Nhật Bản: Doanh nhân 16 tuổi bỏ học, nuôi giấc mơ tỷ phú

Yoichiro Mikami muốn trở thành một Masayoshi Son, người đàn ông giàu thứ hai Nhật Bản, vì thế anh đã bỏ học khi mới bước vào tuổi 16 trong năm nay.

Giờ đây, anh dành tất cả thời gian vào GNEX Ltd, một công ty gây quỹ cộng đồng được 6 nhà tài trợ "chống lưng", trong đó có Yahoo Japan của Masayoshi Son và hãng săn đầu người Recruit Holdings Co. Công ty của Mikami giúp gây quỹ cho các dự án sinh viên, bao gồm một ứng dụng cung cấp thông tin cho các kỳ thi tuyển sinh đại học và một mạng xã hội dành cho sinh viên chia sẻ thời gian biểu.

"Masayoshi Son tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành kinh doanh khác nhau," Mikami nói trong một cuộc phỏng vấn. "Các khoản đầu tư của ông đã mang lại cổ tức cho công ty cũng như nhân viên của ông và cho cả xã hội. Đó là loại doanh nghiệp tôi muốn làm".

Son là giám đốc điều hành của Tập đoàn SoftBank và là chủ tịch của Yahoo Japan, đã rời khỏi trường trung học ở Nhật vào năm 16 tuổi để tham dự một trường nói tiếng Anh ở California, trước khi xây dựng đế chế Internet của mình. Mikami cũng sẽ tìm hiểu về Nick D'Aloisio, một thiếu niên Luân Đôn, người năm ngoái trở thành triệu phú lúc mới 17 tuổi, khi Yahoo mua lại ứng dụng đọc tin tức điện thoại di động Summly của anh.

"Thanh niên ngày nay gần như không còn cần đến sự hướng dẫn của người lớn nữa", Mika Kumahira, một giảng viên bán thời gian tại Khoa Quản trị quốc tế thuộc trường Đại học Aoyama Gakuin tại Tokyo cho biết. "Chúng ta sẽ còn thấy nhiều doanh nhân tuổi teen xuất hiện".

Kể từ khi bắt đầu thành lập GNEX vào tháng 3/2013 trong phòng ngủ của mình, Mikami đã xây dựng công ty cho đến nay cùng với 13 bạn bè ở các trường đại học và trung học trên khắp Nhật Bản, giúp anh sục sạo tìm kiếm cơ hội. Các nhân viên đều có độ tuổi từ 15 đến 20, và họ liên lạc với nhau qua Skype, tìm kiếm các dự án nhỏ do sinh viên, học sinh khởi xướng và đang cần sự ủng hộ. Mikami đặt mục tiêu sẽ có 100 nhà tài trợ vào tháng 3/2015 và huy động được 20 triệu yên (khoảng 3,95 tỷ đồng) để mở rộng kinh doanh.

Theo trang web nghiên cứu Crowdsourcing LLC Massolution, năm 2013, các website gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) trên toàn thế giới đã thu hút được khoảng 5,1 tỷ USD, cao hơn so với 2,7 tỷ USD trong năm 2012. Những công ty gây quỹ cộng đồng này cho phép các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ thu hút ngân hàng hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ tài chính cho các dự án, đồng thời huy động vốn từ nhiều cá nhân.

Một trong những khoản đầu tư đầu tiên của Mikami là BridgeCamp, dự án cung cấp vốn, nhân viên và không gian văn phòng cho sinh viên.

"Các doanh nhân trẻ không có cách gì tìm ra những người có cùng mối quan tâm", Mikami cho biết. "Vì thế tôi quyết định thực hiện sự giúp đỡ phi tài chính thông qua trang web của chúng tôi."

Đối với các nhà tài trợ như Yahoo Japan và hãng tuyển dụng Recruit, GNEX cho phép họ tiếp cận với các tài năng trẻ ở giai đoạn đầu của các dự án.

"Chúng tôi muốn hỗ trợ các doanh nhân đến từ Nhật Bản, những người có thể cạnh tranh trên thế giới", Akihiko Okamoto, người đứng đầu Viện Công nghệ Tuyển dụng tại Tokyo cho biết. "Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định hỗ trợ BridgeCamp."

Kể từ khi rời trường học, Mikami thường bắt đầu buổi sáng bằng việc kiểm tra các khoản đầu tư chứng khoán và các công việc của riêng mình cho đến khi bạn bè hoàn thành buổi học vào buổi chiều. Lần đầu tiên Mikami mua cổ phiếu, của một nhà sản xuất các thiết bị năng lượng mặt trời Nhật Bản, là khi lên 8, sau khi đọc một cuốn sách về đầu tư trên kệ sách của cha mình.

Khi 13 tuổi, Mikami đã đưa ra ý tưởng kinh doanh kết hợp các khách sạn với du khách và sinh viên học tập ở nước ngoài tương tự như hãng Airbnb ở San Francisco. Anh đã giành được 5 triệu yên tài trợ của hãng Samurai Incubate, một công ty nhỏ chuyên về lồng ấp trứng có trụ sở tại Tokyo.

Chàng thiếu niên, một người rất thích đọc sách, cũng đã đầu tư khoảng 1.500 USD vào 6 quỹ đầu tư, trong đó có một quỹ chuyên về thiết bị điện tử đeo tay Ring, cho phép người dùng điều khiển cử chỉ trong không khí, thông qua trang web crowdfunding lớn nhất thế giới Kickstarter.

Cha của Mikami, làm việc tại một công ty tư vấn về website, và người mẹ nội trợ, rất ủng hộ Mikami, cho phép anh theo đuổi sự nghiệp của mình.

"Tôi đã rất phân vân khi lần đầu con trai trao đổi với tôi", Junichi Mikami, 44 tuổi, cho biết. "Đầu tiên tôi từ chối kế hoạch, nhưng Mikami liên tục và bằng cách nào đó xóa mọi nghi ngờ của tôi. Sẽ có thêm nhiều trẻ em như con trai của tôi, những người có thể đóng góp cho xã hội".

Chàng trai Mikami trẻ tuổi cho rằng, Nhật Bản cần nới lỏng quy định đối với doanh nhân trẻ. Hiện nay, trẻ em dưới 15 tuổi không thể đăng ký kinh doanh.

Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang thực hiện các biện pháp nhằm tạo môi trường thân thiện với doanh nghiệp, trong đó có sự thay đổi trong các quy tắc cho phép các quỹ đầu tư cộng đồng nâng cao vốn chủ sở hữu. "Tôi tôn trọng những người như D'Aloisio, và tôi hy vọng tôi có thể được như ông ấy để mang lại những thay đổi cần thiết ở Nhật Bản".

Theo bước chân của Son, Mikami cho biết anh có kế hoạch nộp đơn xin vào trường đại học trong năm tới, và sẽ học quản trị kinh doanh. Son đã tốt nghiệp bằng cử nhân, chuyên ngành kinh tế của trường Đại học California ở Berkeley.

"Thế giới không chỉ được tạo thành từ những người lính cứu hỏa, nhân viên cảnh sát, người trồng hoa và chủ các cửa hàng vật nuôi", Mikami nói. "Ước mơ của tôi là kiếm sống bằng cách trở thành một nhà đầu tư toàn thời gian. Bạn chỉ có một lần sống. Tôi không muốn nhìn lại cuộc sống của mình mà phải hối tiếc điều gì".