Những nông dân vàng miền Tây: Chuyện về 'cha đẻ' bưởi hồ lô

Giá trị một quả bưởi bình thường đã tăng gấp chục lần từ ý tưởng nặn thành hình hồ lô bán trong dịp Tết của nông dân Võ Trung Thành ở Hậu Giang.

Bưởi hồ lô đã được người dân Hậu Giang tạo ra từ năm 2008, nhưng mãi cho đến cuối 2010 mới có thể thành công và bán ra thị trường. Người đầu tiên tạo ra trái bưởi độc đáo này là nông dân Võ Trung Thành, ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang).

Ông Thành cho biết: "Hồi trước tui là giáo viên tiểu học, không đủ sống nên về quê trồng bưởi Năm Roi. Một bữa nằm võng coi tivi, thấy chiếu phim Tây Du Ký, các nhân vật đeo trái hồ lô, trên nhỏ dưới to, tự dưng nảy ra ý ép bưởi Năm Roi thành hình dáng hồ lô. Sau đó mấy hôm, vô tình thấy một trái bưởi bị kẹt giữa hai nhánh cây, đoạn giữa trái bị ép nhỏ nhưng hai đầu phình to. Tôi hái trái bưởi này, xẻ ra thì thấy ruột bưởi vẫn bình thường. Từ đó tôi càng nung nấu ý định làm bưởi hồ lô. Đầu tiên tôi dùng ống hút bằng nhựa buộc ngang 1/3 thân trái bưởi, hy vọng khi lớn nó sẽ có ngấn thành hình hồ lô, nhưng thất bại. Tôi dùng dây kẽm cũng không thành công".

Ông Võ Trung Thành bên sản phẩm bưởi hồ lô. Ảnh Ngọc Trinh.

Ông Võ Trung Thành bên sản phẩm bưởi hồ lô. Ảnh Ngọc Trinh.

Hơn 3 năm trời, ông suy tư bên những cây bưởi trong vườn, rồi tự mày mò, sáng tạo ra những cái khuôn ép trái bưởi ra dáng hồ lô mong bán vào dịp Tết. Ông đã dùng hàng chục loại vật liệu, cuối cùng mới có vài trái hình hồ lô ưng ý, tỉ lệ thành công chỉ 15-20%.

Tết năm 2009, ông đem 148 trái bưởi hồ lô đầu tiên ra chào hàng. Tưởng bán cho vui thôi, ai ngờ khách mua nườm nượp, dù giá 2-3 triệu đồng/cặp. Ông nhận được rất nhiều lời khen ngợi lẫn trầm trồ, thán phục.

Thấy khách chuộng nên ông tiếp tục mày mò, hoàn thiện trái bưởi hồ lô. Ông đúc hẳn khuôn nhựa để ép trái bưởi. Đến năm 2011, tỉ lệ thành công đạt 80%. Từ khi sử dụng khuôn nhựa, ông còn tạo ra những trái bưởi hồ lô có chữ tài, lộc, hình rồng, hình phụng nổi trên vỏ trái bưởi rất đặc sắc.

Tháng 4/2012, bằng độc quyền về nhãn hiệu bưởi hồ lô của ông Võ Trung Thành được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Ngoài ra ông Thành còn thành lập câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A với 26 hội viên, để sản xuất bưởi hồ lô, hiện đã đổi thành câu lạc bộ tạo hình bưởi Phú Trí A.

Lần đầu tiên câu lạc bộ Phú Trí A, đứng ra liên kết với nông dân để sản xuất 1.000 -3.000 trái cung cho thị trường Tết Ất Mùi này. Ảnh Ngọc Trinh.

Khoảng 3.000 trái bưởi hình bàn tay Phật có mặt lần đầu tiên dịp Tết Ất Mùi cũng do những nông dân thuộc câu lạc bộ bưởi hồ lô Phú Trí A do ông Thành đứng đầu, sản xuất ra. Ảnh Ngọc Trinh.

Trong suốt 5 năm qua, kể từ khi tạo dáng thành công trái bưởi hồ lô (Tết năm 2009), ông Thành bỗng "phất" lên như một thương lái lớn chuyên kinh doanh trái cây tạo hình trong vùng. Bà con ở xứ vườn Phú Hữu luôn thấy ông bận rộn vừa sản xuất vừa học hỏi, vừa đi khắp nơi để tìm đối tác.

