Có lẽ vì từ sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard, chàng trai này chỉ đảm đương duy nhất một công việc: CEO của Facebook. Ở độ tuổi 24, Mark Zuckerberg đã chứng minh rằng: thành công và kinh nghiệm không liên quan tới tuổi tác, khi trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới.
Từ thần đồng công nghệ
Mark Zuckerberg bắt đầu sử dụng máy tính và viết các phần mềm từ khi còn học trung học. Năng khiếu của anh được phát hiện rất sớm khi chính David Newman (gia sư về lĩnh vực phần mềm và máy tính của anh) đã nhận xét rằng Mark Zuckerberg là "thần đồng" và "muốn vượt qua anh rất khó".
Phóng viên, nhà làm phim Jose Antonio Vargas cũng từng nói "trong khi những đứa trẻ khác chơi game, thì Mark lại tạo ra chúng".Tài năng của Mark Zuckerberg càng được phát triển khi đam mê của anh chính là tìm tòi và nghiên cứu các phần mềm.
Trong những năm tháng niên thiếu của mình, Mark Zuckerberg đã tạo ra kha khá phần mềm và game, trong đó có Zucknet (phần mềm kết nối các máy tính giữa nhiều nhà với phòng khám của bố anh, được coi là tiền thân của Instant Messenger) và Synapse Media Player (theo dõi thói quen nghe nhạc của người dùng - được đánh giá 3/5 trên trang PC Magazine).
Năm 2002, sau khi từ chối lời mời từ AOL và Microsoft, Mark Zuckerberg nhập học trường đại học hàng đầu Harvard, chuyên ngành Tâm lý học và Khoa học máy tính. Anh nhanh chóng nổi lên với danh hiệu "thần đồng lập trình" trong trường và tiếp tục sự nghiệp phát triển phần mềm của mình.
Vào năm thứ hai sau khi nhập học, Mark Zuckerberg sáng tạo phần mềm đánh giá các bức ảnh sinh viên trong trường mà anh gọi là Facemash. Tuy nhiên, Facemash nhanh chóng bị "đóng cửa" vì có quá nhiều sinh viên phàn nàn rằng họ bị lấy ảnh mà không hề hay biết. Thậm chí, Mark Zuckerberg còn bị kỷ luật vì đã xâm phạm quyền riêng tư và an toàn hệ thống máy tính.
Đến ông chủ Facebook - mạng xã hội nổi tiếng nhất thế giới
"Lúc mới mở ra phiên bản đầu tiên của Facebook, tôi đã nghĩ rằng, bạn biết đấy, phải có ai đó tạo ra một dịch vụ như thế này cho thế giới chứ. Tôi chỉ không bao giờ ngờ được chúng tôi lại là những người làm điều đó. Chỉ là, chúng tôi quan tâm đến vấn đề này hơn những người khác mà thôi" - Mark Zuckerberg nhớ lại.
Ngày 4/2/2004, Mark Zuckerberg, cùng với ba người bạn đồng sáng lập của mình là Dustin Moskovitz, Chris Hughes và Eduardo Saverin đã cho ra mắt Facebook ngay tại phòng ký túc xá của mình.
Lúc đầu, Facebook chỉ là một sản phẩm "nội bộ" trong trường Harvard, nhưng thành công ngoài sức mong đợi của phần mềm này (hơn một nửa sinh viên trong trường đã lập tài khoản chỉ trong vài tuần) đã thôi thúc cả nhóm phổ biến nó ra các trường đại học và cao đẳng khác.
Vài tháng sau, Mark Zuckerberg và bạn bè đã chuyển tới Alto, California, gặp gỡ các nhà đầu tư như Peter Thiel (đồng thành lập PayPal), Sean Parker (đồng thành lập Napster) và bắt đầu công cuộc phát triển phần mềm chuyên nghiệp.
Tháng 8/2005, Zuckerberg chính thức đổi tên công ty thành Facebook. Trang web dần dần mở rộng khỏi khuôn khổ các trường đại học và cao đẳng, lan tới các trường trung học phổ thông và các nơi làm việc, đến tháng 9/2006, ai cũng có thể tham gia vào Facebook, chỉ cần có email.
Cũng trong năm 2006, Mark Zuckerberg đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi từ chối lời đề nghị được mua lại Facebook với giá 1 tỉ USD từ "ông trùm" Yahoo. Một năm sau, Microsoft cũng góp 1,6% vốn vào công ty với 240 triệu USD.
Trả lời cho sự việc từ chối bán lại Facebook, Mark Zuckerberg cho biết: "Vấn đề không phải là tiền bạc. Với chúng tôi, quan trọng là tạo ra được một khoảng thông tin mở cho tất cả mọi người…".
Ở đây, ta có thể thấy một Mark Zuckerberg đầy chính kiến và tự tin với đứa con tinh thần của mình - một điều cực kỳ quan trọng đối với bất kỳ ai muốn thành công.
Không ai biết được nếu như Mark Zuckerberg bán Facebook cho Yahoo thì sự việc sẽ như thế nào, vì chuyện đó không xảy ra. Điều chúng ta thấy được là Mark Zuckerberg đã từ chối, để rồi chỉ vài năm sau, Facebook đã bước lên một đỉnh cao mới - trở thành mạng xã hội với hơn 110 triệu tài khoản đang hoạt động và là trang web được ghé thăm nhiều thứ tư trên toàn thế giới.
Mark Zuckerberg là một người kiên định. Vì vậy, khi người dùng khó chịu, truyền thông thì phẫn nộ vì chức năng Newsfeed xuất hiện, đồng nghĩa với việc tất cả các hoạt động của mình đều được cập nhật cho mọi người cùng biết - mà theo họ, đây là hành động xâm phạm quyền riêng tư, Mark Zuckerberg vẫn khẳng định rằng, anh muốn mọi người thoải mái với những điều mà họ chưa thực sự thoải mái. Việc mà anh quan tâm chỉ là nhiệm vụ tạo ra một thế giới mở mà thôi.
Rõ ràng, tài năng là một phần, điều khiến Mark Zuckerberg có thể tiến xa đến mức này là sự kiên định, dũng cảm và tầm nhìn xa. Con đường để Facebook và người sáng lập ra nó hoàn toàn không trải đầy hoa hồng, nhưng Mark Zuckerberg, với năng lực của mình, cộng với phong cách lãnh đạo hết sức trẻ trung, năng động và rộng mở - theo lời những cộng sự - đã khiến Facebook vươn tầm phát triển như hiện nay.