Nhặt bạc lẻ từ nghề làm cốm ở Hà Nội

Đất trồng không còn, một số hộ dân ở Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội vẫn trắng đêm giữ nghề làm cốm truyền thống, dù thu nhập được nhặt từ bạc lẻ sau cả đêm vất vả.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh, xóm 2 Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nội gắn bó với nghề làm cốm đã nhiều đời nay. Bà cho biết: "Làm cốm non cho thu nhập vài trăm nghìn đồng mỗi ngày nhưng đất cấy hái không còn, may chỉ giữ được cái nghề truyền thống nên mọi người phải bám vào nó mà sống".

Trung bình mỗi ngày, 4 nhân công trong gia đình bà Thanh sản xuất được 1 tạ thóc làm cốm. Hiện tại, thóc nếp giá 2 triệu đồng/tạ, sản xuất được 20 - 25kg cốm non, bán giá buôn 160.000 - 170.000 đồng/kg cũng thu được 3 - 4 triệu đồng/ngày. Theo bà Thanh, trước kia gia đình trồng được lúa nếp thì lợi nhuận sau khi trừ chi phí cũng lên đến tiền triệu mỗi ngày. Nhưng giờ đất không còn nhiều, phải đi mua thóc tận các tỉnh xa, giá đắt nên trừ chi phí nguyên liệu, điện, củi, xăng xe nên khoản lãi thu về cũng không đáng là bao.

Thường ngày, mẹ con bà Thanh phải dậy từ 2h sáng để giã cốm, còn anh Đỗ Đức Hiệp - con trai bà Thanh đi đến các cánh đồng ở Sóc Sơn, Mê Linh hay tới tận Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mua thóc nếp. 12h trưa, khi thóc về, mỗi người chia một việc. Người gây bếp, sàng lọc những hạt lép. Người rang, giã, làm sạch trấu. Công đoạn rang mất nhiều thời gian nhất (khoảng hơn 2 tiếng). Hạt thóc chín đều sẽ được đem vào máy xát trấu và giã.

Công việc làm cốm vất vả, người làm phải thức đêm song cho thu nhập không cao. Trung bình mỗi người 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Ảnh: Ngọc Lan.

Theo bà Thanh, làm cốm rất mất thời gian, thường chỉ thảnh thơi buổi sáng còn lại làm từ 12h trưa đến 20 - 21h tối, sau nghỉ và dậy làm từ 1 - 2h đêm đến 7h sáng mới được ngủ. Trong đó, mỗi mẻ cốm thường được giã 4 - 5 lần, chia thành 2 đợt lúc đầu giờ chiều và khoảng 1 - 2h sáng trước khi giao cho khách mua buôn.

Gần 50 năm làm nghề cốm nhưng bà Thanh vẫn trăn trở một điều khi cốm Mễ Trì vẫn phải mang danh nhờ cốm làng Vòng. "Gần đây nhiều tin đồn những hạt cốm xanh mượt là do người làm cốm dùng phẩm màu làm cho giá cốm xuống thấp. Làng cốm vốn đã khốn khó lại thêm phần bế tắc", bà Thanh than thở.

Gia đình anh Nguyễn Văn Khiêm (xóm 1, Mễ Trì Hạ) cũng là một trong những hộ còn duy trì làm cốm tại đây. Anh chia sẻ, nghề làm cốm tại Mễ Trì đã có được hơn 100 năm nay. Trước kia nghề chính của 2 vợ chồng là làm ruộng và làm thêm cốm tăng gia thu nhập. Đất rộng, thóc nhà tự cấy nên mùa vụ ổn định, việc gặt hái chủ động, làm cốm thu được cả vốn lẫn lời. Tuy nhiên, hiện giờ đất ruộng không còn, anh phải thu mua thóc tại các huyện, tỉnh xa. Kéo theo đó, chất lượng thóc không được đảm bảo chưa kể mức giá đắt đỏ, xăng xe đi lại tốn kém, phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên làm công lấy lãi.

Theo anh Khiêm, làm cốm mang danh nghề truyền thống nhưng vất vả vô cùng, lại cho thu nhập không cao mang tính thời vụ. Một năm thường có 2 vụ. Vụ mùa tính theo âm lịch từ tháng 3 đến rằm tháng 5 và vụ chiêm từ tháng 8 đến Rằm tháng 10. Mỗi mùa cốm về, cả gia đình lại tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm hàng. Thu nhập mỗi người chỉ được khoảng 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Lấy cánh tay gạt mồ hôi chảy ròng trên trán, anh Khiêm chia sẻ: "Nhìn hạt cốm xanh tươi, ăn vào ngon ngọt nhưng ít ai biết để làm được nó người làng Mễ Trì phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt".

Cốm bán trên thj trường có giá 160.000 - 200.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Lan.

Giá cốm khi bán lẻ được khoảng 200.000 đồng/kg, bán buôn chỉ 160.000 đồng/kg. Khi giao hàng cho khách, người bán thường được kèm với lá ráy và lá sen. Tuy nhiên, các loại lá này khá đắt đỏ cũng khiến chi phí tăng lên và lợi nhuận giảm đi. Mức phổ biến là 5.000 đồng/bó lá sen (5 - 7 chiếc), 20.000 đồng/bó lá ráy.

Theo chia sẻ của ông Đỗ Danh Lộ, trưởng thôn Mễ Trì Hạ, do cơ chế thị trường, làm cốm lại cho thu nhập không cao nên 90% hộ gia đình ở làng bỏ nghề. Hiện tại, lượng cốm sản xuất không đủ cung cấp cho người mua buôn. Tháng giáp trung thu, khách đặt hàng đông nên cốm vừa ra lò đã cháy hàng.

Gần đây, làm cốm ở Mễ Trì được cải tiến nhờ một phần máy móc như thiết bị đảo chạy bằng công tơ, máy xát vỏ trấu, chày giã chạy bằng điện. Tuy nhiên, những công đoạn thủ công vẫn chiếm phần đa khiến quy trình tốn nhiều thời gian và khá nặng nhọc, vất vả. Hộ dân làm cốm trong làng giảm mạnh, trong khi điện, xăng, thóc nếp ngày một đắt đỏ, nhưng giá cốm thành phẩm bán ra vẫn dậm chân tại chỗ.