Sau những cái tên lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Him Lam, nay đến Vingroup cũng nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp, từ trồng rau, nuôi bò đến sản xuất thức ăn gia súc.
Làm nông giàu hơn bán đất?
Có phải làm nông nghiệp lãi hơn cả kinh doanh bất động sản thời thịnh vượng như ông Đoàn Nguyên Đức nói mà các "đại gia" đổ tiền nuôi bò, trồng mía?
Trung tuần tháng 4, đại gia bất động sản thương mại lớn nhất Việt Nam là Vingroup đã bất ngờ công bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp bằng việc ra mắt thương hiệu VinEco.
Theo đó, VinEco có vốn điều lệ lên đến 2.000 tỷ đồng, sẽ triển khai các hoạt động nông nghiệp tại nhiều địa phương, bước đầu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, áp dụng công nghệ cao để cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Chia sẻ từ đại diện của Vingroup cho thấy, VinEco sẽ quy hoạch các vùng sản suất theo mô hình tập trung và khép kín. Các khâu từ nghiên cứu, giống, sản xuất, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đến chế biến, vận chuyển... sẽ được thực hiện theo quy trình khoa học của các nước có nền nông nghiệp nổi tiếng thế giới như Israel, Hà Lan, Nhật Bản...
Tuy mới công bố nhưng VinEco cũng đã lên kế hoạch chinh phục thị trường khá bài bản, dựa vào hệ thống phân phối Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đang được Vingroup "phủ sóng" ở nhiều tỉnh - thành. Với hệ thống phân phối sẵn có, VinEco sẽ khép kín chu trình từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đến bán lẻ giúp tối ưu giá thành cũng như đảm bảo chất lượng cho sản phẩm.
Nhưng không dừng lại ở việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch, an toàn vì sức khỏe của người tiêu dùng trong nước, lãnh đạo Vingroup đang hướng đến việc đưa một số sản phẩm nông sản thế mạnh Việt Nam ra thế giới.
Đại diện Vingroup cho biết: "Với sứ mệnh thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người Việt Nam, Vingroup tin tưởng sự xuất hiện của VinEco sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các DN, nông dân và toàn xã hội cùng hướng đến một nền nông nghiệp sạch, vì sức khỏe người dân và tương lai cho thế hệ mai sau".
Không chỉ Vingroup hướng đến mục tiêu này mà trước đó, một "ông lớn" trong lĩnh vực thép, bất động sản là Hòa Phát cũng đã công bố đầu tư vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trước mắt, tập đoàn này chi 300 tỷ đồng để thành lập công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, công suất 300.000 tấn/năm, hướng đến doanh thu 3.000 tỷ đồng trong năm 2018.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, cho biết, việc đổ vốn vào nông nghiệp không phải chạy theo "mốt" mà xuất phát từ yêu cầu của Hòa Phát là tổ chức sản xuất và phân phối những sản phẩm với số lượng lớn cho thị trường. Ông chủ tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2020, sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ trở thành ngành mũi nhọn của Tập đoàn với sản lượng 1 triệu tấn.
Nhưng nhanh chân nhất vẫn là Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngay từ năm 2008, trước tình hình biến động của ngành bất động sản, ông Đoàn Nguyên Đức đã quyết định đầu tư vào nông nghiệp. Để có quỹ đất lớn cho dự án, ông Đức đã sang Lào, Campuchia hợp tác trồng cao su, mía, cọ dầu và bắp.
Đến nay, sau hơn 7 năm triển khai, HAGL đã có đến 44.500ha cao su, 8.000ha mía đường, 17.300ha cọ dầu và 5.000ha bắp. Tận dụng các cây trồng làm thức ăn gia súc, năm 2014, HAGL tiếp tục đầu tư 16.000 tỷ đồng cho dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt.
Công bố tại đại hội cổ đông mới đây, HAGL cho biết, theo kế hoạch kinh doanh năm 2015, doanh thu thuần sẽ tăng 75% so với năm 2014, lên trên 5.340 tỷ đồng, trong đó, doanh thu từ nuôi bò thịt sẽ chiếm gần một nửa (46%), tương ứng 2.475 tỷ đồng.
Năm 2015, HAGL tiếp tục tập trung đầu tư vào mảng nông nghiệp, trong đó trọng tâm vào nuôi bò thịt, bò sữa, thậm chí bán nhiều dự án trong nước để huy động vốn.
