Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người không ngại thách thức những tư tưởng vốn đã trở nên quen thuộc và không cần thỏa hiệp với những lý thuyết giáo điều. Đến tận cuối đời, ông vẫn tin tưởng, kiên định với việc chấp nhận và thích ứng hoàn cảnh khó khăn trong một thế giới luôn thay đổi. Để làm mới nhãn quan của mình, ông liên tục tìm lời khuyên, nghe quan điểm của các chuyên gia, nhà học thuật, các chính trị gia, nhà báo thậm chí ngay cả những người dân trên đường phố.
Dù nghe nhiều và chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, ông không bao giờ để bản thân mình bị "lung lay" nếu chưa tìm ra được điều mà ông tuyệt đối tin tưởng, rằng điều đó tốt cho lợi ích dài hạn của người dân trên đất nước. Một trong những bằng chứng rõ rệt cho tính cách này là sân bay Changi - biểu tượng của đất nước Singapore mới giàu mạnh hiện nay.
Khi Singapore muốn mở rộng sân bay vào đầu năm 1970, một nhà tư vấn hàng không của Anh đề xuất bổ sung đường băng cho sân bay sẵn có ở Paya Lebar. Lý do mà công ty đưa ra là việc nới rộng, thay vì xây mới, sẽ giảm thiểu số tiền giải phóng mặt bằng, quỹ đất phải sử dụng. Nội các Singapore chấp nhận đề xuất trên, nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn đề nghị một công ty tư vấn khác của Mỹ đánh giá lại, sau đó tổ chức thêm một cuộc nghiên cứu khác nữa..
Cả hai nghiên cứu sau cho ra kết quả nên ở lại sân bay cũ và mở rộng nó. Nhưng vị Thủ tướng vẫn không hài lòng. Ông nói rằng việc giữ nguyên sân bay hiện tại không chắc là khôn ngoan với sự bền vững của Singapore về mặt dài hạn. Ông nhắc lại một bài học trên đường đời của mình: "Tôi từng đến sân bay Logan ở Boston và ấn tượng mạnh về tiếng ồn của những chiếc máy bay đi lên đi xuống. Nếu chúng ta mở rộng sân bay ở Paya Lebar, trung tâm Singapore sẽ phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn trong nhiều năm tới.
Cuối cùng, ông chọn Chủ tịch của cơ quan Cảng Singapore, ông Howe Yoon Chong, người vốn nổi tiếng vì tính cách mạnh mẽ - yêu cầu thực hiện cuộc nghiên cứu cuối cùng. Người này đã trả lời ông rằng phương án sân bay Changi là có thể thực hiện được.
Sau đó, bất chấp cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn đặt cược một tỷ USD vào canh bạc sân bay Changi năm 1975. Đây là dự án mạo hiểm vì ông sẽ phải san phẳng nhiều tòa nhà, di chuyển hàng nghìn ngôi mộ, cải tạo nhiều khu vực đầm lầy, lấy đất lấn biển tại một số khu vực. Thời gian xây sân bay lúc đầu dự định là 10 năm, nhưng do tính cấp thiết đã rút gọn lại, buộc phải làm xong trong 6 năm.
Cuối cùng, quyết định của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mang lại quả ngọt. Ngày nay, sân bay Changi là một trung tâm du lịch, hàng không và điểm đến hấp dẫn của đảo quốc Sư tử.
Thử nghiệm: Liệu cách này có phù hợp với chúng ta?
Cách ông Lý Quang Diệu biến những câu chuyện không thể thành có thể, cách tiếp cận thực dụng, quyết tâm với tầm nhìn dài hạn đã giúp Singapore tồn tại và phát triển, ngay cả khi phương pháp ông làm dường như đi ngược lại những nguyên tắc thông thường.
