Ông Vương Đình Huệ:

Ông Vương Đình Huệ: "Nguyễn Hà Đông đã thổi bùng tinh thần lập nghiệp"

(NDH) Phát biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp diễn ra sáng ngày 9/6, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng Nguyễn Hà Đông với trò chơi "chú chim khó tính" (Flappy Bird) đã thổi bùng tinh thần lập nghiệp bằng chính sự sáng tạo của tuổi trẻ.

GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp

6 đường lối tổ chức khởi nghiệp

Ông Huệ nhấn mạnh rằng để khởi nghiệp thành công không phải chỉ có khát vọng, đam mê, dũng cảm mà còn phải luôn sáng tạo và đổi mới. Khởi nghiệp thành công sẽ góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh; tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết trên thế giới hiện nay có 6 đường lối tổ chức khởi nghiệp riêng biệt cho các doanh nhân.

Thứ nhất là kinh doanh cá thể vừa làm vừa hưởng (life business).

Thứ hai là kinh doanh nhỏ lẻ, tự nuôi sống gia đình (small business) trong đó nhà sáng lập cũng đồng thời là nhân công, điển hình là cửa hàng đồ gia dụng, thực phẩm, tiệm làm tóc, đại lý du lịch, cửa hàng dịch vụ Internet.

Thứ ba là khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng (scalable) với mục tiêu định vị chiến lược tạo ra một chuỗi giá trị cho công ty. Đây là xu hướng chủ đạo mà các các nhà kinh doanh và đầu tư liên doanh hướng đến (ví dụ như Google, Skype, Facebook, và Twitter tại Thung lũng Silicon).

Thứ tư là khởi nghiệp có khả năng chuyển nhượng (buyable) với mục tiêu chính là nuôi lớn ý tưởng rồi bán lại cho các đối tác kinh doanh lớn hơn.

Tiếp theo là khởi nghiệp trong công ty lớn (large company) là việc duy trì thường xuyên đưa ra các chính sách mới, tạo ra sản phẩm và tìm kiếm khách hàng mới tại các thị trường mới (tiêu biểu là Sony và Google).

Cuối cùng là doanh nhân xã hội (social entrepreneur) tập trung vào các dự án phi lợi nhuận phục vụ xã hội.

Theo ông Huệ, mỗi cá nhân đứng ra tổ chức doanh nghiệp của mình đều được gọi là các "doanh nhân", tuy nhiên giữa mỗi nhóm ngành và hệ sinh thái khởi nghiệp đều có các đặc điểm và sự khác biệt.

Ông Huệ khẳng định việc phát triển các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa thiết thực hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân giàu kiến thức kỹ năng, có trách nhiệm xã hội, có văn hóa kinh doanh và năng lực cạnh tranh cao.

Bài học khởi nghiệp từ các quốc gia trên thế giới

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, kinh nghiệm khởi nghiệp tại các quốc gia phát triển là những bài học quý giá để chúng ta học hỏi. Bài học của Israel, nhỏ bé, đất đai cằn cỗi, vốn duy nhất là con người. Năng lượng sống của người Israel là tinh thần làm việc sáng tạo, hướng đến sự sáng tạo, luôn sẵn sàng mạo hiểm và tự làm mới bản thân.

"Đây chính là tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia khởi nghiệp: cứ 1.844 người Israel thì có một doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ và đầu tư mạo hiểm.", ông Huệ nói

Ông Huệ cũng cho biết tại Hoa Kỳ, việc thiết lập các Quỹ đầu tư tác động và Quỹ sáng kiến giai đoạn đầu (số vốn 1 tỷ USD/1 quỹ); sự ra đời của Thung lũng Silicon với các tài trợ của Quỹ đầu tư mạo hiểm và đổi mới công nghệ là những yếu tố rất quan trọng cho phong trào thương mại hóa công nghệ. Chính sách kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc đang tạo nên sức sống mới cho nền kinh tế bằng các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp như Quỹ Yozma (Thiên thần).

Tại Việt Nam, ông Huệ cho rằng tên tuổi của chàng trai Nguyễn Hà Đông với trò chơi "chú chim khó tính" (Flappy Bird) đã thổi bùng tinh thần lập nghiệp bằng chính sự sáng tạo của tuổi trẻ. "Sự lựa chọn lập nghiệp của Nguyễn Hà Đông và rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã thành công của Việt Nam như Tập đoàn FPT, Cà phê Trung Nguyên...chắc chắn sẽ tạo sự lan tỏa cho hàng triệu thanh niên Việt Nam trên con đường khởi nghiệp.", ông Huệ nhấn mạnh.