Lớp học cho người bỏ học

Paul Gu bỏ học Đại học Yale cách đây 4 năm để trở thành doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Thời gian đó, anh chuyển sang California và bắt tay với 2 cựu nhà điều hành của Google để thành lập một công ty cho vay trực tuyến gọi là Upstart.

Paul Gu từ bỏ Đại học Yale để khởi nghiệp.

Gu cũng giống như nhiều doanh nhân khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, ngoại trừ một điểm. Anh là một trong số ít người được nhà đầu tư tỉ phú Peter Thiel, một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thung lũng Silicon, chọn lựa giao cho suất học bổng 100.000 USD để họ rời bỏ môi trường đại học, theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp công nghệ. “Có nhiều quan điểm trái chiều về việc bỏ học để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp. Ai cũng muốn biết liệu tôi có cho rằng nhất thiết phải đi học đại học hay không”, Gu nói.

Trong 5 năm kể từ khi Peter Thiel công bố chương trình học bổng Thiel Fellowship, dự án đã thu hút nhiều sự chú ý, nhất là khi ông tuyên bố rằng giá trị của giáo dục bậc đại học đã bị thổi phồng quá mức. Đối với một số người, Thiel là một người nguy hiểm khi làm giảm giá trị của một hệ thống giáo dục được xem là con đường chắc chắn nhất đi đến thành công của hàng triệu người Mỹ. Đối với những người khác, ý tưởng của ông cho thấy tương lai của giáo dục Mỹ khi những bộ óc thông minh xuất chúng được tháo cũi sổ lồng khỏi những khuôn khổ của môi trường đào tạo đại học và khuyến khích họ tìm con đường riêng để phát triển bản thân.

Vào tháng 9.2010, khi Thiel công bố dự án này, nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào suy thoái và ngày càng có nhiều mối quan ngại về chi phí theo học đại học. Bản thân Thiel cho rằng chi phí đại học quá đắt đỏ trong khi chương trình chỉ khuyến khích đi theo lề lối cũ và không dạy gì về tinh thần khởi nghiệp. Do đó, ông muốn cho những tài năng trẻ tuổi một cơ hội để có thể theo đuổi đam mê.

Chỉ vài tháng sau khi Thiel công bố chương trình học bổng, tổ chức Thiel Foundation của ông đã nhận được hơn 400 hồ sơ xin đăng ký tham gia chương trình 2 năm này. Và có 24 người đã được chọn. Khoảng phân nửa là các sinh viên đến từ các trường đại học danh tiếng như Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Có 6 người tham gia ngay khi tốt nghiệp cấp III, từ bỏ hoàn toàn các cơ hội vào đại học. Một số người khác đều là các thần đồng: một người đã theo học tại MIT từ năm 14 tuổi, trong khi một người khác đã ở năm thứ 4 của chương trình Tiến sĩ ngành khoa học thần kinh ở tuổi 19.

Một số ý tưởng của những học viên này phù hợp với những gì Thiel nghĩ về các phát minh mang tính đột phá: tạo ra một thiết bị năng lượng mặt trời chi phí thấp, tái thiết kế xe lăn, cải thiện lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học thông qua tự động hóa. Một số ý tưởng khác thì mang tính “truyền thống” hơn như cải tiến ngành thương mại điện tử, phát triển các trò chơi giáo dục.

Trong số 24 người của lớp học đầu tiên, 9 người đồng ý trả lời phỏng vấn của The Chronicle. Những người khác từ chối hoặc không trả lời các yêu cầu phỏng vấn. Hầu hết những người trả lời phỏng vấn đều cho biết họ bỏ học đại học giữa chừng không phải vì họ thất vọng về nó mà vì họ nôn nóng muốn được đi làm ngay.

“Chúng tôi không nghĩ chương trình như một “tuyên ngôn” về giá trị của giáo dục. Và vì đây là một cơ hội tuyệt vời để được học về những điều mà chúng tôi thích làm và có thể thách thức bản thân mình. Và nếu một hoặc hai năm sau đó, mọi chuyện không như ý thì chúng tôi hoàn toàn có thể quay trở lại trường đại học”, Daniel Friedman, người rời khỏi trường Yale để thành lập một công ty thương mại điện tử với Paul Gu, cho biết.

Điều giá trị nhất của chương trình học bổng đối với nhiều người không phải là sự tự do hay vấn đề tiền bạc mà là mạng lưới mà họ được gia nhập. Chương trình này cho họ một môi trường khởi nghiệp vì được thực tập và làm việc với những nhóm chuyên gia tư vấn làm việc trong nhiều ngành, lĩnh vực mà họ khao khát được nhảy vào.