"Tại một quốc gia đang phát triển, các bạn cần một lãnh đạo - người không chỉ thấu hiểu những cuộc tranh luận giữa các bên đối lập, mà còn phải nói được vào lúc kết luận rằng 'Hãy xem, trong trường hợp của chúng ta, cái nào có hiệu quả. Bất kể người Anh, người Australia, người New Zealand làm như thế nào. Đây là Singapore. Liệu cách này có hiệu quả ở đây?", ông nói.
Đã nhiều lần, ông chứng minh khả năng nhìn xuyên thấu của một người giàu kinh nghiệm, có thể vượt lên trên mọi định kiến, thành kiến. Khi còn trẻ, ông từng đọc về chủ nghĩa xã hội Fabian, một dạng làm chính quyền mà ông đặc biệt say mê trong quãng thời gian học đại học ở Anh, đến nỗi trong nhiều năm liền ông đăng ký mua tạp chí về chủ đề này để học hỏi.
Tuy nhiên, ông nhận ra rằng những lý thuyết này có thể không hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. "Chúng ta phải sống trong một thế giới như nó vốn có, không phải thế giới mà chúng ta muốn có". Đó là một câu nói nổi tiếng của ông mà sau này trở nên nổi tiếng.
Trong những năm đầu khi xây dựng đất nước, để phản biện lại lý thuyết đang thịnh hành thời điểm đó là các tập đoàn đa quốc gia không khác nào những tên thực dân kiểu mới - vốn chỉ chăm chăm hút sạch tài nguyên đất, lao động và khoáng sản giá rẻ của một quốc gia, Lý Quang Diệu đã làm điều ngược lại. Ông trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách thuế, tài chính hấp dẫn. Người đưa ra lời khuyên cho ông là nhà kinh tế Albert Winsemius đến từ Hà Lan. Bài giảng "các công ty châu Âu và Mỹ hoạt động như thế nào" của vị chuyên gia đã cho Lý Quang Diệu nhìn thấy tương lai của Singapore khi đất nước này kết nối vào hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu thông qua các công ty đa quốc gia, sử dụng chính mong muốn và lợi nhuận của họ.
Sau này, cố Thủ tướng giải thích lại một cách giản dị: "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiếm sống, làm thế nào để tồn tại. Đó không phải là những câu hỏi kinh tế mang tính lý thuyết suông. Đó là vấn đề sống hay chết của hai triệu con người".
Nhìn lại, ông Lý Quang Diệu tin rằng duy trì lập trường thực dụng đã đảm bảo sự tồn tại cho Singapore lẫn sự phát triển như ngày hôm nay. Ông nói: "Nếu có một công thức cho sự thành công của chúng tôi, đó là chúng tôi đã liên tục học hỏi cách giải quyết mọi việc, làm thế nào để mọi thứ ngày một tốt hơn. Bài thử nghiệm tôi áp dụng vào mọi lý thuyết, mọi mô hình là liệu nó có hiệu quả ở đây không? Đó là bí quyết vàng luôn tồn tại trong văn phòng của tôi trong suốt những năm qua. Nếu một lý thuyết mang ra thử nghiệm không hiệu quả, hoặc kết quả tồi, tôi sẽ không mất thời gian và tài nguyên vào nó nữa".
Cú nhảy niềm tin
Sống thực tế không có nghĩa là hoàn toàn vận hành theo lối an toàn. Trái ngược lại, Lý Quang Diệu luôn không ngừng nghỉ trong việc cải tiến và biến những hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội. Nhiều cuộc thử nghiệm có thể sai, ông nói, "nhưng điều tối quan trọng là không được e ngại cải cách".
Ông Peter Ho, người từng là chịu trách nhiệm về dịch vụ công ích của Singapore cho biết trong những năm đầu của Singapore, nhiều quyết sách đã được đưa ra mà căn cứ của nó không có gì hơn là dựa vào niềm tin.
