Lee Byung-Chul – Cha đẻ nền công nghiệp Hàn Quốc

Lee Byung-Chul – Cha đẻ nền công nghiệp Hàn Quốc

Đối với người Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế, văn hóa, chính trị lẫn truyền thông và Lee Byung-Chul – người sáng lập ra tập đoàn thương mại lớn nhất Hàn Quốc này cũng trở thành một nhân vật đáng ngưỡng mộ.

Điện thoại, tivi, máy điều hòa, máy giặt… nhìn xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng thấy thương hiệu Samsung ở bất cứ đâu. Là công ty điện tử lớn nhất thế giới theo doanh thu và lớn thứ tư thế giới theo giá trị thị trường năm 2012, Samsung là thương hiệu bảo chứng về chất lượng lẫn mẫu mã cho người sử dụng. Ít ai biết rằng, Tập đoàn Samsung còn chia ra nhiều nhánh khác, từ đóng tàu, xây dựng, bảo hiểm cho đến quản lý công viên, quảng cáo hay không gian vũ trụ…

Samsung - Hơn cả ba sao

Năm 1938, Lee Byung-Chul - khi ấy vừa 30 tuổi, đã thành lập Samsung (nghĩa là ba ngôi sao) ở Daegu với số vốn là 30.000 won (bằng khoảng 2.000 tháng lương trung bình lúc bấy giờ, tương đương 5 triệu USD ở thời điểm hiện tại). Xuất phát chỉ là một doanh nghiệp vận tải, sau đó kiêm thêm buôn bán nhỏ lẻ với các mặt hàng do chính công ty sản xuất, Samsung có được khởi đầu thuận lợi khi nhanh chóng làm ăn phát đạt.

Sau đó, với sự sụp đổ của chế độ thực dân, Lee đã có một quyết định cực kỳ can đảm và thông minh vào năm 1947: chuyển trụ sở của Samsung đến thủ đô Seoul. Đối với ông, đây là nơi duy nhất có thể đưa Samsung bước lên con đường thành công và danh vọng.

Vào cuối thập niên 1960, Samsung bắt đầu tham gia vào ngành công nghiệp điện tử. Một loạt các công ty chuyên về điện tử được thành lập như: Samsung Electronics Devices, Samsung Electro-Mechanics, Samsung Corning, Samsung Semiconductor & Telecommunication và sau đó, Samsung cũng cho ra đời sản phẩm đầu tiên là tivi đen trắng.

Vào những năm 1980, Công ty Điện tử Samsung đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển. Năm 1980, Samsung mua lại Công ty Hanguk Jeonja Tongsin và tham gia vào lĩnh vực công nghiệp phần cứng viễn thông.

Sản phẩm đầu tiên là bộ chuyển mạch. Đây chính là nền tảng để Samsung tiến vào công nghiệp sản xuất điện thoại, máy fax và các sản phẩm điện tử khác, cũng là chìa khóa then chốt đưa Samsung trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghiệp điện tử trên thế giới và chiếm một địa vị vững chắc ở Hàn Quốc.

Cha đẻ của nền công nghiệp Hàn Quốc

Phải biết rằng, ở Hàn Quốc thời bấy giờ, việc đời sau của các địa chủ giàu có kế thừa tài sản của gia đình rồi đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh không phải là hiếm. Tuy nhiên, không nhiều người có thể thành công từ những tài sản đã được kế thừa đó và càng ít người có thể thành công đột phá - trở thành thế hệ chaebol (tài phiệt) đời tiếp theo. Muốn đưa một gia đình kinh doanh nhỏ trở thành một tập đoàn khổng lồ, bạn phải cần những phẩm chất khác nữa và Lee Byung-Chul đã chứng minh điều đó.

Không phải tự nhiên mà Lee được coi như là cha đẻ của nền công nghiệp Hàn Quốc. Rõ ràng, ông rất có tố chất kinh doanh và biết nên làm thế nào để thành công. Lee Byung-Chul nổi tiếng là một người gia trưởng, quan tâm đến nhân viên và cũng rất biết cách "chơi chiêu" trong kinh doanh.