Theo ông Đức, vòng quay của việc nuôi bò ngắn, chỉ khoảng nửa năm, đồng thời đây là ngành rất có tiềm năng trong tương lai, với đàn bò hiện có, mỗi ngày HAGL đã thu về 1 tỷ đồng tiền...phân bò.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, nhu cầu thịt bò cả nước là 3.000 - 4.000 con/ngày. Tại TP.HCM, mỗi ngày có 600 con bò được giết mổ và riêng Vissan là 50 con. Lượng bò trong nước không đủ cung cấp nên mỗi năm, các DN phải nhập khoảng 1 triệu con bò, chủ yếu là từ Thái Lan, Lào...
Theo bảng phân tích tài chính của một dự án chăn nuôi bò công nghiệp, hình thức nuôi bò vỗ béo có thể mang đến lợi nhuận 47%/năm. Chính vì tiềm năng nên nhiều nhà đầu tư, nhất là các DN có vốn nhàn rỗi đua nhau đầu tư nuôi bò.
Bên cạnh các DN trong nước đang thực hiện dự án nuôi bò và gia cầm như Đức Long Gia Lai, Daso, Phát Đạt, HAGL... mới đây, giới chăn nuôi TP.HCM râm ran thông tin một "đại gia" đã thuê đất diện tích lớn tại xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) để xây dựng chuồng trại nuôi đến cả nghìn con bò nhập từ Úc.
Nhiều công ty nước ngoài cũng đang có kế hoạch mở rộng mảng chăn nuôi tại Việt Nam. Chẳng hạn Công ty Austrex (Úc) có kế hoạch đầu tư 200 triệu USD xây dựng trang trại nuôi bò thịt Úc tại Quảng Ninh, dự kiến, quy mô chồng trại khoảng 15.000 - 20.000 con bò thịt.
Trong khi đó, các DN sản xuất sữa cũng đầu tư mạnh vào lĩnh vực này. Cụ thể, Vinamilk đã xây dựng 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hoá, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng.
Trong kế hoạch năm 2014 - 2015, Vinamilk thêm 4 trang trại quy mô lớn tại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Vinamilk đang tiếp tục nhập bò giống cao cấp từ các nước Úc, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới.
Hiện tổng đàn bò cung cấp sữa của công ty này (bao gồm việc liên kết với bà con nông dân) là hơn 80.000 con, mỗi ngày cung cấp gần 600 tấn sữa tươi nguyên liệu. Không dừng lại ở đó, Vinamilk có kế hoạch nâng tổng đàn bò lên 100.000 con vào năm 2017 và 120.000 - 140.000 con vào năm 2020.
Tương tự, TH True Milk cũng đã triển khai dự án nuôi bò sữa từ năm 2009 trên diện tích 37.000 ha với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hiện đã có 45.000 con bò cho sữa với năng suất bình quân 40 lít/con/ngày. Dự kiến, đến năm 2017, trang trại của TH True Milk sẽ tăng lên 137.000 con bò sữa, cung cấp ra thị trường 500 triệu lít sữa/năm.
Thời thế của nông nghiệp
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra những cơ hội mới cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại Việt Nam.
Trong xu thế hiện nay, nếu đầu tư vào nông nghiệp bài bản thì độ bền vững rất cao. Bởi vì, Việt Nam có khí hậu ôn hòa, nhiệt độ phù hợp và đặc biệt là có lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động với giá cả phù hợp, có thể tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao.
Và trên thực tế, các DN đầu tư vào NNCNC một cách bài bản đã bắt đầu gặt hái thành công. Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, đến nay, HAGL đã đầu tư 18.000 tỷ đồng vào nông nghiệp và đã thành công bước đầu.
Năm 2014, doanh thu bán mủ cao su và đường đạt gần 1.270 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước và chiếm hơn 40% tổng doanh thu. Riêng về chăn nuôi bò, trong dịp Tết vừa qua, sản phẩm từ bò thịt của HAGL đã đưa ra thị trường và 2.000 con bò thịt do HAGL chăn nuôi được tiêu thụ qua hệ thống phân phối của Vissan.
"Chăn nuôi bò lời hơn gấp nhiều lần so với đầu tư bất động sản, thủy điện, mía đường..." và đó là lý do vị Chủ tịch HAGL quyết định bán bớt cổ phần ngành bất động sản và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp.
Chia sẻ về thành công của dự án chăn nuôi bò, ông Đức khẳng định: "HAGL đã hoạt động trong nhiều lĩnh vực nhưng chưa có ngành nào có lợi nhuận như nuôi bò. Vì vậy, chúng tôi sẽ dồn lực để phát triển các dự án chăn nuôi cả bò sữa và bò thịt.
Năm 2015, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu hướng tới tăng trưởng GDP từ 3,0-3,3%, giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014 (trong đó, trồng trọt 2,5-2,8%, chăn nuôi 2,8-3,2%, lâm nghiệp 6,0-6,5%, thủy sản 6,0-6,5%). Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản đạt 32 tỷ USD. |
Trong khi đó, cũng nhờ áp dụng mô hình NNCNC, nhập khẩu công nghệ và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel mà TH True Milk đã thực hiện được dự án sản xuất sữa tươi sạch.
"Hiện chúng tôi đã có đàn bò sữa với 45.000 con cho năng suất bình quân 40 lít/ngày/con. Từ dự án này, chúng tôi cũng đồng thời nâng giá trị canh tác của mỗi ha đất lên gấp 10 - 20 lần", bà Thái Hương, Chủ tịch TH Group, cho biết.
Ở lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, Công ty San Hà sau khi chuyển sang đầu tư nuôi gà thảo mộc theo kỹ thuật tiên tiến, doanh thu liên tục tăng. Do giống gà thảo mộc ít có đơn vị nuôi được, thịt gà dai, ngọt nên khách hàng ưa chuộng mà số lượng gà bán tăng vọt.
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty San Hà, cho biết: "Thành công từ việc nuôi gà thảo mộc, chúng tôi đang xây nhà máy giết mổ đúng tiêu chuẩn HACCP để xuất khẩu, tiến tới không chỉ cung cấp gà đông lạnh mà cả gà thành phẩm như gà quay bằng lò điện ngay tại siêu thị để đáp ứng đa dạng nhu cầu thị trường".
Đánh giá về xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của các DN, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng, đây là điều đáng mừng, có thể kích thích sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Bởi, phải có những tập đoàn lớn, có tiềm lực vốn và kinh nghiệm thương trường dạn dày thì nông nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển theo hướng cơ giới hóa, chất lượng cao và được kiểm soát từ đầu đến cuối. Và như vậy, sản phẩm nông nghiệp trong nước mới có thể cạnh tranh được với bên ngoài, nhất là thời hội nhập sâu đang đến gần.
"Tôi rất kỳ vọng vào sự tham gia của những DN như HAGL, Hòa Phát, Vingroup... bởi sự tham gia của họ có thể kích thích sự phát triển, cạnh tranh của những DN đã đầu tư vào nông nghiệp từ trước và tạo cảm hứng, mở đường cho các DN mới đầu tư vào lĩnh vực này", bà Phạm Chi Lan nói.
Cùng nhận định này, ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng, DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp là dấu hiệu rất đáng mừng cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Bởi "những DN đầu tư vào lĩnh vực này đều có cái nhìn dài hạn hướng đến việc đón cơ hội từ TPP.
Với TPP, Việt Nam có những lợi thế sẵn có về các mặt hàng nông sản cơ bản mà hầu hết người tiêu dùng trên thế giới phải sử dụng. Và khi thuế bằng 0, cơ hội nông sản xuất khẩu sang các nước sẽ rất phát triển", ông Bích nói.
Nhìn lại những dự án dở dang
Mặc dù nhiều cơ hội mở ra cùng những thành công đã đến nhưng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) không dễ và đã có những dự án dở dang.
Cơ hội từ NNCNC có nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Một trong những khó khăn của DN là thiếu quỹ đất sạch để sản xuất trên quy mô lớn. Theo thống kê, cả nước có 9 triệu ha đất sản xuất, 1 triệu ha mặt nước thủy sản và 8 triệu ha đất rừng kinh tế.
Tuy nhiên, số đất trên lại nằm rải rác và thuộc quyền sở hữu của 15 triệu hộ nông dân nên rất khó để "quy về một mối". "Bởi vì, công nghệ thì có thể bỏ vốn đầu tư nhưng với quỹ đất thì rất khó gom", một nhà đầu tư chăn nuôi công nghệ cao cho biết.
Cũng vì không tìm được quỹ đất cho dự án đầu tư NNCNC mà HAGL phải qua tận Lào để trồng cao su, mía đường, dầu cọ... Lãnh đạo HAGL từng chia sẻ, ở Việt Nam gom được 10 - 20ha đất là rất khó khăn nhưng ở Attapeu (Lào) HAGL đã thuê được hàng chục ngàn ha đất để trồng mía, cọ dầu, bắp... Nhờ triển khai trên quy mô lớn nên việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất rất thuận lợi.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Văn Đức Mười cho rằng, không đơn giản để đầu tư chăn nuôi bò, gia cầm theo mô hình công nghệ cao. Lý do ông Văn Đức Mười đưa ra là trong chăn nuôi, Việt Nam đang phải nhập gần như hầu hết các công đoạn, từ giống cỏ cao sản mulato của Úc, thuốc thú y, các chất dinh dưỡng, các loại thức ăn như bắp, đậu tương, con giống... cho đến thiết bị chuồng trại, kỹ thuật nuôi, công nghệ của Thuỵ Điển, Đức, Israel hoặc Mỹ.
