Anh Lê Minh Đường ở ấp Xẻo Vong C, xã Hiệp Lợi, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) là người đầu tiên áp dụng thành công cách nuôi trăn trên ĐLSH. "Tôi nuôi trăn đã gần 20 năm, mặc dù có nhiều kinh nghiệm nhưng thấy loài này vẫn thường bị mắc một số bệnh như đẹn miệng, sưng phổi, hô hấp… dẫn đến lợi nhuận không cao và tốn nhiều thời gian chăm sóc nên không nuôi được với số lượng lớn", anh Đường cho biết. Bỏ thời gian tìm hiểu, đầu năm 2013, anh Đường mở rộng chuồng nuôi trăn của gia đình từ 1.500 con lên 2.000 con và chuyển sang nuôi trăn trên đệm lót sinh học (ĐLSH) từ chuồng nuôi có sẵn.
Anh Đường chia sẻ: "Nguyên liệu làm chất độn là mùn cưa sẵn có ở địa phương. Mỗi lồng 1 m2 lót cao su dưới đáy và cho một lớp mùn cưa khoảng 10 cm. Để đảm bảo phân được phân hủy tốt và kéo dài tuổi thọ của đệm lót, mật độ thả nuôi 7-10 con/lồng (loại trăn nhỏ), 2-3 con/lồng (loại trăn lớn)". Việc áp dụng mô hình nuôi trăn trên ĐLSH đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người nuôi như giảm công vệ sinh chuồng trại, giảm chi phí phòng trừ bệnh cho trăn, trăn có da bóng mượt và sạch...
Đặc biệt, nuôi kiểu này hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường và người nuôi có thể nuôi với quy mô vài ngàn con mà không cần thuê lao động. Thực tế mô hình nuôi trăn trên ĐLSH của anh Đường cho thấy: Chi phí ban đầu cho cao su, mùn cưa, men vi sinh chỉ 25.000 đồng/lồng (1 m2), thời gian sử dụng được 2-3 năm nhưng giảm hoàn toàn công lao động ở khâu tắm, vệ sinh chuồng, bệnh cho trăn. Trước đây, mỗi hộ nuôi trên 1.000 con phải bỏ tiền hơn 4 triệu đồng/tháng để thuê lao động thì nay tiết kiệm được hơn.
Nuôi trăn trên ĐLSH, anh Đường có lợi nhuận cả tỷ đồng mỗi năm. |
Năm đầu nuôi trăn theo hình thức này, anh Đường có thêm lợi nhuận 20-30% so với phương pháp nuôi truyền thống. Đặc biệt, cách làm và vận hành đệm sinh học không quá phức tạp, nuôi quy mô lớn hay nhỏ đều áp dụng được. Chính vì vậy, việc nuôi thử nghiệm đã đem lại cho trang trại của anh Đường lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Hiện tại anh Đường còn 120 con trăn bố mẹ (trọng lượng 20-60 kg/con), 550 con trăn con (3-7 kg/con).
Đứng cạnh chuồng nuôi trăn được thiết kế khoa học và sáng tạo, anh Đường chia sẻ: "Trăn là loài động vật ít thải phân và nước tiểu hơn so với heo, vịt, gà nên chỉ cần trộn men vi sinh một lần, mùn cưa có thể sử dụng đến 2 năm nuôi. Lồng nuôi trăn nên đóng bằng cây và lưới sắt với kích thước 1 m2".
Theo anh Đường, việc sử dụng đệm lót chuồng nuôi sẽ lâu bị hư. Trước đây không sử dụng đệm lót chỉ cần sử dụng 3 năm là lồng bị mục do nước tiểu và phân của trăn thải ra. Còn nuôi trên ĐLSH chuồng rất khô ráo nên có thể sử dụng đến 5 năm. Như vậy, đã tiết kiệm được 400.000 đồng từ việc đóng lồng mới.
So sánh lợi nhuận của trăn trên ĐLSH so với cách nuôi trước đây, anh Đường cho biết thêm: "Nguồn thức ăn cho trăn là chuột và đầu gà được phối trộn với tỉ lệ 50/50. Bình quân 4 kg thức ăn sẽ cho 1 kg trăn thịt. Thường thì 5 ngày cho ăn 1 lần.
Trăn nuôi sau 1 năm đạt trọng lượng 6-10 kg/con. Nuôi theo kiểu thông thường 1 kg trăn thành phẩm sẽ tốn khoảng 250.000 đồng, còn nếu nuôi trên ĐLSH thì chi phí chưa đến 200.000 đồng". Mỗi năm, ngoài việc cung cấp cho thị trường hàng tấn trăn thịt, anh Đường còn cung ứng các hộ nuôi trăn trên địa bàn 1.000 con trăn giống với mức giá 400.000-450.000 đồng/con, trừ đi chi phí đem lại nguồn lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Ông Huỳnh Văn Huynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Lợi cho biết: "Nuôi trăn trên ĐLSH là cách làm mới đem lại hiệu quả cao hơn so với cách nuôi thông thường.
Với hình thức này người chăn nuôi có thể nuôi với số lượng lớn. Hiện tại, toàn xã có 117 hộ nuôi trăn với 12.050 con. Xã đã thành lập HTX Hiệp Phát với 22 thành viên để hỗ trợ nhau kỹ thuật cũng như giải quyết đầu ra cho sản phẩm".