Các doanh nhân vẫn thường có nhiều ý tưởng hay ho, nhưng họ lại gặp trở ngại vì thiếu vốn. Họ cho rằng ý tưởng của mình của mình sẽ chẳng thể thành hiện thực, nếu không có nền tảng tài chính vững chắc.
Đừng để việc thiếu vốn cản đường bạn. Chắc chắn bạn sẽ căng thẳng, sẽ phải mất ngủ. Nhưng chỉ cần có đủ quyết tâm, bạn sẽ thành công. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn hiện thực hóa ý tưởng của mình với số vốn eo hẹp.
Thiếu vốn luôn là vấn đề đau đầu của các doanh nhân. Ảnh: Lizpryor |
1. Chỉ kinh doanh những gì bạn biết rõ
Thay vì mạo hiểm ở một lĩnh vực mới lạ, hãy khởi nghiệp từ chính những kiến thức và kĩ năng của mình. Càng ít phải phụ thuộc càng tốt. Khi nắm rõ lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh, bạn sẽ đỡ phải nhờ tới sự hỗ trợ và tư vấn từ bên ngoài. Đôi khi, kiến thức là tất cả những gì bạn cần có để thành công trong kinh doanh.
2. Nói với mọi người về công việc của bạn
Hãy báo cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cũ và các mối quan hệ làm ăn về việc kinh doanh mới của bạn. Bạn có thể làm điều đó bằng cách gọi điện, gửi email và cập nhật thông tin trên mạng xã hội. Bạn bè và người thân có thể quảng bá giúp bạn, trong khi các đối tác cũ có thể giới thiệu bạn với khách hàng của họ. Đây là phương pháp marketing thông thường, nhưng lại rất hiệu quả và giúp nhiều người biết đến công ty của bạn hơn.
3. Tránh các khoản chi không cần thiết
Bạn chắc chắn sẽ phải chi nhiều tiền, và có những khoản là "không thể đừng được". Nhưng điều bạn cần tránh là không chi tiêu phung phí. Chẳng hạn như việc in danh thiếp. Bạn có thể chi 1.000 USD làm 500 danh thiếp kim loại để trông thật "xịn", hoặc có thể chỉ bỏ ra 10 USD làm loại thường. Tiết kiệm ngay từ đầu có thể quyết định một doanh nghiệp thành công hay thất bại.
4. Đừng "ngập đầu" trong thẻ tín dụng
Máy tính mới, điện thoại và trang thiết bị văn phòng có thể độn chi phí lên rất nhiều. Thay vì dùng thẻ tín dụng mua tất cả chúng cùng một lúc, hãy dùng doanh thu của công ty để tái đầu tư. Giảm gánh nặng nợ nần sẽ tăng khả năng thành công cho doanh nghiệp.
5. Đảm bảo chính sách thu nợ từ khách hàng không làm bạn phá sản
Nếu doanh nghiệp của bạn hoạt động theo phương thức bán lẻ thì không cần bận tâm tới điều này. Nhưng nếu bạn cung cấp dịch vụ như tư vấn hay cung hàng cho các nhà bán lẻ thì bạn cần cân nhắc chính sách thu nợ khách hàng thật kỹ lưỡng. Đừng đưa ra chính sách dựa trên mong muốn của khách hàng, mà hãy dựa trên khả năng thành công của công ty.
6. Tận dụng quảng cáo và marketing miễn phí
Có nhiều cách quảng bá hình ảnh cho doanh nghiệp của bạn mà chẳng hề tốn kém. Truyền thông xã hội là một cách tuyệt vời để tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng. Bạn có thể liên lạc với truyền thông địa phương và cung cấp chuyên môn, ý kiến cho các sản phẩm của họ.
Hãy tạo mối quan hệ tốt đẹp với các đơn vị truyền thông và nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của họ. Điều này có thể khiến họ luôn nghĩ về bạn đầu tiên, và giúp đưa hình ảnh của bạn lên mặt báo miễn phí.
7. Không ngại bận rộn
Người sáng lập sẽ phải làm việc không biết mệt mỏi, giải quyết tất cả mọi vấn đề, từ gọi điện chào hàng, hỗ trợ khách hàng, xử lý hóa đơn, sổ sách cho tới kế hoạch mở rộng công ty. Bạn sẽ phải sắm nhiều vai cùng một lúc và dành hầu hết thời gian cùng sức lực của mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Tất cả những nỗ lực bạn bỏ ra sẽ không bao giờ là vô ích. Bạn đang gây dựng thương hiệu và tất cả những nỗ lực đó sẽ nâng tầm giá trị cho thương hiệu của bạn.
Đừng để số vốn hạn chế cản đường mình. Bạn sẽ gặp khó khăn và phải chịu rất nhiều áp lực. Nhưng đó là một phần không thể thiếu của kinh doanh.