Những năm gần đây, nhãn hàng thời trang mang tên nhà thiết kế Michael Kors ngày càng trở nên nổi tiếng, nhất là với hai mặt hàng túi và đồng hồ. Tuy nhiên, điều trái ngược là giá cổ phiếu của công ty này lại liên tục đi xuống.
Cụ thể trong năm 2014, cổ phiếu của nhãn hàng thời trang Mỹ mất giá 37%. Ngân hàng đầu tư nổi tiếng Morgan Stanley cũng vừa loại tên Michael Kors ra khỏi danh sách "Lựa chọn tốt nhất" - chuyên khuyến nghị những cổ phiếu nên mua nhất trong năm. Bản thân Michael Kors cũng vừa đưa ra những dự báo không mấy tươi đẹp cho năm tài chính tới.
Câu hỏi đặt ra là Michael và các đồng sự đã làm sai ở đâu?
Sự phổ biến của thương hiệu Michael Kors gần đây đến phần lớn từ sản phẩm túi và đồng hồ. |
Theo chuyên gia của ngành công nghiệp thời trang Robin Lewis, mức độ phổ biến trên phạm vi rộng rãi là "nụ hôn của cái chết" đối với các nhãn hàng thời trang, đặc biệt với những hãng định vị mình tại phân khúc cao cấp dành cho giới trẻ. Lewis so sánh Michael Kors với nhãn hiệu Tommy Hilfiger - từng đạt đỉnh cao cuối những năm 1990 rồi đi xuống.
Michael Kors từng được xem là một nhãn hiệu có khả năng truyền cảm hứng, khách hàng sẵn sàng trả một cái giá cao để sở hữu nó. Tuy nhiên, khi bất cứ ai cũng có thể mua được, sản phẩm đó không còn "chất" nữa. Nhiều thương hiệu cũng từng trải qua bài học này như Juicy Couture, Jordache và Coach.
Chuyên gia trên nhận định với chiến lược giá hiện nay, Michael Kors có thể tự bắn vào chân mình. Theo đó, nhãn hàng chia ra nhiều phân khúc sản phẩm với những mức giá khác nhau. Michael Kors có cửa hàng cao cấp chuyên bán sản phẩm "high-end", có cửa hàng trung cấp và một hệ thống khác chuyên bán hàng giảm giá, lỗi mốt.
"Nhiều người cho rằng chính những phân khúc này, đến một lúc nào đó, sẽ quay sang cạnh tranh với nhau", chuyên gia này nhận định. Không ít khách hàng cảm thấy không cần phải bỏ ra 300 USD để sở hữu một chiếc túi có đính tên Michael Kors khi mà họ có thể mua được thương hiệu này ở cửa hàng giảm giá với giá chỉ bằng nửa.