Tổng vốn đầu tư phần "cứng" cho một con bò sữa nuôi theo mô hình công nghệ hiện đại tính ra rất cao. Đó cũng là lý do tại sao trang trại Delta (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM), thuộc Tập đoàn Daso từng thực hiện dự án nuôi bò sữa nhưng thất bại phải chuyển sang bò thịt. Mới đây, DN này đã nhập về gần 1.800 con bò Úc để nuôi lấy thịt.
Cũng theo ông Văn Đức Mười, ở các quốc gia có ngành chăn nuôi phát triển, bò được thả trên đồng cỏ, có hàng rào bảo vệ và chi phí dịch vụ thú y rất lớn. Trong khi đó, các tiêu chuẩn này ở Việt Nam chưa được đáp ứng cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng chưa phù hợp nên việc áp dụng chăn nuôi bò công nghệ mới rất khó đạt hiệu quả cao về số lượng cũng như chất lượng.
Cùng quan điểm này, ông Phạm Thanh Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình cũng cho rằng, trong lĩnh vực nuôi bò thịt và bò sữa, đòi hỏi rất nhiều yếu tố và chi phí khiến nhiều nhà đầu tư không dễ có được lợi nhuận cũng như sản lượng như mong muốn.
Theo các chuyên gia, hai yếu tố quan trọng nhất để phát triển đàn bò là đồng cỏ và con giống. Thế nhưng, cả hai yếu tố này đều là thế yếu của Việt Nam. Diện tích đất càng lớn, lượng cỏ trồng càng nhiều thì càng tiết giảm giá thành. Trong khi đó, đồng cỏ ở nước ta rất ít, quỹ đất lại thiếu nên khó phát triển đàn bò.
"Diện tích đất canh tác của nước ta rất manh mún. Hơn nữa, từ trước đến nay trong quy hoạch phát triển chăn nuôi chúng ta không dành quỹ đất cho chăn nuôi gia súc nên tình trạng nuôi bò chủ yếu ở quy mô gia đình", ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết.
Tính toán của giới chăn nuôi cho thấy, để nuôi một con bò đến tuổi giết mổ phải mất 3 năm và nhiều triệu đồng chi phí. Như vậy, kinh phí đầu tư chăn nuôi bò rất lớn và một khi nguồn vốn bị ứ đọng thì cơ hội phát triển của DN sẽ rất ít.
Đó cũng chính là nguyên nhân khiến một DN lớn trong ngành sữa ở Việt Nam dù đã đầu tư hàng trăm triệu USD nhập bò giống, thiết bị chuồng trại, áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại bậc nhất thế giới nhưng do các chi phí đầu tư phần "cứng" quá lớn, lợi nhuận thu được từ tiền bán sữa không đủ khấu hao nên 5 năm liền phải gánh lỗ.
Trên thực tế, ngay cả khi có đủ lợi thế về công nghệ, đất đai, trang trại, đồng cỏ, và đặc biệt là áp dụng công nghệ cao nhưng như vậy cũng chưa hẵn đã thuận lợi. Đại diện HAGL cho biết, trong thời gian đầu, dù đã áp dụng đúng công nghệ nuôi bò theo tiêu chuẩn của các trang trại ở Úc nhưng sự thay đổi khí hậu đã khiến dự án chăn nuôi bò Úc của HAGL gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, để có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu nuôi bò công nghệ cao với số lượng vài chục ngàn con, HAGL đã phải liên tục đầu tư và tổ chức đào tạo khiến chi phí đội lên so với dự kiến. Khó khăn hơn HAGL, Công ty Vissan đã phải ngừng dự án nuôi gà thảo mộc theo kỹ thuật tiên tiến dù rất tâm đắc với mô hình này.
Và thay vì đầu tư vào gà thảo mộc, Vissan tăng cường nguồn cung heo thịt theo quy trình khép kín của chuỗi thực phẩm "từ trang trại đến bàn ăn".
Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để đầu tư NNCNC thành công, các DN cần phải hiểu đúng về vấn đề này. "Công nghệ cao không phải là công nghệ tiên tiến nhất, đắt tiền nhất hay nổi tiếng nhất mà là công nghệ mang lại năng suất tốt nhất, chất lượng cao nhất với giá rẻ nhất dưới bất cứ hình thức nào.
Và khi đã đầu tư công nghệ cao cho nông nghiệp thì không được tách rời từng khâu, đầu tư từng khâu mà phải đồng bộ cả quá trình: giống - chăn nuôi (gieo trồng) - thu hoạch - sau thu hoạch - bao bì - vận chuyển - thị trường", TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Trung tâm Giống rau hoa (SSC) tư vấn.