Sau những tháng năm hỗn loạn của cuộc chiến tranh Triều Tiên, Lee và Công ty Samsung của ông vẫn tồn tại vững chắc. Trong khoảng thời gian này, Lee giữ mối quan hệ hòa hảo với chính phủ của Rhee Syng-man (Lý Thừa Vãn) và điều này đã giúp ông đảm bảo được nhiều hợp đồng có lợi - và chúng còn thường là hợp đồng thương mại nước ngoài.

Vào cuối những năm 1950, Lee đã trở thành người giàu nhất Hàn Quốc - cùng lúc cũng trở thành biểu tượng tham nhũng. Để giải quyết vấn đề "bị" coi là tham nhũng, đồng thời "cứu" Samsung sau sự sụp đổ của Rhee Syng-man, Lee đã gặp mặt tướng Park Chung-hee - người đứng đầu chính quyền quân sự bấy giờ. Cả hai đã đi đến thỏa thuận: Tất cả lỗi lầm quá khứ của Lee sẽ được bỏ qua, với điều kiện ông phải sẵn sàng làm việc với mục tiêu ủng hộ chính phủ mới, đây cũng là giai đoạn Hàn Quốc chuyển mình trở thành quốc gia công nghiệp.

Có thể nói, chính kỹ năng kinh doanh và quản lý của Lee Byung-Chul đã đưa Samsung vươn lên trở thành một tập đoàn lớn mạnh hàng đầu Hàn Quốc. Con người ông là tập hợp của sự liều lĩnh và kiên định trong kinh doanh.

Trước hết, có thể kể đến việc ông luôn trung thành với suy nghĩ của bản thân và tin tưởng rằng sự phát triển của kinh doanh là yếu tố góp phần tạo nên sự thành công của quốc gia. Chính suy nghĩ đó đã khiến ông luôn nỗ lực trong việc phát triển kinh tế để phát triển đất nước. Sự nỗ lực của ông đã làm tan băng mối quan hệ với chính phủ và giúp các doanh nghiệp cá nhân phát triển.

Bên cạnh đó, Lee rất sắc sảo trong nhận định và tầm nhìn, ông còn rất biết cách tránh đi rắc rối và những điều này đã giúp sự nghiệp của ông ngày càng thăng tiến. Trong suốt hành trình Lee dẫn dắt Samsung, công ty này luôn nổi tiếng là có một vị lãnh đạo vô cùng tài giỏi và biết được tất cả.

Nhắc đến thành công của Samsung, không thể không kể đến tài năng về mặt lãnh đạo của người sáng lập. Trong suốt cuộc đời mình, Lee Byung-Chul luôn duy trì nguyên tắc rằng, khi làm lãnh đạo thì phải biết dung hòa giữa ba yếu tố cơ bản: thị trường, con người và quản lý.

Ông là một trong những người điều hành rất tin tưởng vào nhân viên của mình và có thể để họ tự thân làm việc mà không hề giám sát. Một điều thú vị trong "chiến lược kinh doanh" của Lee mà có lẽ ít người biết đó là ông không hề thuê một chuyên gia kinh doanh để làm cố vấn cho mình mà thay vào đó là một nhà tâm lý học.

Đối với ông, quản lý không phải là chơi với những con số, mà phải là quản lý con người. Chính niềm tin vào con người, coi những nhân viên của mình là tài sản giá trị nhất của công ty đã giúp Lee xây dựng một tập thể đồng lòng gắng sức đưa Samsung trở thành công ty danh tiếng toàn cầu.

Có thể Lee Byung-Chul chưa phải là một nhà doanh nghiệp hoàn hảo. Sự nghiệp của ông có lúc lên lúc xuống, nhưng không thể phủ nhận những gì ông mang đến cho công nghiệp Hàn Quốc là không thể thay thế. Chính vì vậy, đối với mỗi người dân Hàn Quốc, cái tên Tập đoàn Samsung và Lee Byung-Chul - người thành lập ra nó, luôn là một niềm tự hào.