Ông chủ Starbucks đã xây đế chế cà phê 77 tỷ USD như thế nào?

“Khi mọi người đã dừng lại và nghỉ ngơi, tôi vẫn chạy đuổi theo một thứ vô hình mà những người khác không thể thấy".

Lớn lên trong một dự án nhà ở xã hội tại thành phố New York, Mỹ, Howard Schultz nói ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm kinh doanh. Ông càng không thể tưởng tượng có một ngày mình điều hành một chuỗi cửa hàng cà phê quy mô toàn cầu, ngồi trên đống tài sản 2,3 tỷ USD.

Trong hồi ký "Dốc hết trái tim" (Pour Your Heart Into It), Chủ tịch kiêm CEO của Starbucks kể rằng ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động gốc Do Thái tại Brooklyn.

Mẹ ông ở nhà chăm sóc con cái, cha ông là người kiếm cơm chính. Ông đã kinh qua đủ nghề, từ lái xe tải, công nhân nhà máy tới tài xế taxi.

Năm 1961, khi Schultz lên 7 tuổi, cha ông tai nạn vỡ mắt cá chân trong lúc lái xe giao hàng. Ông không mua bảo hiểm sức khỏe, cũng không có bồi thường lao động. Gia đình Schultz mất đi nguồn thu nhập duy nhất.

Tới giờ, Schultz vẫn nhớ ánh nhìn của cha khi ông nằm trên ghế dài, chân bó bột. Schultz nói ông muốn dành tặng thành công to lớn trong sự nghiệp cho cha ông, người qua đời một năm sau đó.

Howard Schultz nói ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm kinh doanh.

"Ông luôn coi việc ông là ý nghĩa, nhưng chưa bao giờ người ta trân trọng nó", Schultz kể lại.

Bán máu

Tuy nhiên sự nghiệp của Schultz có phần khác cha mẹ. Để có tiền trang trải học phí ông đã từng phải đi bán máu.

Thời trung cấp, ông chơi bóng bầu dục và được học bổng ưu đãi vận động viên vào trường đại học Bắc Michigan. Schultz trở thành người đầu tiên trong gia đình được học đại học.

Sau khi tốt nghiệp, ông vào làm tại Xerox, vây quanh bởi máy in chữ các loại. Vài năm sau, ông nhận việc tại Hammarplast - một công ty đồ gia dụng. Ông leo dần lên chức Phó chủ tịch và Giám đốc nhóm bán hàng.

Mặc dù có được những thành công đầu tay, Schultz viết ông "vẫn đứng ngồi không yên. Tôi luôn tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Có thể đây là một điểm yếu của tôi".

Hy sinh

Schultz biết đến Starbucks lần đầu tiên khi ông vẫn đang làm tại Hammarplast. Thương hiệu có 4 cửa hàng tại Seattle. Schultz tò mò vì Starbucks đặt hàng một số lượng lớn bất thường máy pha cà phê.

Ông bèn lặn lội tới tận Seattle để gặp chủ công ty là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Ông bị ấn tượng bởi nhiệt huyết và lòng can đảm của hai ông chủ. Họ bán thứ sản phẩm chỉ hấp dẫn một lượng nhỏ những người đam mê cà phê sành sỏi.

Đầu quân cho Starbucks, đồng nghĩa Schultz sẽ phải hy sinh mức lương cao và công tác khắp thế giới, nhưng ông quyết định đây là bước đi cần thiết. Hành động táo bạo của ông lúc đó vấp phải sự phản đối của rất nhiều người, trong đó gay gắt nhất là mẹ của ông.

Schultz tìm thấy Starbucks lần đầu tiên khi ông vẫn đang làm tại Hammarplast.

Bà không thể tưởng tượng tại sao con trai lại từ bỏ một sự nghiệp xán lạn để về dưới trướng một doanh nghiệp địa phương nhỏ bé như thế. Schultz mất một năm để thuyết phục Baldwin giao cho ông chức Giám đốc marketing.

