Đi một ngày đàng…
Marcel Bich (1914 - 1994) sinh tại Turin, vùng nói tiếng Pháp miền bắc Italia. Cha ông, Airme Mario Bich - thụ hưởng tước vị quý tộc Nam tước từ ông cha, là kỹ sư, và rất ưa chu du thiên hạ. Còn nhỏ đã được theo cha thăm viếng nhiều nước, Marcel để tâm nghiên cứu tính cách của các tộc Nam Âu: người Ý, người Tây Ban Nha, người Pháp.
Khoa học đã chứng minh rằng, các trải nghiệm khi chu du thiên hạ từ sớm giúp phát triển óc sáng tạo và chí dấn thân. Cậu cũng sớm ham mê tập luyện thể thao - nguồn tạo sức bền, và cảm giác "săn bàn thắng", cho cả "sân chơi" thành tích cao, là đời doanh nghiệp.
Marcel tới trường ở Ý, rồi sang Madrid vào đầu bậc trung học, nhưng lại tốt nghiệp trung học ở Bordeaux (Pháp), nước mà Marcel sẽ chính thức trở thành công dân. Đang đèn sách ở trường Trung học Lycée Carnot nổi tiếng, vị nam tước trẻ đã biết gõ cửa từng nhà dân Paris, bán rong từng chiếc đèn pin. Marcel Bich về sau cho rằng những kinh nghiệm "làm ra tiền" ban đầu này đã góp phần giúp ông kinh doanh thành đạt.
Tốt nghiệp đại học về toán và triết, Nam tước Bich vào làm quản trị sản phẩm cho một hãng chế tạo máy cái. Nhưng hàng đêm Marcel vẫn đi học thêm lấy bằng cử nhân luật, để nhắm vào một sự nghiệp lớn hơn. Chuyển sang làm cho hãng bút máy Stephens - kình địch của hãng Waterman tại thị trường Pháp, Marcel Bich phải dừng các giấc mơ lớn để lo tồn tại trong suốt thời gian Thế chiến II (1939 - 1945).
Hòa bình lập lại mở ra nguồn làm ăn cho Marcel Bich, giống như nhiều thiên tài kinh doanh khác: Cùng một bạn tâm giao, với vốn ban đầu 1000 USD, mua lại cái xưởng điêu tàn ở ngoại ô Paris. Họ làm ruột bút bi - sản phẩm vừa xuất hiện trên thị trường đã trở nên thông dụng. Nhưng lúc đó nó còn khá đắt, lại chưa đáng tin cậy trong sử dụng. Marcel Bich mất 4 năm để chế tác chiếc bút bi "Bic" đầu tiên, chiếc bút trở thành một trong những thành tựu vĩ đại của nhân loại.
Tiện ích lớn nhất - giá thành nhỏ nhất
Khác biệt mà Marcel Bich muốn tạo nên là chiếc bút bi viết tốt trong một thời hạn quy định, khi mực chảy kém đi sẽ được người dùng bỏ đi, không bơm mực, vì giá thành bút thấp vô cùng. Chiếc bút thành phẩm đầu tiên mà Bich chào, về ý tưởng, với sáu hãng sản xuất ruột bút bi có máu mặt, số đó có khổng lồ Waterman S.A của Mỹ.
Nhưng không một hãng nào nhận đưa vào sản xuất sản phẩm này. Họ cho rằng Bich chưa hiểu được sự phức tạp của hệ thống phân phối sản phẩm toàn thế giới. Chưa nói đến tâm lý "giữ tốt dùng bền" chống lại văn hóa "dùng một lần rồi bỏ". Con người ưa thể thao Bich hiểu rằng ông phải tự dẫn dắt cuộc chơi lớn này giành thắng lợi. Kết quả chỉ 8 năm sau, Bich thôn tính Waterman S.A.
Nhưng ở năm 1950 ấy, một người như Bich đứng trước ba lựa chọn: (1) quên sản phẩm của mình đi (2) tự sản xuất mặt hàng của mình rồi tiêu thụ qua những người bán lẻ (3) tổ chức bộ máy sản xuất có sức cạnh tranh mạnh, và hệ thống tiêu thụ của riêng mình. Bich đã chọn phương án ba, một quyết định đi vào lịch sử kinh doanh thế giới, một quyết định làm thay đổi cách viết của toàn nhân loại.
