Mac Nguyen: Chân dung quản lý quỹ tỷ đô người Mỹ gốc Việt (Phần 1)

Mac Nguyen: Chân dung quản lý quỹ tỷ đô người Mỹ gốc Việt (Phần 1)

(NDH) Mac Nguyen là một nhà quản lý quỹ đầu tư nhiều tỷ USD người Mỹ gốc Việt. Bí quyết gì đã đưa một người Việt nhập cư vào Mỹ có cuộc sống giàu sang?

Phong cách đầu tư của Mac Nguyen

Mac Nguyen là một nhà quản lý đầu tư người Mỹ gốc Việt có phong cách bảo thủ. Ông là một người có sở thích vác đá lặn dưới nước. Và phương pháp đầu tư của vị doanh nhân này cũng tương tự như vậy: làm việc chăm chỉ, không đột ngột đầu tư lớn, tiến độ ổn định và áp lực công việc rất cao.

Mac Nguyen rất hay đánh cuộc. Kể từ thơi thơ ấu, ông đã bắt đầu trơi trò này với 6 anh em của mình. Doanh nhân này là một người chơi golf chuyên nghiệp và luôn cá cược lớn vào những lần chơi của mình. Doanh nhân Nguyen cho rằng sự đánh cuộc, thậm chí là nhỏ nhất, cũng làm ông hứng khởi hơn trong cuộc chơi của mình. Gần đây nhất, nhà đầu tư này vừa mất 100 USD tiền đánh cuộc cho Matt Kuchar, đứng thứ 14 trong bảng xếp hạng golf thế giới.

Theo ông Nguyen, bất cứ người thành đạt nào thức dậy vào mỗi buổi sáng sẽ tự hỏi: “Làm sao tôi có thể làm điều này tốt hơn?”

Những câu chuyện đầu tư

Tháng 11/1998, Mac Nguyen thành lập quỹ đầu tư Ivory Investment Management trị giá 3,5 tỷ USD và bắt đầu gây chú ý trên thị trường. Đến cuối năm 2014, quỹ này đã có mức lợi nhuận 346%, tương đương 9,7%/năm. Mức lợi nhuận này cao gấp đôi so với mức tăng 139% của chỉ số chứng khoán Standard&Poor 500.

Hơn nữa, với chiến lược cân bằng lệnh mua bán trên thị trường, chỉ có bình quân 1/5 số tiền của nhà đầu tư trong quỹ Ivory có khả năng bị lỗ. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với mức 100% có khả năng lỗ theo lý thuyết trong chỉ số S&P 500. Khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong những năm trước, doanh nhân Nguyen có lãi không nhiều hoặc thua lỗ cũng rất ít. Nhưng khi thị trường tăng điểm thì danh mục đầu tư của ông thường tăng mạnh hơn.

Những phương pháp đầu tư của Mac Nguyen đã giúp cho doanh nhân này trở nên giàu có. Do yêu mến quần đảo Hawai nên ông và một nhóm nhà đầu tư đã mua 353 hecta đất ven biển tại đây và phát triển chúng.

Tuy nhiên, điều đó là không đủ với nhà đầu tư có thể mua bất kỳ mảnh đất gần biển nào tại Thái Bình Dương này. Nhiều người cho rằng thời đỉnh cao của Mac Nguyen đã qua và điều này đối với ông là không thể chấp nhận được.

Năm 1999 là năm đầu tiên Ivory hoạt động và đã mang lại lợi nhuận 28%, cao hơn mức tăng 21% của chỉ số S&P 500. Trong năm tiếp theo, khi chỉ số này giảm 9% thì cổ phiếu công ty của Mac Nguyen vẫn tăng 17%.

Đặc biệt trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các nhà đầu tư đã bị ấn tượng khi thị trường suy giảm 37% nhưng Ivory chỉ giảm 7,6%. Khi thị trường bắt đầu hồi phục năm 2009, nhiều nhà đầu tư đã đóng góp tài chính với Nguyen để thành lập một quỹ đầu tư mới, Ivory Optimal Fund. Cổ phiếu năm đầu tiên của tổ chức này đã tăng 28%, cao hơn mức 26% của S&P 500.

Tuy nhiên, khó khăn đã đến với Mac Nguyen vào năm 2010 khi cổ phiếu của Ivory giảm 13 điểm phần trăm. Năm 2011, cổ phiếu của Nguyen giảm 3,6% trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng 2,1%. Cổ phiếu của Ivory Optimal thậm chí có diễn biến tồi tệ hơn. Có vẻ như những điều kỳ diệu trước đây mà ông làm được đã qua.

Doanh nhân này nói rằng ông chưa bao giờ phải đập vỡ một thứ gì đó hay mắng bất kỳ người nào chỉ vì những khó khăn trên. Tuy nhiên, Nguyen lại thất vọng và giận dữ khi liên tục phải giải thích cho các nhà đầu tư rằng tình hình thị trường là vô cùng khó khăn với các chiến lược của công ty ông. Theo Nguyen, ông luôn cảm thấy mảng kinh doanh này là một môi trường không có chỗ cho sai sót. Điều này cũng tương tự như các trận thể thao đỉnh cao, bất chấp điều kiện có khó khăn thế nào đi chăng nữa thì tuyển thủ cũng phải làm tốt hơn so với đối phương.

Cũng như những nhà quản lý đầu tư khác, Mac Nguyen có yêu cầu khá cao về chất lượng cuộc sống theo học thuyết của Abraham Maslow. Ngoài những nhu cầu cơ bản như tiền bạc, công việc, sức khỏe…có vẻ như ông còn muốn chứng tỏ bản thân và có được sự tôn trọng từ những người khác. Ông Nguyen khó chịu khi thấy những đối thủ của mình nhận được nhiều sự chú ý hay có nhiều tiền hơn mặc dù hoạt động kinh doanh của họ không tốt như của ông.

Vị doanh nhân này chỉ ra một ví dụ là ông David Einhorn, giám đốc điều hành 46 tuổi của quỹ Greenlight Capital. Trước đây vào năm 1993, ông Nguyen và Einhorn từng làm việc cùng nhau cho quỹ đầu tư nhỏ Siegler, Collery & Co. Năm 2009, khi mới bắt đầu thì Ivory Optimal đã đem lại lợi nhuận 113,5%, cao hơn 112% của Greenlight trong cùng kỳ. Tuy nhiên số tiền mà Greenlight quản lý là 12 tỷ USD, gấp 4 lần Ivory, và điều này làm ông Nguyen phiền lòng. Theo nhà đầu tư này, sự khác biệt duy nhất giữa ông và Einhorn là tiểu sử làm việc. Ông Einhorn có một hồ sơ cá nhân rất tốt, trong khi của Nguyen lại không được như vậy. Tuy nhiên, Nguyen cho biết ông là một người có tính cạnh tranh vô cùng cao và sẽ ngày càng tiến bộ theo thời gian.

Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Bloomberg, ông Nguyen tỏ ra là một người khá tự tin và luôn tự kiểm điểm bản thân. Ông đã từng không hài lòng khi chưa tạo ra được Alpha, mục tiêu quan trọng của mọi giám đốc điều hành quỹ đầu tư. Alpha là khoản lợi nhuận không phụ thuộc vào việc thị trường lên hay xuống. Nhà đầu tư nào cũng có thể gặp may mắn và thu lợi lớn khi chi tiền vào những khoản đầu tư rủi ro. Nhưng Alpha lại hoàn toàn khác, mức lợi nhuận này không phụ thuộc vào độ rủi ro của khoản đầu tư. Do đó, các quỹ đầu tư cần tạo ra Alpha đủ để chi trả cho các chi phí hoạt động của họ. Mức Alpha tiêu chuẩn trong ngành đầu tư của Ivory là 2%/tháng trên tổng giá trị tài sản và 20% trên tổng lợi nhuận hàng năm.

Trong năm 2010 và 2011, chỉ có một số quyết định đầu tư của Mac Nguyen là đem lại hiệu quả, phần còn lại thì không được như ý. Ông đặt lệnh bán cổ phiếu Amazon.com vì cho rằng lợi nhuận công ty này sẽ giảm do đầu tư quá nhiều để giữ mức tăng trưởng doanh thu. Đúng như dự đoán, lợi nhuận của Amazon.com đã giảm, nhưng các nhà đầu tư không quan tâm lắm đến điều này và cổ phiếu vẫn tăng giá. Doanh nhân Nguyen cũng mua cổ phiếu của Hospira, nhà sản xuất dụng cụ y tế, khi cổ phiếu của công ty này giảm từ 60 USD xuống 40 USD năm 2011. Sau đó, công ty thông báo những vấn đề pháp lý đã làm giảm sản lượng của nhà máy tại Bắc Carolina, hậu quả là giá cổ phiếu xuống 20 USD.

Mac Nguyen cho biết mỗi khoản đầu tư lợi nhuận của ông đều đi kèm với một khoản đầu tư thua lỗ trong khoảng thời gian trên. Nhà đầu tư Nguyen đã không tạo được nhiều Alpha trong suốt 2 năm qua và điều này đối với ông là không thể chấp nhận được.

Đây là điều bình thường đối với các nhà quản lý quỹ đầu tư trong khoảng 6 năm qua. Có nhiều nguyên nhân cho kết quả trên. Đầu tiên là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của hơn 10.000 quỹ đầu tư tính đến thời điểm hiện tại, với 3 nghìn tỷ USD tài chính. Tiếp theo đó, các quỹ đầu tư thường có lợi nhuận hơn khi thị trường đi xuống, trong khi chính sách lãi suất Cục Dự trữ Liêng bang Mỹ (FED) không hỗ trợ điều này. Bằng chứng là thị trường chứng khoán Mỹ chưa một lần sụp đổ trong 6 năm qua. Nhiều nhà quản lý quỹ nổi tiếng đã phải từ bỏ, như ông Jeff Vinik của quỹ Vinik Asset Management đã phải đóng cửa công ty và hoàn trả 6 tỷ USD cho nhà đầu tư.

Chuyên gia từng đoạt giải Nobel Daniel Kahneman nhận định rằng sự tồn tại của các nhà quản lý đầu tư chỉ dựa trên những “ảo tưởng về kỹ năng” của họ và không giá trị bằng, cũng như đắt đỏ hơn, việc đầu tư thụ động thông qua các chỉ số kỹ thuật.

Giám đốc nghiên cứu Matthew Litwin của Greycourt cho rằng việc các nhà quản lý quỹ đang làm là một điều vô cùng khó khăn. Theo ông, hếu hết những nhà quản lý quỹ rồi sẽ gặp thất bại.

Tuy nhiên, Mac Nguyen không có bất kỳ “ảo tưởng về kỹ năng” nào. Ông đồng ý rằng hầu hết các giám đốc quản lý quỹ sẽ gặp thất bại, nhưng ông không có ý định nằm trong số đó.

(Còn tiếp)