Tuy chiến lược này có giá trị nhất định, song phương thức thông minh hơn để giúp bạn giàu có là nuôi dưỡng những thói quen chi tiêu cẩn trọng, cho phép bạn tối đa hóa khoản tiền tiết kiệm mà không ảnh hưởng xấu đến phong cách của bạn.
Dưới đây là 4 thói quen chi tiêu thông minh có thể giúp bạn tiết kiệm được triệu đô đầu tiên.
1. Phân loại các khoản chi và theo dõi việc chi tiêu
Một cách dễ dàng để kiềm chế thói quen chi tiêu là chia nhỏ các khoản chi thành từng nhóm. Garrett Gunderson, Giám đốc điều hành WealthFactory.com, gợi ý danh mục gồm 4 khoản chi: tiêu cực, tích cực, phòng ngừa và lối sống.
Theo ông Gunderson, các khoản chi tiêu cực là “Các khoản phí thấu chi, sử dụng thẻ tín dụng để tiêu dùng, chi tiền cho các thói quen xấu, sản phẩm hoặc dịch vụ bạn không dùng đến hoặc không gia tăng giá trị cho cuộc sống của bạn”. Đây là những khoản thâm hụt tài chính không mại lại lợi ích gì cho bạn.
Chi tích cực là các khoản đem lại tiền bạc cho bạn, như tuyển dụng một nhân viên lý tưởng hoặc trở thành nhà đầu tư ngay từ đầu vào một công ty hoặc sản phẩm hữu ích. Đây cũng là các khoản chi giúp nâng cao sự sung túc của bạn như giáo dục, thực phẩm dinh dưỡng và các khóa luyện tập sức khỏe.
Các khoản chi phòng ngừa như y tế, bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm ôtô cũng gắn liền với việc bảo vệ bản thân và gia đình bạn.
Cuối cùng, các khoản chi liên quan tới lối sống bao gồm các những điều vui vẻ trong cuộc sống như kỳ nghỉ, công nghệ mới nhất và quần áo mới.
Bằng cách phân loại các khoản chi, bạn có thể dễ dàng tìm ra cách cắt giảm khoản chi tiêu cực, tăng khoản chi tích cực và phòng ngừa cũng như chi tiêu một cách dè dặt đối với các khoản liên quan đến lối sống. Nếu bạn có những lựa chọn đúng đắn trong việc thiết lập những giới hạn về mức chi tiêu, các khoản chi tích cực sẽ tự trả tiền cho chúng và thậm chí còn sinh lời. Hãy luôn theo dõi chặt chẽ việc chi tiêu của bạn và sớm thôi, thói quen tốt (và khoản tiền tiết kiệm) sẽ xuất đầu lộ diện.
Đừng để việc chi tiêu tác động đến tâm trạng của bạn
2. Tránh chi tiêu theo cảm tính
Mọi chúng ta đều có những ngày tâm trạng buồn chán và chúng ta tự cho rằng mình chắc chắn sẽ cảm thấy tốt hơn sau khi mua một đôi giày mới hoặc một vài thanh sô-cô-la ngon tuyệt.
Tuy nhiên, Kevin O’Leary, người dẫn chương trình truyền hình thực tế Shark Tank của kênh ABC và Tập đoàn tài chính O’Leary, lại khuyên “Đừng đi mua sắm để thay đổi tâm trạng. Việc này có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn trong ngắn hạn, nhưng tôi cam đoan rằng cảm giác thỏa mãn lâu dài khi khoản tiền tiết kiệm và tiền của bạn tăng lên còn mạnh mẽ hơn sự thỏa mãn tạm thời mà liệu pháp mua sắm mang lại”.
