Hiện tại, cộng cả 3 công ty, Nguyễn Thùy Liên có chưa tới 10 nhân sự nhưng thực hiện khối lượng công việc "khổng lồ" bao gồm hỗ trợ 1 đối tác chiến lược, 5 khách hàng doanh nghiệp dài hạn và hơn 1.300 học viên lẻ trong các khóa đào tạo về nâng cao nội lực bản thân.
Thành công vì lựa chọn môi trường nhỏ
Năm 2005, Nguyễn Thùy Liên trúng tuyển vào ĐH Ngoại Thương TP.HCM. Thời gian đầu, cô gái quê đến từ cao nguyên Lâm Đồng có chút tự ti khi nhập học cùng các bạn thành phố. Tuy nhiên, nhờ tính ham học, thích khám phá, sau một thời gian ngắn, Thùy Liên đã bắt kịp guồng sinh hoạt mới. Bên cạnh việc học, cô đi làm thêm ngay từ năm thứ nhất, trong một tòa soạn báo dành cho tuổi teen. Sau đó, Liên cũng từng làm qua nhiều môi trường kinh doanh chuyên nghiệp của các tập đoàn kinh tế lớn như Unilever, Vinamit...
Nguyễn Thùy Liên, nữ doanh nhân 27 tuổi với tham vọng định hình rõ nét thương hiệu Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Ảnh: NVCC. |
Năm 2008, dù chưa tốt nghiệp nhưng cô được một công ty phần mềm mới thành lập mời về đảm nhận vị trí giám đốc kinh doanh. "Họ mời thì tôi về làm. Cũng không để ý xem mức lương là bao nhiêu hay vị trí của mình oai cỡ nào mà chỉ nghĩ nếu tìm đến một doanh nghiệp nhỏ, lại mới thành lập, mình sẽ được thử nghiệm nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn và đặc biệt, có thể tạo ra những 'chuẩn' mới chứ không phải tuân theo những khuôn mẫu đã được dựng sẵn ở các công ty lớn", Thùy Liên chia sẻ.
Mất 8 tháng tìm hiểu thị trường với nhiều tham vọng cống hiến cho công ty. Nhưng đúng lúc đem được về nguồn khách hàng đầu tiên cũng là lúc Thùy Liên nghe giám đốc công ty này tuyên bố giải thể. Tiếc công sức, tiếc uy tín mới xây dựng với khách hàng, Liên quyết định mở công ty của riêng mình để "thay công ty cũ hoàn thành hợp đồng và có hóa đơn trả khách", cô gái trẻ chia sẻ lý do khởi nghiệp rất tự nhiên và đơn giản của mình.
Sau khi hợp đồng đầu tiên được Liên và 3 người bạn thực hiện thành công, nữ giám đốc trẻ sớm nhận ra việc duy trì một công ty khó hơn mình tưởng. Cô gặp phải các vấn đề về vốn, định hướng kinh doanh, những mâu thuẫn trong công việc... "Tôi rơi vào trạng thái bất cứ ai cũng ghét nhất trong đời. Đó là sự mất phương hướng, không biết mình đang đứng ở đâu và sẽ phải làm gì", Thùy Liên tâm sự.
Đúng lúc ấy, cô tham gia khóa học Quản lý cảm xúc. Nhờ khóa học này, Liên nhận ra những gì mình còn thiếu và tự hoàn thiện bản thân để vững vàng bước tiếp. Cô gọi đây là khóa học thay đổi cuộc đời. Từ chối lời mời của một doanh nghiệp lớn với mức lương cao, đãi ngộ tốt, Thùy Liên quyết tâm giải quyết dần những khó khăn công ty mình gặp phải. Nhờ việc đưa ra quyết định chuyển hướng kinh doanh đúng lúc, từ xây dựng thương hiệu thành tham vấn thương hiệu, chủ động tìm kiếm và nắm bắt những cơ hội hợp đồng với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, công ty Liên dần ổn định và phát triển sau 2 năm thành lập.
