google Trung Quốc và sáng lập ra Xiaomi. Nhờ đó, Jun đã trở nên rất giàu có. Theo ước tính của Forbes, hiện nay Jun là người giàu thứ 8 ở Trung Quốc với giá trị tài sản khoảng 9,9 tỷ USD.

Mặc dù có rất nhiều điểm tương đồng với Apple, các sản phẩm Xiaomi cũng có đôi chút khác biệt. Công ty của Jun phát triển sản phẩm dựa trên nền tảng khách hàng, trong khi Apple lại đem đến những điều mà họ cho là tốt nhất.

Jun gọi phương pháp phát triển sản phẩm của Apple là 'tự cao tự đại'.

Tuy nhiên, các sản phẩm điện thoại cũng như máy tính bảng của Xiaomi thường bị chỉ trích rất nhiều vì giống với iPhone về cả phần mềm và phần cứng. Vào tháng 10 vừa qua, nhà thiết kế Jony Ive đã gọi những công ty sao chép thiết kế của Apple như Xiaomi là 'kẻ cắp'.

Triết lý coi khách hàng là trung tâm đã khiến Xiaomi cũng như Jun trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc. Điện thoại của Xiaomi chủ yếu được bán trực tuyến và được bán ra chỉ trong vòng vài phút.

Xiaomi phải bỏ ra rất ít chi phí cho các hình thức marketing truyền thống. Thay vào đó họ tận dụng sức mạnh của các kênh truyền thông xã hội như Weibo-một mạng xã hội của Trung Quốc tương tự như Twitter. Khách hàng chính là những người được lợi từ sự tiết kiệm chi phí đó.

Xiaomi Mi4

Chiếc điện thoại cao cấp nhất của Xiaomi-Mi4 chỉ có giá khoảng 300 USD cho bản mở khóa. Nhưng những thông số kỹ thuật của nó không mấy kém cạnh so với các sản phẩm của Samsung, Apple hay Lenovo. Trong khi giá của các sản phẩm có cấu hình tương đương từ các hãng này ít nhất khoảng 650 USD.

Điện thoại Xiaomi được bán ở Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, và một số thị trường mới nổi khác. Trước mắt, công ty vẫn chưa có kế hoach tấn công vào các thị trường mới như Mỹ và châu Âu.

Sự phát triển của Xiaomi cũng phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận của Samsung. Trong quý vừa qua, Samsung công bố giảm 60 % lợi nhuận, nguyên nhân chính được cho là do sự cạnh tranh của các nhà sản xuất smartphone giá rẻ như Xiaomi.