Thắng trên sân khách
Thị trường Âu - Mỹ kể từ 1946 tràn ngập bút bi của nhà sản xuất người Mỹ Milton Reynolds, được xem là sản phẩm chuyên dụng, cao cấp. Nhưng chiếc bút "Bic" đầu tiên ra đời năm 1953 - chương đầu của một huyền thoại nhiều kỳ - chỉ có giá 29 cent, (trong khi bút bi của các hãng cạnh tranh có giá từ 9 - 13 USD). Nó tạo một đột phá tạo văn hóa mới: đồ dùng xài xong rồi bỏ.
Lao động sáng tạo không ngừng khiến Marcel Bich, tới giữa những năm 1960, đã giảm giá thành xuống chỉ còn 10 cent/ chiếc. Một đòn "đập chết" cả các đối thủ hiện tại, lân các nhân tố cạnh tranh trong tương lai.
Một cuộc cách mạng về sản xuất - kinh doanh và cả văn hóa sử dụng đồ dùng cá nhân bắt đầu với việc Tập đoàn Société Bic thống lĩnh toàn bộ thị trường bút bi dùng một lần trên thế giới, chỉ trong một chớp mắt của lịch sử…
Tư duy thị trường độc đáo của Marcel Bich giúp ông "nhu yếu phẩm hóa" chiếc bút Bic ở "chiến trường" không quen thuộc, lúc nhúc các cá mập lớn, như Gillette... Vào Mỹ từ 1957, ông đã tạo ra 300 ngàn đại lý bán lẻ để tiêu thụ các sản phẩm của Tập đoàn Bic, đạt tới 93% độ bão hòa thị trường đối với sản phẩm bút bi vào năm 1979.
Tác giả Gene Landrum, người liệt Marcel Bic vào danh sách 13 nhân vật tiêu biểu đã làm thế giới thay đổi, cùng với Steve Jobs, Soichiro Honda… cho rằng Gillette và các "ông lớn" khác sẽ hài lòng nếu chỉ kiểm soát được một phần ba thị trường bán lẻ ở Mỹ.
Vẫn theo Landrum, Gillette - đối thủ trực tiếp của Marcel Bich, đã thua "ngoại nhân" này cả về chiến lược sản phẩm (giá thành) lẫn nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng Mỹ, chẳng hạn trong mặt hàng bật lửa one - use. Sau chiến dịch quảng cáo sản phẩm Bic tiêu tốn tới 4 triệu USD, khách hàng Mỹ đã khoắng sạch các hàng hóa của 30 vạn điểm bán lẻ này của hãng.
Văn hóa "xài rồi vứt"
Kể từ thập niên 60 khi Société Bic bán được hơn 3 tỷ bút bi một năm (1 triệu chiếc/ngày chỉ trên thị trường Mỹ), Tập đoàn này cũng thâu tóm thị trường bật lửa thế giới cũng bằng cách làm hàng rẻ gần như cho. Trên đà thắng của bút bi và bật lửa, Bich tấn công vào căn cứ của "bọn giàu": thị trường dao cạo râu chạy điện.
Bich đã dùng thế mạnh về sản xuất tạo sức cạnh tranh, làm phá sản những dây chuyền sản xuất lỗi thời và những phân khúc trì trệ trên thị trường, của lề thói kinh doanh " thấy bở đào mãi", không chịu cách tân. Đời doanh nghiệp của Bich là thể hiện rõ nét thực tiễn phá hủy mang tính sáng tạo. Phá bỏ cái cũ là một động lực tiến hóa không ngừng của nhân loại.
Trước kỷ nguyên "bàn phím", cây bút bi Bic là một cuộc cách mạng về cách thảo văn bản, khi nó cho ra rìa thói quen dùng bút máy, bút mực. Nhưng lúc đó các bậc cha mẹ lo con nhỏ dùng bút bi chữ sẽ xấu đi, tuy các sinh viên thì phấn khích với tiện lợi của nó trong tốc ký.
Nhưng thương hiệu Bic vẫn là biểu tượng khả năng của óc kinh doanh: biến những vật dụng phức tạp thành hàng hóa đơn giản, tiện dụng hơn, rẻ hơn.
Thời "hàn vi", Marcel Bich thường bị các chủ ngân hàng cự tuyệt - họ cho rằng ông quá "thiếu thận trọng". Kiến tạo thành công văn hóa dùng hàng một lần rồi vứt, ông dường như đã cảm thấy, phả vào gáy mình hơi thở gấp gáp của thế hệ tiếp nối, luôn vội vã.
Giác quan thứ sáu hẳn đã giúp ông dự cảm cái sốc tương lai của một thế giới phẳng, nhưng đầy biến biến động, đầy nhiễu, mà vẫn theo sát thực tại nhờ tra cứu trên máy tính chỉ trong vài phần giây.