"Xây cảng container đầu tiên ở Tanjong Pagar lại quyết định liều lĩnh. Vì thời điểm đó, chưa có ai chứng minh rằng container là một phương pháp vận chuyển tốt. Nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho người phụ trách vấn đề này quyền hạn để biến nó thành hiện thực.
Ông Ho nói tiếp: "Trên thực tế, mong muốn thử nghiệm mọi thứ đã sinh ra một thế hệ các doanh nhân Singapore có khả năng biến những con số 0 trở thành những biểu tượng của Singapore ngày nay như hãng hàng không Singapore Airlines, Ngân hàng DBS, công ty ST Engineering, Sân bay Changi, công ty Singtel, và nhiều thứ khác. Hệ thống máy tính hóa quốc gia cũng là một ví dụ. Do Bộ Quốc phòng khởi xướng, nay hệ thống này đã làm biến đổi Singapore.
Đứng trên vai kẻ khác
Lý Quang Diệu luôn đưa ra các giải pháp bằng cách rút ra bài học từ những kinh nghiệm của nước khác hoặc nhờ tư vấn của chuyên gia. Không nhất thiết phải sáng tạo lại bánh xe, ông luôn lặp đi lặp lại câu nói này.
Trong các chuyến công tác của mình, ông luôn để ý, quan sát xem một xã hội, một chính quyền hoạt động như thế nào, điểm tốt ở đâu. Từ đó ông có những ghi chép lại về mọi thứ để mang về áp dụng, ví dụ loại cây nào có thể mang về trồng ở Singapore, ngành công nghiệp nào có thể xây dựng ở Singapore.
Cũng nhờ cách này, ông xây dựng các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí tại đất nước của mình. Khi đến Boston năm 1970, ông nhìn thấy những dòng xe nối đuôi nhau trước cửa các garage chờ đến lượt kiểm tra. Sau đó ông về nước và thiết kế hệ thống kiểm tra phương tiện. Khi đến Nhật và chứng kiến căn bệnh Minamata vì ô nhiễm năm 1970, ông đã dời các khu công nghiệp xa ra khỏi khu dân cư.
"Tôi thích đứng trên vai người khác, những người đã đi trước chúng ta", ông nói.
Khi gặp khó khăn, ông Lý Quang Diệu sẵn sàng nhận lời khuyên của những người có kinh nghiệm, bất kể việc họ đến từ đâu. Ví dụ, khi Singapore trong tình huống cấp bách cần xây dựng ngay lập tức lực lượng quốc phòng để phòng ngừa nguy cơ bạo loạn từ nhóm Malay Ultras năm 1965, Ấn Độ và Ai Cập đã không phản hồi đề nghị giúp đỡ. Trong tình huống này, ông Lý Quang Diệu đã quay sang phía người Israel. Mặc dù vậy, khi nhóm quân Israel đầu tiên đến Singapore vào tháng 11 năm đó, giới chức Singapore giới thiệu họ là "người Mexico" để tránh gây chú ý.
Cải cách hệ thống tài chính
Trong suốt nhiều năm liền, ông nổi tiếng với những quy định nghiêm khắc về hệ thống tài chính và trong việc bảo hộ các ngân hàng nội. Cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra giai đoạn 1997 - 1998.
Ông Heng Swee Keat, người lúc đó Thư ký riêng của ông Lý Quang Diệu nhớ lại: "Những quy định nghiêm ngặt của chúng tôi từng thích hợp trong quá khứ, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng gặp khó khăn, ông Lý Quang Diệu đã quả quyết rằng Singapore cần phải thay đổi".
Khi đó, Lý Quang Diệu là Bộ trưởng cấp cao, đã mang đến cho Thủ tướng Ngô Tác Đống một bản kế hoạch, thuyết phục ông này làm theo. Bản kế hoạch này sau đó đã mang đến những thay đổi quan trọng về mặt chính sách và hệ thống tài chính Singapore.
