Sinh tồn tại Thung lũng Silicon: “Ăn thịt” hoặc bị “ăn thịt”

Những công ty đạt được thành công ban đầu nhưng chưa vươn tới quy mô đủ lớn để "tự vệ" có thể biến thành mồi ngon cho các ông lớn tại Thung lũng Silicon.

Sinh tồn tại Thung lũng Silicon:

Trong một thế giới đầy rẫy các nhà đầu tư mạo hiểm, các ông lớn thừa tiền sẽ không lý gì mà không "mua sắm" khi giá thì giảm, mà cổ đông thì muốn bán. Ảnh: Economist

Độ giàu có của các công ty thuộc Thung lũng Silicon thể hiện ở mọi khía cạnh, tạp chí Economist nhìn nhận.

Ví dụ gần đây, một quỹ từ thiện xóa đói giảm nghèo của San Francisco đã khôn khéo chọn nơi đây để kêu gọi quyên tiền. Mối tấm vé xem bóng bầu dục Super Bowl được đẩy giá lên tới 100.000USD. Chẳng mấy chốc, quỹ từ thiện thu về 14 triệu USD.

Không chỉ hào phóng, những công ty này cũng nổi tiếng chi tiêu bạo tay. Năm 2014, làng công nghệ Mỹ ghi nhận khoảng 185 tỷ USD giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trưởng trong năm nay.

Chưa đủ lớn

"Con mồi" gần đây nhất là của Salesforce. Công ty cung cấp phần mềm doanh nghiệp trên nền tảng đám mây đang được nhiều công ty lăm le thâu tóm, có thể kể đến như Microsoft và Oracle.

Twitter và LinkedIn đang tự đưa mình vào tầm ngắm với kết quả kinh doanh đáng buồn.

Nhiều công ty thành công khác cũng chưa đạt đến quy mô đủ lớn để "tự vệ". Không giống Google, nhà sáng lập của các công ty này không nắm đủ cổ phần điều khiển để ngăn chặn một vụ thâu tóm.

Trong khi các tay chơi lớn tại Thung lũng Silicon thì không thiếu tiền, ví dụ như Microsoft sở hữu 95 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn trong bảng cân đối.

Trong top 10 công ty trữ tiền nhiều nhất Mỹ (ngoại trừ các doanh nghiệp tài chính), có đến 6 công ty trong lĩnh vực công nghệ, dẫn đầu là Apple. Tổng số tiền mặt họ sở hữu là 485 tỷ USD.

Chưa kể, những tay chơi lớn đến từ nước ngoài như Alibaba và Tencent cũng đang "thăm dò" Thung lũng để dọn đường cho việc làm ăn tại Mỹ.

Mặc dù triển vọng tăng trưởng của phân khúc công nghệ nâng bổng cổ phiếu nhiều doanh nghiệp, nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng duy trì đà tăng trưởng ấn tượng này.

Gần đây, hai mạng xã hội Twitter và LinkedIn thông báo kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng, khiến cổ phiếu hãng rớt lần lượt 28% và 21%.

Mảnh đất khó nhằn

Với giá trị vốn hóa thị trường tại 24 tỷ USD, giảm so với 33 tỷ USD 1 tháng trước đây, chú chim xanh Twitter vẫn là một công ty tương đối quy mô. Trên thực tế, mạng xã hội đã thâu tóm doanh nghiệp nhỏ hơn trong vài năm qua để tạo đà tăng trưởng.

Tuy nhiên nếu để kéo dài tình trạng kinh doanh gây thất vọng giới đầu tư, họ có thể tự biến mình thành mồi ngon.

Google là nhà đầu tư tiềm năng nhất. Vấn đề của Twitter đến từ doanh nghiệp quảng cáo, họ vẫn coi mạng xã hội là một thị trường mới nhỏ hẹp. Google - gã khổng lồ quảng cáo - có thể giải quyết vấn đề này.

Mối quan hệ giữa hai công ty cũng khăng khít hơn. Trong sự kiện báo cáo kết quả kinh doanh, Twitter tuyên bố thỏa thuận hợp tác với Google sẽ giúp công ty đo lường hiệu suất của quảng cáo.

Những doanh nghiệp quảng cáo cỡ vừa thì chật vật hơn. Công ty Pivotal Research chuyên nghiên cứu lĩnh vực này nói thẳng: "Quảng cáo trực tuyến là mảnh đất khó nhằn đối với mọi công ty, ngoại trừ Google và Facebook". Tính trên toàn thế giới, 50% thị phần quảng cáo rơi vào tay 4 ông lớn: Google, Facebook, Baidu và Alibaba.

"Chẳng liên quan"

Đến Yahoo - công ty biểu tượng của Internet vào thập niên 90, cũng đang là tâm điểm của các đồn đoán thâu tóm. Sau thời hoàng kim của vụ bong bóng công nghệ, hoạt động công ty đang xì hơi nhanh chóng.

Giới đầu tư kêu gọi Yahoo và AOL sáp nhập để tiết kiệm chi phí. Vấn đề là cả CEO Marissa Mayer của Yahoo và sếp Tim Armstrong của AOL đều muốn giữ ghế.

Với núi tiền mặt khổng lồ, Yahoo có thể lọt vào mắt xanh của một công ty đầu tư hoặc truyền thông. Gần đây, sau khi thâu tóm bất thành công ty cáp truyền hình Time Warner Cable, Comcast đang có nhiều tiền nhàn dỗi mà chưa biết tiêu vào đâu.

Hay thậm chí, Yahoo có thể rơi vào tay một công ty "chẳng liên quan". Đang xuất hiện xu hướng mở rộng đầu tư vào những lĩnh vực mới mẻ tại Thung lũng Silicon. Năm ngoái, Facebook đã mua công ty thực tại ảo Oculus VR với giá 2 tỷ USD. Nhưng sau đó, Mark Zuckerberg thừa nhận "không biết phải làm gì với nó".

Trong một thế giới đầy rẫy các nhà đầu tư mạo hiểm, các ông lớn thừa tiền sẽ không lý gì mà không "mua sắm" khi giá thì giảm, mà cổ đông thì muốn bán.