Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) trước dự đoán, trong 10 năm tới, VN sẽ là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới.
2 nghề giàu ngầm nhanh nhất hiện nay
PV:- Vừa qua, Báo cáo của Knight Frank dự đoán trong 10 năm tới, VN là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 159%, từ 116 lên 300 người. Ông có bất ngờ trước thông tin này hay không? Theo ông, việc tăng nhanh số người siêu giàu có khiến VN được bạn bè quốc tế biết đến và nể phục hay không? Vì sao?
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam:- Như chúng ta biết, hiện nay, số lượng tham nhũng quá nhiều, từ huyện cho đến xã...trong khi dân đều biết cả.
Cho nên, ở VN bây giờ, có 2 nghề giàu nhất là tham nhũng và buôn lậu, mà 2 nghề này không thể thống kê con số tài sản, nghĩa là không thể minh bạch được. Vì vậy, tôi không bất ngờ trước việc Việt Nam có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới.
Đơn giản chỉ là ở đâu người dân nghèo thì chắc chắn sẽ có nhiều người giàu, đây là quy luật, hơn nữa, sự giàu có kiểu như vậy đều là bất chính: tham nhũng nhiều, buôn lậu thì biên giới dài hàng nghìn cây số, cho nên đó chính là điều kiện giàu ngầm không ai hay biết.
Sẽ không bao giờ có chuyện bạn bè thế giới nể phục khi chúng ta có số lượng người siêu giàu tăng, bởi họ chỉ phục đất nước kinh tế tăng trưởng, phát triển, công bằng, văn minh, minh bạch, rõ ràng. Chứ còn đất nước nào dù nghèo đói nhất vẫn có nhiều người giàu thì sẽ không quốc gia nào nể phục điều đó.
PV:- Trong khi đó, cũng theo một báo cáo mới đây, các chuyên gia cho rằng, sự chênh lệch giàu nghèo sẽ ngày càng rõ rệt. Nhiều người giàu hơn trong khi chênh lệch giàu nghèo càng tăng lên, điều này thể hiện điều gì, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam:- Thực ra chênh lệch giàu nghèo cũng do bản thân kinh tế thị trường có nguyên tắc, ai làm nhiều ăn nhiều, ai giỏi thì thu nhập cao, tôi nghĩ điều này đúng.
Bởi vì kinh tế thị trường không như kinh tế bao cấp, nó tồn tại phụ thuộc vào sự cạnh tranh, người giỏi - người kém, người chăm - người lười, rõ ràng không có chuyện chia đều, giỏi thì thu nhập cao hơn, thu nhập khá hơn.
Vì vậy, nên các nước phát triển kinh tế thị trường đều có chính sách giúp người nghèo, VN cũng đã làm nhưng chỉ làm ở dưới góc độ danh nghĩa không thiết thực, mới chỉ làm hời hợt, mới chỉ người nghèo con cá, mà quên không cho cần câu.
VN có số người siêu giàu tăng tốc độ nhanh nhất TG |
Ở những nước quản lý yếu kém, không công bằng, công khai minh bạch thì lại làm cho tham nhũng, buôn gian bán lận, giàu có lên rất nhanh.
Cho nên sự phân hóa giàu nghèo, làm giàu bất hợp pháp thường hay rơi vào nước quản lý kém, luật pháp không rõ ràng, chống tham nhũng chỉ hô khẩu hiệu mà không có hành động.
Chính vì vậy, phải làm rõ ràng các cá nhân giàu lên bằng cách nào, giàu bằng gì, nếu như giàu lên bằng tài năng kinh doanh, bằng lao động giỏi, lao động năng suất cao, trí óc vượt trội thì phải ủng hộ.
Giàu có nhưng cần minh bạch
PV:- Đặc biệt, nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam đã cơ bản khai thác xong tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi. Vậy thì sự gia tăng số người giàu trong thời điểm này phải được lý giải ra sao?
Một số vô cùng ít người giàu lên, trong khi đời sống nói chung không được cải thiện, điều này biểu hiện điều gì?
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam:- Giới giàu có VN hiện nay, chỉ có con số thống kê tài sản mà không biết giàu từ đâu, tất cả mọi thông tin đều không minh bạch.
Nói ngay đến các cán bộ xã hiện nay, tiền hỗ trợ người nghèo còn chia nhau, gói mì tôm của dân còn ăn chặn, ngay đến con gà hỗ trợ người nghèo, cán bộ xã còn lấy mang về nhà, thì làm sao xã hội tốt lên được?
Đây chính là biểu hiện thoái hóa, xuống cấp của đạo đức. Hơn nữa là vấn đề trong chính sách, đáng lẽ phải làm rõ, giàu lên bằng cách nào, giàu từ nguồn tài nguyên được sử dụng như thế nào.
Nếu như giàu lên nhờ mánh lới, bằng lỗ hổng chính sách thì quá đáng buồn. Còn nếu giàu lên bằng việc tổ chức sản xuất, bán được sản phẩm ra nước ngoài thì rất đáng khích lệ.
PV:- Giàu có, sung túc là tốt nhưng giàu quá nhanh và không tương đồng với những đóng góp cho nền kinh tế, cho xã hội, giàu có không minh bạch hợp pháp... là điều đáng ngại. Quan điểm của ông ra sao?
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam:- Giàu có là phải khuyến khích, nhưng đó là trường hợp làm giàu hợp pháp bằng trí tuệ và lao động, chứ không phải làm giàu quá nhanh.
Thế nào là hợp pháp, thế nào là minh bạch, thì cũng phải có hệ thống cơ sở luật pháp chắc chắn, có lo ngại cũng không giải quyết được nếu như hệ thống luật pháp vẫn sơ hở.
PV:- Có ý kiến cho rằng, sự giàu lên quá nhanh một cách không minh bạch sẽ tạo ra tâm lý chạy đua làm giàu bằng mọi giá. Ông có đồng tình với ý kiến này hay không? Xã hội Việt Nam đã gánh chịu những hậu quả của tâm lý này chưa, xin ông phân tích cụ thể?
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam:- Ở đâu cũng vậy, dù có ở Mỹ, phương Tây thì bất kì cá nhân nào khi nhìn thấy lợi nhuận cũng sẽ lao đầu vào, nhưng họ có thể nhận ra cái giá phải trả nếu vi phạm phạm luật nên sẽ dừng lại, khác với người Việt.
Đặc biệt, xã hội VN cũng đã phải gánh chịu những hậu quả đầu tiên, cứ đọc báo hàng ngày sẽ thấy, nào là tin con giết cha, cha giết con, anh giết em, đó chính là hậu quả của đạo đức xã hội xuống cấp. Người trong gia đình cũng tranh gia tài của nhau, minh chứng cho việc đạo đức xuống cấp.
Rồi tai nạn giao thông gia tăng, đánh nhau 6000 người cấp cứu, tại sao đánh nhau phát triển mạnh, mà không chỉ là hai người đánh nhau bình thường, mà còn đâm chém, giết người? Cuối cùng là gia đình tan vỡ, vì khi con người giàu có bất minh thì họ sẽ tự cho phép bản thân ăn chơi, đứng trên mọi luật lệ...đó chính là ảnh hưởng xấu tới xã hội.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt.