Báo cáo về sự giàu có trên thế giới "World Wealth Report" vừa được hãng tư vấn Capgemini & RBC Wealth Management công bố cho thấy lượng vốn mà giới giàu đổ vào chứng khoán đang lớn hơn bất cứ dạng tài sản nào khác.
Cụ thể, 26,8% tổng giá trị tài sản toàn cầu của các triệu phú đến từ cổ phần, cổ phiếu... trong khi tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm 25,6%. Thị trường nhà đất và thu nhập cố định chiếm lần lượt 17,6% và 16,9%. Người giàu tại khu vực Bắc Mỹ là những nhà đầu tư ưa chứng khoán nhất với một phần ba tài sản đến từ thị trường này (tiền mặt đóng góp 23,7%). Ngược lại, giới giàu Bắc Mỹ không mấy hào hứng với bất động sản, khi chỉ đầu tư khoảng 10% tài sản.
Ngược với xu thế toàn cầu, người Nhật vẫn ưa chuộng tích trữ tiền mặt với gần 40% tổng tài sản đến từ các khoản tiền và tương đương tiền. Tài sản trên sàn chứng khoán chiếm 26,3%. Cùng xu thế đó, các triệu phú khu vực Mỹ Latin tích trữ 24,3% tài sản dưới dạng tiền và khoảng 25% cho nhà đất.
Hơn 60% số lượng người giàu trên thế giới tập trung ở 4 nước: Mỹ, Nhật, Đức và Trung Quốc. |
Cũng theo báo cáo, tổng số người giàu (triệu phú và tỷ phú) trên thế giới là 14,65 triệu, với tổng tài sản 56.400 tỷ USD. Hơn một phần ba giá trị khối tài sản trên thuộc về 1% người ưu tú nhất của nhóm.
Sự giàu có cũng ngày càng trở nên phân hóa và tập trung hơn. Chỉ trong năm 2014 số lượng triệu phú Mỹ và Trung Quốc tăng thêm đã chiếm hơn một nửa tổng số lượng gia tăng trên toàn cầu.
Năm 2014 cũng chứng kiến sự trỗi dậy của châu Á - Thái Bình Dương khi vượt qua Bắc Mỹ trở thành khu vực có số lượng cá nhân giàu có nhiều nhất thế giới với 4,69 triệu người. Mặc dù hai khu vực này thường có sự hoán đổi vị trí cho nhau, nhưng bản báo cáo chỉ ra rằng sự tăng trưởng của châu Á Thái Bình Dương gần đây có tính bền vững và hệ thống hơn, có khả năng sẽ vượt qua Bắc Mỹ về tổng giá trị tài sản vào cuối năm nay.