Văn hóa cà phê Ý

Sự nghiệp của Schultz cũng như số phận của Starbucks thay đổi mãi mãi sau khi công ty cắt cử ông tới một triển lãm đồ gia dụng quốc tế ở Milan.

Đi lang thang vòng quanh thành phố, ông bắt gặp nhiều quán cà phê espresso, nơi chủ quán thuộc lòng tên khách hàng, phục vụ họ các loại cà phê cappuccino và latte.

"Tôi như được khai sáng", Schultz viết. Đó là khoảnh khắc ông hiểu mối quan hệ cá nhân có thể gây dựng qua một cốc cà phê. Ông cho rằng Starbucks nên phục vụ đồ uống espresso theo cách của người Ý.

Lúc đó, Starbucks sẽ là một trải nghiệm, thay vì đơn thuần là một cửa hàng.

Rạn nứt

Tuy nhiên Baldwin và Bowker gạt ý tưởng này đi, Năm 1985, Schultz quyết định rời Starbucks để mở công ty cà phê riêng mang tên Il Giornale, có nghĩa "Hàng ngày" trong tiếng Ý. Schultz phải chạy vạy vay vốn khắp nơi để có thể thành lập và duy trì được công ty.

Trong hai năm xa Starbucks, ông tập trung vào mở mới cửa tiệm trong chuỗi Il Giornale, trưng dụng văn hóa cà phê ông từng quan sát được ở Ý. Cửa hàng nhanh chóng trở nên nổi tiếng.

Ngay từ những ngày đầu, Schultz đã chú trọng ngay đến việc tìm kiếm nhân tài và tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Ngay từ những ngày đầu, Schultz đã chú trọng ngay đến việc tìm kiếm nhân tài và tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ông biết rằng cần phải tạo ra sự khác biệt không chỉ ở sản phẩm mà còn ở tất cả các nhân viên.

"Chúng tôi không cần tuyển những người có nhiều kinh nghiệm hay được đào tạo chính quy. Chúng tôi tuyển những người yêu thích công việc, yêu cà phê, thể hiện niềm đam mê với cà phê. Việc đào tạo kỹ năng là phần việc sau này", ông từng nói.

"Vô hình"

Kể từ khi Schultz ra đi, Starbucks sụt giảm doanh số nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn được. Năm 1987, Il Giornale mua lại Starbucks, Schultz trở thành CEO của tập đoàn Starbucks.

Trong suốt quá trình lãnh đạo Starbucks, phúc lợi của nhân viên là điều được ông ưu tiên hàng đầu. Nhớ lại nỗi khổ của cha ông hồi bị tai nạn, Schultz mua cho nhân viên trọn gói bảo hiểm sức khỏe, kể cả nhân viên bán thời gian.

Chưa kể các nhân viên còn được cổ phiếu thưởng, chi phí học đại học cũng sẽ được công ty thanh toán.

Song song với đó, Schultz cũng để tâm tới việc duy trì chất lượng sản phẩm. Năm 2008, khi Starbucks lao đao về mặt tài chính, ông quyết định đóng cửa tạm thời 7.100 cửa hàng tại Mỹ để gìn giữ hình ảnh về một cốc espresso hoàn hảo.

Hai năm sau, ông vực Starbucks dậy từ vũng bùn. Ngày nay, thương hiệu có hơn 21.000 cửa hàng tại 65 quốc gia, được định giá tại 77 tỷ USD.

Thời chơi bóng bầu dục trong trường đại học đã xa xôi, nhưng trong ông vẫn là tâm thế của chàng sinh viên ngày nào. Ông chẳng được huấn luyện bài bản như các vận động viên khác, bèn bù đắp bằng quyết tâm và sự kiên nhẫn.

"Khi mọi người đã dừng lại và nghỉ ngơi, tôi vẫn chạy đuổi theo một thứ vô hình mà những người khác không thể thấy", ông viết.