Muốn thành công: Phải hiểu 20 nguyên nhân thất bại sau! (P.2)

Muốn thành công: Phải hiểu 20 nguyên nhân thất bại sau! (P.2)

Những người thành công thường đi đến quyết định rất nhanh chóng và thay đổi nó rất chậm. Còn những người thất bại thường quyết định rất chậm đồng thời thường xuyên và mau chóng thay đổi nó.

Trong hành trình sự nghiệp, bạn chắc chắn sẽ mắc phải nhiều sai lầm và thất bại cũng không ít. Bạn vẫn còn thiếu kinh nghiệm vì vậy hãy tận hưởng sở thích khám phá cuộc sống. Hãy sửa chữa sai lầm của mình và học hỏi từ chúng, sau đó tiến về phía trước. Sau đây là 10 sai lầm tiếp theo được Napoleon Hill chỉ ra mọi người thường mắc phải trên lộ trình thành công.

11. Thiếu sự quyết định rõ ràng

Những người thành công thường đi đến quyết định rất nhanh chóng và thay đổi nó rất chậm. Còn những người thất bại thường quyết định rất chậm đồng thời thường xuyên và mau chóng thay đổi nó. Thiếu quyết đoán và chần chừ là hai anh em sinh đôi. Khi ta thấy người này, ta cũng thường thấy kẻ kia. Hãy tiêu diệt bộ đôi này trước khi chúng hoàn toàn đẩy bạn vào guồng quay của thất bại.

12. Sai lầm khi chọn bạn đời

Đây là lý do phổ biến nhất của thất bại. Quan hệ hôn nhân mang đến cho con người sự tiếp xúc thân mật. Nếu mối quan hệ này không được hòa hợp thì thất bại thường tiếp nối theo sau. Hơn nữa, nó sẽ là một dạng thất bại phá hủy tất cả khát vọng vươn lên trong cuộc sống.

Nhà văn kiêm diễn viên nổi tiếng Godfrey Herbert Winn cũng từng nói rằng: "Không có người đàn ông nào thành công mà không có một người phụ nữ tốt phía sau anh ta. Vợ hoặc mẹ, nếu có cả 2 thì anh ta có tới 2 điều may mắn thực sự."

13. Sự thận trọng thái quá

Người không tận dựng cơ hội nói chung phải nhận lấy những gì còn sót lại khi người khác đã chọn xong. Sự thận trọng quá mức cũng tệ hại như sự bất cẩn. Cả hai đều là những trạng thái cực đoan cần tránh. Cuộc đời bản thân nó đầy những cơ hội cho bạn tận dụng.

14. Lựa chọn sai đối tác kinh doanh

Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của thất bại trong kinh doanh. Trong quá trình quảng bá năng lực cá nhân, bạn cần phải rất chú trọng đến việc lựa chọn một người sếp biết truyền cảm hứng cho nhân viên, thông minh và thành đạt. Chúng ta phải thi đua với những người mà chúng ta hợp tác chặt chẽ nhất. Hãy chọn lấy một người xứng đáng để tranh đua.

15. Chọn sai nghề

Không ai có thể thành công trong lĩnh vực mà anh ta không thích. Bước thiết yếu nhất trong việc quảng bá năng lực cá nhân là lựa chọn một nghề nghiệp mà bạn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến vì nó. Có thể tiền bạc và hoàn cảnh khiến bạn phải làm một điều gì đó trong một thời gian nhưng không ai có thể ngăn bạn phát triển những kế hoạch để biến mục tiêu của mình thành hiện thực.

Khi được làm công việc yêu thích thì bạn mới có thể theo đuổi nó, có động lực vượt qua nhữn thời điểm thử thách. Khổng Tử cũng từng nói: "Chọn một công việc bạn yêu thích và bạn sẽ không bao giờ phải làm việc một ngày nào trong cuộc đời."

16. Thiếu tập trung nỗ lực

Nghề gì cũng biết thì không nghề nào giỏi cả. Hãy tập trung tất cả nỗ lực của bạn vào một mục tiêu xác định duy nhất. "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh".

17. Thiếu nhiệt tình

Nếu không có sự nhiệt tình thì một người không thể thuyết phục được người khác. Hơn nữa, sự nhiệt tình rất dễ truyền từ người này sang người khác. Những người có lòng nhiệt tình và kiểm soát được nó luôn được đón chào nồng nhiệt trong bất cứ tập thể nào.

Tất cả các bậc vĩ nhân, những người thành công trên thế giới trước khi đến được thành công của mình đều trải qua không ít thất bại, thử thách trước khi đến được với thành công của mình nhưng có một điểm chung là ngọn lửa nhiệt tình trong họ không hề tắt. Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhấn mạnh: "Thành công bao gồm đi từ thất bại đến thất bại mà không mất đi lòng nhiệt huyết."

18. Không có khả năng hợp tác với mọi người

Nhiều người đã mất vị trí và những cơ hội của họ trong cuộc đời vì lỗi lầm này hơn bất kỳ lý do nào khác cộng lại. Đây là sai lầm mà không nhà kinh doanh và lãnh đạo có kiến thức nào có thể tha thứ.

19. Đoán mò thay vì suy nghĩ

Phần lớn người ta thường quá thờ ơ hay lười biếng trong việc tìm kiếm những dữ kiện thực tế để qua đó giúp suy nghĩ một cách đúng đắn. Họ thích hành động theo "những ý kiến" được tạo ra từ việc suy đoán hay đánh giá nhất thời.

20. Thiếu vốn

Đây là nguyên nhân thất bại phổ biến của những người mới lần đầu khởi nghiệp kinh doanh. Bạn cần có đủ lượng vốn dự trữ cần thiết để đền bù thiệt hại gây ra từ những sai lầm của bạn, giúp bạn đứng vững cho đến lúc thành danh.