Trong bài phỏng vấn năm 1999, ông Lý Quang Diệu đã nói: "Nếu chính phủ làm theo cách mà tôi đã làm cách đây 30 năm là bảo hộ ngân hàng nội, thì các ngân hàng nay đã gặp rắc rối. Chúng ta ngày nay đang ở một đất nước có sự hiện diện của 200 ngân hàng lớn nhất và cạnh tranh nhất thế giới. Do đó điều cần làm là cải thiện khả năng cạnh tranh của mình, nếu không sẽ giống như New Zealand, nơi tất cả các ngân hàng địa phương đã bị sang tên đổi chủ và về tay người nước ngoài".
Ông Heng nói tiếp: "Nếu ông Lý Quang Diệu không áp dụng những chính sách thay đổi vào cuối thập niên 1990 và không biến khó khăn thành cơ hội, chúng tôi sẽ không thể nào trở thành trung tâm tài chính mạnh như ngày nay. Chuẩn bị mở cửa thị trường tài chính ngay trong chính tâm của cuộc khủng hoảng tài chính cần sự dũng cảm và khả năng tiên đoán xuất sắc. Đây là những phẩm nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu".
Sòng bạc, giải đua F1 và vấn đề đồng tính
Bước vào thế kỷ 21, các quốc gia đứng trước cuộc cạnh tranh không khoan nhượng về nhân tài, du lịch, vốn đầu tư. Điều này đòi hỏi đất nước phải điều chỉnh lại một cách tinh tế vài vấn đề động chạm đến xã hội và người dân Singapore.
Trong cuộc phỏng vấn năm 2007, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thừa nhận Singapore đã có quan điểm không rõ ràng về vấn đề người đồng tính. "Chúng tôi nói, được, hãy để họ yên. Nhưng về vấn đề luật pháp, hãy để đó tương lai giải quyết", ông nói. Trong khi Trung Quốc hay Đài Loan đã áp dụng những chính sách khá cởi mở, ông cho rằng Singapore còn có cộng đồng người Hồi giáo, một bộ phận người Hoa, người Ấn lớn tuổi và bảo thủ. "Do đó, chúng tôi để mọi thứ diễn biến thật chậm chạp. Đó là cách tiếp cận thực dụng để duy trì cân bằng xã hội", ông nói tiếp.
Từng có một thời gian dài cố Thủ tướng phản đối việc tổ chức giải đua Công thức một. Tuy nhiên, đến một ngày ông nhận ra rằng giải đua này mang đến một lực lượng những người hâm mộ giàu có và có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Singapore. Lợi ích lớn hơn là đẩy mạnh vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng làm ông Lý Quang Diệu "lung lay". Ngoài ra, ông nhận thức được rằng cảnh quay về cuộc đua sẽ là cơ hội quảng bá hình ảnh Singapore đến hàng tỷ người trên toàn thế giới.
Còn về vấn đề sòng bạc, trước đây ông từng tuyên bố nếu muốn làm thì phải "bước qua xác tôi". Nhưng trong bài phỏng vấn giải thích với New York Times năm 2007, ông thừa nhận: "Tôi không thích bài bạc. Nhưng thế giới đã thay đổi và nếu chúng tôi không có những khu nghỉ dưỡng được tích hợp sòng bạc như ở Las Vegas, Singapore sẽ thua. Do đó, chúng tôi quyết định tiến hành. Hãy thử và cố gắng giữ chúng trong phạm vi an toàn, không dính líu đến mafia, mại dâm hay rửa tiền. Chúng tôi có thể làm điều đó không? Tôi không chắc, nhưng cho đến nay cuộc thử nghiệm vẫn tốt".
Nói tiếp về quan điểm của mình, cố Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi phải đi theo bất cứ hướng nào mà hoàn cảnh thế giới hướng tới nếu muốn tồn tại. Nếu không kết nối với thế giới hiện đại, chúng tôi sẽ chết, sẽ quay lại với nhưng ngôi làng chài mà người dân Singapore đã từng ở cách đây cả trăm năm".