“Nhìn vào giống như là tôi tự mình đưa ra các quyết định lớn, nhưng điều đó không đúng”, Eden W. Full, một người tham gia chương trình học bổng của Thiel, nói. Cô rời Đại học Princeton để dành toàn thời gian nghiên cứu SunSaluter, một thiết bị mà cô thiết kế ngay từ thời học phổ thông để cung cấp năng lượng mặt trời giá rẻ và nước sạch cho những người dân ở các nước đang phát triển. Tổ chức Thiel Foundation đã kết nối cô với nhà sáng lập một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sạch, một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực năng lượng mặt trời và một luật sư về các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong suốt thời gian tham gia chương trình học bổng của Thiel, Full đã thành lập một tổ chức phi lợi nhuận hiện đang phát triển và phân phối SunSaluter đến 15 quốc gia và có cả một cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Cô đã quay về Princeton khi chương trình học bổng này kết thúc để hoàn thành chương trình kỹ thuật - cơ khí ở đây, nhưng vẫn làm việc tại tổ chức phi lợi nhuận của mình.

Full là một trong số trường hợp hiếm hoi đã thành công. Bởi lẽ, trên thực tế, nhiều người đã không còn tiếp tục ý tưởng ban đầu mà nhờ đó đã giúp họ giành được học bổng của Thiel. Airy Labs, một công ty trò chơi giáo dục do Andrew Hsu khởi nghiệp, là một ví dụ.

Trước khi thành lập Airy Labs, Hsu đang nghiên cứu tiến sĩ ngành khoa học thần kinh ở Đại học Stanford. Khi ra riêng, anh đã thành công bước đầu khi Airy Labs nhận được vốn rót từ nhà đầu tư mạo hiểm và đã mở rộng Công ty lên tới hơn 20 nhân viên. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, Công ty đã đóng cửa vì quản lý kém, theo một bài báo năm 2012 trên trang công nghệ TechCrunch. Hsu từ chối lời mời phỏng vấn nhưng Thiel Foundation cho biết hiện Hsu đang thành lập một công ty mới với một người khác trong chương trình học bổng của Thiel.

Những người khác tham gia chương trình học bổng của Thiel Foundation cũng gặp một số trở ngại, dù không đến mức như Hsu. Friedman và Gu đã nhanh chóng từ bỏ ý tưởng về thương mại điện tử sau khi nhận ra rằng họ chưa sẵn sàng để điều hành một doanh nghiệp. Friedman tiếp tục thực tập tại một công ty đầu tư mạo hiểm và học về giải mã và phát triển sản phẩm. Quá trình học tại đây đã giúp anh và một đối tác mới khác thành lập Thinkful, một công ty cung cấp các khóa học về phát triển web.

Còn David Luan, cũng theo học chương trình của Thiel, thì nhận thấy các công ty công nghệ sinh học chưa sẵn sàng để đầu tư vào hệ thống đắt đỏ mà anh đã nghĩ ra để tự động hóa công việc nghiên cứu của họ. Vì thế, anh đã vận dụng những gì được đào tạo về robot để phát triển một dịch vụ gọi là Dextro, chuyên phân tích nội dung của các bức ảnh và video. Anh cũng đã trở lại Yale để hoàn tất chương trình đại học. Mặc cho những khó khăn gặp phải, hầu hết các học viên tham gia chương trình học bổng của Thiel đều cho biết họ rất mừng vì đã được tham gia chương trình.

Vậy hãy quay trở lại câu hỏi liệu có chương trình nào thay thế được cho môi trường giáo dục đại học?. Câu trả lời của Paul Gu, đồng sáng lập Upstart, là “Có. Nhưng bạn phải làm việc rất cật lực”. Những người khác thì cho rằng bỏ học không phải là lựa chọn đúng đắn cho nhiều sinh viên, nhưng họ hy vọng họ chính là bằng chứng cho thấy không chỉ có một con đường đi đến thành công.

“Cả giáo dục đại học lẫn trải nghiệm tại chương trình Thiel Foundation đều rất có giá trị đối với tôi. Tôi không xem cái nào là hơn cái nào. Nhưng chúng ta cần phải khuyến khích các sinh viên rằng họ có thể bước ra khỏi ranh giới bất cứ lúc nào họ muốn. Tôi muốn sống cuộc sống của tôi như là một minh chứng cho điều đó”, Eden W. Full, một người thành công nhờ chương trình của Thiel, nhận xét.