Chia sẻ bí quyết "vượt rào" khó khăn trong khởi nghiệp, nữ doanh nhân 27 tuổi đúc kết: "Thấy trước, làm sau. Tôi luôn cân nhắc kỹ mọi việc, khi chắn chắn là việc đó đúng, tôi sẽ làm tới cùng để thành công". Đến bây giờ, Nguyễn Thùy Liên cho hay cô vẫn thấy "rất đã" khi nhớ về quãng thời gian khởi nghiệp thiếu kinh nghiệm nhưng đầy sức trẻ và đam mê ấy. Rất nhiều ngày cô làm việc 16/24 tiếng nhưng luôn trong tâm trạng phấn khích vô cùng.
Muốn tồn tại phải nghĩ khác, làm mới
Nữ giám đốc 8X có vẻ ngoài trẻ hơn nhiều so với vốn kiến thức và tư duy sắc sảo của mình. Liên cho biết, trên thực tế, khách hàng tìm đến công ty cô không ít. Tuy nhiên, cô nói: "Với nhiều doanh nghiệp, có khách là tốt rồi, là phải tìm mọi cách để đáp ứng hết mình mọi yêu cầu của khách. Nhưng tôn chỉ của công ty tôi có phần khác biệt. Nếu sau khi tìm hiểu, nhận thấy khách hàng chưa phù hợp hoặc bản thân dịch vụ của công ty chưa đủ để đem lại lợi ích cho khách hàng, chúng tôi sẽ chủ động từ chối".
Chủ động đề ra chiến lược lựa chọn phân khúc khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ đào tạo trở thành DN lớn, Nguyễn Thùy Liên muốn chứng tỏ thực lực của công ty mình trên thị trường đào tạo nhân sự, phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam.
Nhiều buổi nói chuyện của Thùy Liên được các bạn trẻ đón nhận vì phong cách trò chuyện lôi cuốn, chuyển tải nhiều nội dung thiết thực. Ảnh: NVCC. |
Hiện ngoài 2 mảng tham vấn thương hiệu và đào tạo ý thức trách nhiệm cho nhân viên, mảng thứ 3 được Nguyễn Thùy Liên triển khai là ứng dụng thiền để nâng cao năng lực lãnh đạo. Đây là hướng đi mới lạ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Theo Liên, loại thiền được ứng dụng là thiền chủ động và thiền tổ sư. Tác giả của chương trình ứng dụng 2 loại thiền này vào trong kinh doanh là người Việt Nam và theo tìm hiểu của cô, chưa được khai thác kinh doanh trên thế giới. Do đây là bộ môn có khá nhiều yêu cầu về phía học viên, nên để đảm bảo được cam kết về hiệu quả, đơn vị đào tạo tuyển lựa học viên khá kỹ. Sau 3 năm, hiện khóa học lựa chọn được 20 học viên tham gia.
"Tại sao chúng ta không nghĩ khác đi, làm mới hơn để định hình thương hiệu Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới? Thực tế khi tôi áp dụng các dự án mới, nhiều người nói tôi ảo tưởng, thậm chí điên rồ. Nhưng tôi vẫn làm và tôi đang chứng minh cho họ thấy khả năng của mình và đồng đội. Thay vì xu hướng sính ngoại, tôi muốn quay về khai thác thế mạnh nội tại, để quốc tế nhìn vào học hỏi Việt Nam, mang chuẩn của Việt Nam đi xa".
Thực tế, Liên cho biết, nhiều doanh nghiệp "đủ cỡ" sau khi thuê các công ty headhunt ngoại săn được nhân tài về đã viện tới công ty cô thẩm định lại chất lượng nhân sự trước khi đưa vào sử dụng. Theo Liên, nghĩ mới, làm khác là cách để doanh nhân Việt khẳng định vị thế của mình trên thương trường trong nước và quốc tế.