Startup Trung Quốc kiếm tiền từ giới trẻ cô đơn

Startup Trung Quốc kiếm tiền từ giới trẻ cô đơn

Các startup tại Trung Quốc đang khai thác "mỏ vàng" mới, chính là những người trẻ tuổi và… "ế".

Jack Zhai dành cả buổi tối tại Thâm Quyến (Trung Quốc) để xem ảnh của các cô gái độc thân trên ứng dụng di động Tantan. Khi phát hiện một ai đó thú vị, anh bấm vào nút có hình trái tim. Nhà thiết kế 25 tuổi sau đó ngồi đợi đối phương trả lời lại yêu cầu chat của mình. Đó là cách dễ dàng để kết bạn tại một thành phố xa lạ. Anh hi vọng kết quả sẽ là mối quan hệ lâu dài.

Trong bối cảnh tỷ lệ nam - nữ tại Trung Quốc ngày càng chênh lệch, dẫn đến số lượng nam giới đến độ tuổi kết hôn vẫn "ế" ngày một tăng, hãng nghiên cứu Iresearch dự báo hẹn hò trực tuyến tại quốc gia này sẽ mang về doanh thu thường niên khoảng 10 tỷ Nhân dân tệ (1,6 tỷ USD) vào cuối năm 2016, tăng 17% so với năm 2014. Các doanh nhân Trung Quốc đang nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ đối tượng trẻ, độc thân.

Wang Yu, đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Tantan, cho rằng người dùng sẵn sàng trả tiền để có cơ hội thành công cao hơn, đặc biệt khi hôn nhân là vấn đề không dễ trốn tránh tại Trung Quốc. Hãng truyền thông Bertelsmann của Đức đã đầu tư 5 triệu USD vào Tantan năm nay. Trong khi đó, hãng đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital và Vertex Venture Holdings cũng "rót" 20,5 triệu USD cho Qingchifan, một ứng dụng hẹn hò khác.

Họ hi vọng có thể tái hiện thành công của Momo, phần mềm hẹn hò với 69 triệu người dùng và được tải về nhiều nhất trong 3 tháng đầu năm 2015. Momo được tập đoàn thương mại điện tử Alibaba "chống lưng" và đã thu được 216 triệu USD khi phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) tháng 12/2014.

Tantan hướng đến người dùng trong độ tuổi từ 20 đến 26, vừa ra trường hoặc chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Ở Trung Quốc, những người trẻ thường chuyển đến thành phố mới để tìm kiếm việc làm và phải tạo dựng mối quan hệ từ số 0. Tantan lên kế hoạch thu phí người dùng để khiến cho hồ sơ của họ hấp dẫn hơn.

Qingchifan lại đi trước một bước khi cho phép 10 triệu người dùng mời nhau đi ăn trưa hoặc ăn tối ngay trong ứng dụng. Các thành viên phải trả tiền để đăng lời mời - phí dao động từ 5 Nhân dân tệ đến 180 Nhân dân tệ - kèm biểu tượng thể hiện "điểm số tin cậy" của người đó. Theo Liu Gangqiang, nhà sáng lập, độ tuổi trung bình của người dùng nam là 26 còn nữ là 23.

Theo Tổ chức dân số Liên Hợp quốc, do ảnh hưởng của chính sách một con và tâm lý "sính" con trai của người Trung Quốc, đến năm 2050, tỷ lệ đàn ông độc thân ở độ tuổi 50 sẽ tăng lên 11% từ 3% của năm 2012. "Có nhiều nam giới hơn phụ nữ và cơ hội để người đàn ông tìm thấy một nửa phù hợp là rất thấp. Nếu kết hợp với giờ làm việc kéo dài, có ít thời gian cho họ giao tiếp cộng đồng hơn", Gloria Chan, Giáo sư Đại học Hong Kong cho biết.

Nhà sáng lập Tantan, kỹ sư được đào tạo tại Thụy Điển, từng có thời gian làm cho Ericsson, hi vọng có nhiều người dùng chung suy nghĩ với Zhai, sẵn sàng bỏ khoảng 5 Nhân dân tệ mỗi tháng nếu ứng dụng bắt đầu thu phí. Tuy số tiền khiêm tốn nhưng nó có thể mang lại cho 50 triệu Nhân dân tệ doanh thu mỗi tháng nếu Tantan đạt mục tiêu 10 triệu người dùng.

Tuy vậy, các ứng dụng hẹn hò cũng có những hạn chế khó tránh khỏi. Khi chúng giúp kết nối các cặp đôi thành công, tỷ lệ sử dụng sẽ giảm hoặc các thành viên hủy gói đăng ký. Ngành hẹn hò trực tuyến vẫn đang tăng trưởng theo từng năm nhưng không thể lớn mạnh như các lĩnh vực khác của mạng xã hội. Mọi người sẽ rời đi sau khi tìm thấy "đối tác" của mình.