Dịp Tết này người dân Nhân Hậu kho hàng nghìn nồi cá phục vụ khách |
Về làng Nhân Hậu những ngày cuối năm, nhà nào cũng nghi ngút khói trắng. Cá kho thơm mùi gừng, riềng bay khắp làng quê. Ông Trần Bá Luận (60 tuổi) ở xóm 1, cho biết: "Một năm gia đình tôi kho khoảng chục nghìn nồi cá. Dịp bình thường, thỉnh thoảng mới có vài ba khách đặt. Tuy nhiên, dịp giáp Tết, trung bình một ngày kho đến cả 600 - 700 nồi mà không đủ bán cho khách. Những ngày cuối năm này, nhà ông Luận phải thuê khoảng 50 nhân công đến kho cá.
Ba anh em ông Trần Hữu Thao (54 tuổi) xóm 12 đang cũng cho biết, một năm anh em ông kho khoảng 3.000 nồi cá, nhưng riêng dịp Tết đã kho tới hơn 2.000 nồi. "Cả nhà thức trắng đêm cũng không đủ cá để bán"- ông Thao kể.
Ông Trần Xuân Thực - Chủ tịch Hiệp hội Cá kho Nhân Hậu cũng sống bằng kinh doanh cá kho, cho biết: "Vào ngày Tết, các cơ sở trong làng phải đặt cá từ tận Thái Bình, Nam Định, chứ nếu cá ở làng chỉ đủ cho tôi kho trong 2 - 3 ngày là hết sạch. Năm ngoái, nhờ bán cá kho, gia đình tôi có doanh thu lên đến 1 tỉ đồng."
Món cá kho đã trở thành món ăn gia truyền nức tiếng để nhiều người mua làm quà biếu. Việt Kiều về nước đã đến tận nơi để xách tay ra nước ngoài. Nhà ông Trần Bá Luận, Trần Hữu Thao và nhiều hộ khác trong làng năm nào cũng có khách từ Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc,... gọi điện về đặt mua cá mang đi.
Ông Trần Xuân Thực cho biết, làng Nhân Hậu, nhà nào cũng biết kho cá, có khoảng 100 hộ kho cá để kinh doanh. Trong đó có 20 hộ tham gia vào Hiệp hội Cá kho Nhân Hậu. Theo ông Thực, do nghề cá kho ngày càng lớn mạnh nên chính quyền địa phương và Sở Khoa học công nghệ của tỉnh đã thành lập Hiệp hội cách đây 1 năm. Hiệp hội ra đời nhằm định hướng cho các cơ sở kinh doanh trong làng hoạt động đúng theo quy định, bảo đảm uy tín, chất lượng cho món cá kho gia truyền của làng.
Theo ông Thực, Hiệp hội rất mong muốn đưa cá kho Nhân Hậu xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, điều này chưa thể làm được, vì món cá kho hiện được chế biến tự nhiên, không bảo quản được lâu.