Thay vào đó, hãy cố gắng điều chỉnh cảm xúc bằng cách trò chuyện với bạn bè và gia đình, tập thể dục, xem phim tài liệu hoặc đọc sách báo. Hoặc giả, bạn thử một phương pháp đơn giản hơn, thử lên kế hoạch đi chơi hoặc chăm sóc bản thân sử dụng ngân sách dành cho lối sống. Ví dụ, lên kế hoạch đi mát-xa tại trung tâm spa hoặc tự thưởng cho mình một bữa ăn ngon một tháng/lần thay vì cứ phải đợi đến khi nào bạn cảm thấy căng thẳng.
Tạo dựng những chiến lược đối phó tốt sẽ giúp loại bỏ thói quen chi tiêu xấu và giúp bạn tiết kiệm một cách nhanh chóng.
Hãy chủ động tìm cách thanh toán nợ nần thay vì lo lắng và hoảng sợ
3. Lựa chọn và thanh toán các khoản nợ một cách có chiến lược
Các khoản vay có thể khiến bạn phát hoảng. Trước khi rơi vào trạng thái hoảng sợ và lo lắng về cách trả hết nợ nần, cả cá nhân và doanh nghiệp, hãy dành thời gian nghiên cứu các loại hình về các khoản vay khác nhau. Trang Entrepreneur đưa ra hướng dẫn từng bước giúp bạn định hướng quy trình cho vay và cân nhắc ưu và nhược của các lựa chọn khác nhau.
Nếu bạn đã vướng vào nợ nần, Diana Ransom phụ trách tạp chí Smart Money của tờ Wall Street Journal gợi ý bạn nên đặt ưu tiên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước tiên, rồi sau đó xem xét hợp nhất các khoản nợ còn lại thành một gói dài hạn. Thanh toán hết một khoản nợ lớn sẽ cho phép bạn tránh được việc lãng phí tiền bạc do phải gánh chịu chi phí phát sinh từ các khoản vay nhỏ.
Trong trường hợp xấu hơn, hãy gọi cho các chủ nợ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ các tổ chức giải cứu nợ. Tìm ra chiến lược đúng đắn để trả hết các khoản nợ cho phép bạn tiết kiệm hàng nghìn đôla tiền lãi và thậm chí cả chi phí pháp lý nữa. Bất kể là khoản vay cá nhân hay doanh nghiệp, hãy chủ động lập kế hoạch thoát khỏi chúng.
Hãy hiểu rõ và khôn ngoan trong các khoản đầu tư
4. Đầu tư khôn ngoan
Nhà hóa học Neil McCarthy đã kiếm được triệu đôla đầu tiên của ông chỉ bằng cách đầu tư vào thị trường chứng khoán hồi những năm 1990. Paul Glandorf, công nhân xây dựng kiêm thợ sửa chữa ống nước, đã đầu tư một cách nghiêm túc với tư cách một người đã nghỉ hưu và giờ đây đang ung dung hưởng cả đống tiền. Bài học ở đây là: Phải hiểu rõ cách thức hoạt động của thị trường chứng khoán.
Sau khi nghiên cứu và nắm rõ về thị trường chứng khoán, hãy bắt đầu tự mình theo dõi và thử một vài khoản đầu tư. Robinhood là một trình ứng dụng tuyệt vời cho phép bạn buôn bán cổ phiếu miễn phí và dễ dàng theo dõi các công ty bạn đang quan tâm nhưng chưa có tiền để đầu tư.
Khi bạn đã hiểu rõ cách giao dịch, chuyên gia bán hàng Grant Cardone khuyên bạn nên đa dạng hóa một cách cẩn trọng và dốc toàn lực cho mục tiêu đề ra.
“Bạn nên tìm ra một hoặc hai lĩnh vực mà bạn hiểu rõ, rồi đầu tư vào đó. Đó là cách mọi người làm giàu. Con người ta không thể giàu lên bằng cách đầu tư rón rén từng 100 đôla một vào tất cả các lĩnh vực”, ông Cardone nói.
Bằng cách chi tiêu khôn ngoan vào thị trường chứng khoán, bạn có gia tăng khoản đầu tư ban đầu một cách có chiến lược và vững bước trên con đường trở thành triệu phú.
Vũ Hà