Với tinh thần phấn đấu, đầy sức sáng tạo, ông Thành đã thành công trong việc nâng giá trị trái bưởi miền Tây lên gấp hàng chục lần nhờ nắn thành công trái bưởi hình hồ lô bán ra thị trường Tết, mang lại thu nhập ổn định cho chính mình và hàng chục hộ dân trồng bưởi trong vùng.Và
dịp Tết Ất Mùi năm nay, câu lạc bộ tạo hình bưởi Phú Trí A kết hợp với một doanh nghiệp tại Hà Nội đã sản xuất thành công một sản phẩm mới rất độc đáo, đó là bưởi bàn tay Phật, còn gọi là (bưởi lễ Cát Tường). Dự kiến sẽ có trên 3.000 trái bưởi có hình ban tay Phật làm quà biếu vào dịp Tết.

Không nói nhiều về câu chuyện thành công đã qua, ông Thành đau đáu chuyện hiện tại. Đó là thời tiết năm nay quá thất thường đã gây khó cho các nhà vườn làm bưởi hồ lô. Sản lượng bưởi năm nay giảm tới 50-60% so với năm trước, nên nông dân làm bưởi hồ lô ở Hậu Giang Tết này chỉ có khoảng 3.000 trái được bán ra thị trường. Tính đến thời điểm này, toàn bộ số bưởi đã được khách hàng ký hợp đồng đặt mua. Với bưởi loại nhất dự kiến giá 700.000 - 1 triệu đồng/trái; loại nhì 500.000 đồng/trái và loại ba 300.000 -350.000 đồng/trái.

Theo ông Thành, quy trình sản xuất bưởi hồ lô khắc chữ nổi này cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó quan trọng nhất là không chứa chất kích thích, chất bảo quản.

Ông Thành cũng từng đưa ra ý tưởng nặn hình dưa hấu hồ lô để phục vụ thị trường tết, nhưng tỷ lệ thành công không cao. Ảnh Ngọc Trinh.

Ông Thành cũng từng đưa ra ý tưởng nặn hình dưa hấu hồ lô để phục vụ thị trường Tết, nhưng tỷ lệ thành công không cao. Ảnh Ngọc Trinh.

Kể về chuyện nắn sản phẩm mới là bưởi hình bàn tay Phật, ông Thành cho biết, thực tế từ tháng 9/2011, câu lạc bộ của ông đã được công ty cung cấp khuôn và âm thầm nghiên cứu, tạo dáng bàn tay Phật trên bưởi, nhưng 3 năm liền đều thất bại. Mãi đến năm 2014, sản phẩm này mới thành công, với lô hàng đầu tiên trên 30 trái đã ra mắt thị trường tại Hà Nội vào giữa tháng tháng 11/2014 vừa qua.

"Muốn làm bưởi bàn tay Phật trước hết nhà vườn phải nắm bắt được các yếu tố về kỹ thuật chăm sóc bưởi cho đến tạo hình trên bề mặt của quả. Nếu làm bưởi bán ngay vào dịp Tết, thì từ tháng 8, khi quả bưởi non mới bằng cùm tay là chọn ngay những trái bưởi khỏe, mau lớn, da bóng cho vào khuôn. Khi bưởi vào khuôn phải có giấy che đậy kín cuống, không cho nước mưa và hạn chế ánh sáng chiếu trực tiếp vào quả bưởi. Làm bưởi hình bàn tay Phật nếu chỉ để chưng thì chỉ mất khoảng 2 đến 2,5 tháng, nhưng trái muốn ăn được phải mất từ 5-6 tháng", ông Thành cho biết.

Còn theo nhiều nhà vườn, làm đạt sản phẩm bưởi bàn tay Phật rất khó, vì để có sản phẩm đẹp và bắt mắt thì lượng trái non trong vườn chỉ chọn được khoảng 30%, chưa tính sản phẩm không thành công trong quá trình tạo hình.

Ông Thành còn tiết lộ rất nhiều dự tính cho những năm tới, như tìm cách tạo hình trái bưởi có hình dạng phong phú hơn... Nếu thành công thì sẽ mở rộng thị trường từ nội địa ra xuất khẩu nước ngoài.