Những vĩ nhân đứng lên sau thất bại thế nào?

Trước khi tạo dựng cho mình một sự nghiệp vĩ đại, Steve Jobs, Walt Disney hay Mark Twain đều đã từng phải nếm trải những thất bại cay đắng.

1. Steve Jobs

Steve Jobs đồng sáng lập ra Apple ở tuổi 21 và kiếm được hàng triệu USD khi mới ở tuổi 23. Steve Jobs đã chiêu mộ John Sculley về làm CEO cho Apple và ba năm sau, Sculley đã sa thải ông.

"Lúc đó, tôi đã không nhìn ra sự việc nhưng hóa ra bị sa thải khỏi Apple là điều tốt nhất có thể xảy ra với tôi", Jobs chia sẻ trong năm 2005. Ông bắt đầu công ty thứ hai của mình, NeXT, mà cuối cùng được mua lại bởi Apple và Jobs quay trở lại Apple giữ cương vị CEO.

2. Ulysses S. Grant

Grant là tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông lại có một cuộc sống đầy thăng trầm. Ông rời quân ngũ sau khi bị cáo buộc uống rượu khi đang làm nhiệm vụ. Sau đó, ông phải vật lộn trong bảy năm, hầu như không có khả năng hỗ trợ gia đình của mình.

Khi chiến tranh nổ ra, Grant trở lại quân đội, đầu tiên với vai trò là một tình nguyện viên, sau đó là một đại tá và cuối cùng là đứng đầu nước Mỹ.

3. Mark Twain

Là một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Mỹ, Mark Twain đưa ra một quyết định kinh doanh không đúng đắn và thua lỗ. Ông bị phá sản vào năm 1894 - 20 năm sau khi ông trở thành nhà văn vô cùng nổi tiếng khi cho xuất bản cuốn sách Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer.

Cuối cùng, ông cũng có đủ tiền để khôi phục lại tài sản và trả tất cả số nợ của mình. Đáng buồn thay, Twain sau đó lại lâm vào bi kịch và rơi vào trạng thái trầm cảm sau cái chết của người vợ và hai con gái của mình.

4. Martha Stewart

Martha Stewart là người sáng lập công ty mang chính tên mình và là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Mỹ. Năm 2003, Martha Stewart bị cáo buộc tội lạm dụng thông tin bí mật nội bộ để bán tháo cổ phiếu chứng khoán Công ty Nghiên cứu dược phẩm Imclone trước khi cổ phiếu này mất giá.

Nhưng Stewart đã phát động chiến dịch trở lại ngay lập tức sau khi ra tù. Công ty của bà đã thu lại lợi nhuận trong vòng một năm và bà quay trở lại vị trí ban giám đốc vào năm 2011.

5. Dorothy Hamill

Hamill đã giành HCV với bộ môn trượt băng nghệ thuật tại Thế vận hội mùa đông năm 1976 và kiếm được khoản thu nhập 1 triệu USD trong vòng một năm. Tuy nhiên, "sau nhiều năm chi tiêu quá mức cho đồ trang sức đắt tiền và một loạt các khoản đầu tư xấu, bao gồm cả việc mua nhượng quyền thương mại Ice Capades", theo Kiplinger, bà đã phải đệ đơn xin phá sản vào năm 1996.

Sau đó, bà đã làm việc chăm chỉ trở lại. Hamill tiếp tục trượt băng, lên sóng truyền hình và bán một cuốn hồi ký. Một vài năm sau đó, bà xuất hiện trong bộ phim "Blades of Glory" vào năm 2007 với Will Farrell.

6. James Altucher

Altucher thành lập một công ty thiết kế web với tên gọi Reset, Inc vào năm 1996 và bán nó hai năm sau đó với giá 10 triệu USD. Sau đó, ông đã mất tất cả trong một loạt các khoản đầu tư vào năm 2000.

Đã từng có ý định tự tử, Altucher cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng cuối cùng ông nhận ra rằng ông không thể "phán xét giá trị bản thân bằng giá trị tài sản của ông". Ông đã lấy lại được tài sản của mình khi là một nhà quản lý quỹ đầu tư, và bây giờ là một blogger vô cùng nổi tiếng.

7. Walt Disney

Công ty đầu tiên của ông là một xưởng phim hoạt hình ở thành phố Kansas. Chẳng bao lâu sau công ty gặp khó khăn, Disney quyết định rời Kansas đến Hollywood lập nghiệp chỉ với tinh thần hăng hái của tuổi trẻ, bộ đồ vẽ và những ý tưởng hoạt hình trong đầu.

Thế rồi dùng một gara để xe của bác Robert cùng với người anh trai là Ron, Walt Disney thành lập xưởng phim "Disney Brothers Studios" với việc vay Ron 200 USD, người chú 500 USD và nhờ bố mẹ thế chấp ngôi nhà để có 2.500 USD. Sau một thời gian dài, Disney thuê được trụ sở ở Hollywood và bán được loạt phim hoạt hình đầu tiên dựa trên nhân vật cổ tích là Alice, loạt phim Alice Comedies.

8. George Foreman

Foreman, một trong những võ sĩ quyền anh vĩ đại nhất trong lịch sử, đã giành một huy chương vàng Olympic và hai lần đoạt danh hiệu World Heavyweight Champion.

Trong những năm sau đó, Foreman đã gần đến bờ vực phá sản sau khi phung phí 5 triệu USD. Ông hồi phục một phần bằng cách đứng tên cho thương hiệu lò nướng George Foreman Grill, ước tính mang về cho ông khoảng 200 triệu USD.

9. Willie Nelson

Là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong lịch sử âm nhạc nước Mỹ, Nelson đã có tới 68 album studio, 30 trong số đó đã được chứng nhận đĩa vàng và bạch kim. Tuy nhiên, ông đã gặp các vấn đề về thuế và tại điểm đen tối nhất của những rắc rối, ông còn nợ 32 triệu USD sau khi có tin rằng kế toán của ông đã không đóng đúng thuế trong nhiều năm.

Ông đã làm việc vô cùng chăm chỉ, thu âm một album, làm quảng cáo và cuối cùng đã trả hết nợ của mình. Thành thật mà nói, ông có lẽ không thể trở nên nổi tiếng như bây giờ nếu không có những rắc rối trước kia.

10. Cyndi Lauper

Cyndi Lauper là nữ ca sĩ vô cùng nổi tiếng với các ca khúc của thập niên 80 như Just Wanna Have Fun, Time After Time hay True Colors. Tuy nhiên, bạn có thể không biết rằng trước tất cả điều đó, bà là thành viên của một ban nhạc được gọi là Blue Angel đã gặp rất nhiều vấn đề về tài chính đến nỗi Lauper đã phải nộp đơn xin phá sản.

Sau đó, bà quay trở lại thu âm bài hát, đứng đầu các bảng xếp hạng và trở thành một biểu tượng âm nhạc.