Lãnh đạo sẽ thất bại nếu làm việc quá chăm

Lãnh đạo sẽ thất bại nếu làm việc quá chăm

Nếu làm việc liên tục suốt nhiều giờ thường mang đến lợi ích cho giai đoạn đầu xây dựng sự nghiệp, thì khi bạn bước lên vị trí lãnh đạo, duy trì thói quen này sẽ gây tổn hại đến sự nghiệp. Lý do duy nhất là vì trách nhiệm công việc giờ đây đã chuyển đổi.

Năm 2007, khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên, Marshall Goldsmith ra mắt quyển sách "What Got You Here Won't Get You There".

Trong quyển sách này, Goldsmith phân tích những tích chất có thể ngăn cản cũng như đưa tác nhân giúp phát triển sự nghiệp trong kinh doanh. Theo đó, những thói quen như luôn muốn giành chiến thắng trong bất cứ lúc nào, thêm vào quá nhiều giá trị và bị ám ảnh bởi việc phải đạt được các mục tiêu ngắn hạn sẽ dẫn đến việc quên mất tầm nhìn dài hạn.

Như nhiều thói quen Goldsmith đã chỉ ra trong quyển sách của mình, điều ngạc nhiên là mọi người rất khó nhận ra tác hại của việc làm việc quá sức ảnh hưởng đến bản thân và đồng nghiệp như thế nào.

Khi mới bắt đầu, làm việc ban đêm và cuối tuần giúp bạn được chú ý. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa bạn và các đồng nghiệp ít siêng năng hơn, từ đây bạn được ghi nhận các nỗ lực và thăng tiến. Theo cách này, làm việc chăm chỉ trở thành một phần trong lối suy nghĩ của bạn.

Giai đoạn đầu của sự nghiệp, thước do duy nhất đánh giá sự thể hiện của bạn trong công việc chính là cách bạn quản trị bản thân. Tuy nhiên, càng lên các vị trí cao hơn, công việc của bạn càng liên quan đến việc quản trị nhiều người hơn. Khi đó, các kỹ năng xử lý, điều phối công việc trở nên cực kỳ quan trọng. Lúc này, thành công là khi có thể thuần thục kỹ năng tương tác với các cá nhân khác.

Marshall Goldsmith là chuyên gia huấn luyện về lĩnh vực quản lý và lãnh đạo.

Ông đã làm việc với hơn 80 CEO và đội ngũ quản l‎ý của họ. Ông được các tạp chí kinh tế nổi tiếng như Forbes, Business Week, The Economist và rất nhiều ấn phẩm kinh tế khác bình chọn là một trong những nhà huấn luyện và đào tạo quản trị hàng đầu thế giới.

Hiệp hội Quản trị Mỹ (AMA) đã bình chọn Marshall Goldsmith vào danh sách 50 nhà lãnh đạo và tư duy vĩ đại có ảnh hưởng lớn tới lĩnh vực quản l‎ý.


Vậy thì điều gì sẽ xảy ra trong quá trình tương tác khi chúng ta làm việc với trạng thái kiệt sức?

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi chúng ta đang ở mức năng lượng thấp, chúng ta thường có xu hướng ngộ nhận mọi việc đang xảy ra xung quanh, thường là theo hướng tiêu cực.

Khi chúng ta mệt mỏi, chúng ta có xu hướng cáu gắt với mọi người ngay cả với những điều nhỏ nhặt.

Như vậy, chúng ta không chỉ cảm nhận thế giới xung quanh mình theo cách tiêu cực mà điều nguy hiểm là chúng ta ứng xử dựa trên những thông tin thu nhặt được đó.

Khi bạn càng ở vị trí cao trong một tổ chức, bạn càng bị đặt vào tình thế phải đưa ra các quyết định phức tạp. Chất lượng các quyết định sẽ suy giảm khi chúng ta mệt mỏi.

Càng nhiều lựa chọn phải đối diện, càng ít có thời gian để bạn phục hồi năng lượng. Làm việc quá sức và thiếu ngủ sẽ ngăn bạn nhìn nhận vấn đề được rõ ràng và từ những góc nhìn khác sáng tạo hơn.

Tất cả những điều trên đều sẽ dẫn đến điều nguy hiểm nhất là giảm sự gắn kết của nhân viên cấp dưới với bạn.

Một nghiên cứu năm 2010 nhằm vào việc tìm ra điều gì sẽ xảy ra khi nhân viên làm việc liên tục trong nhiều giờ.

Hàng trăm nhân viên từ nhiều tổ chức khác nhau đã tham gia khảo sát hai lần: một lần vào lúc bắt đầu khảo sát và lần hai là một năm sau đó.

Kết quả cho thấy, các nhân viên này không chỉ ít sáng tạo hơn trong công việc mà còn bị kiệt sức về cảm xúc và mắc phải các bệnh như đau đầu, đau dạ dày.

Thực tế cho thấy, khi cấp trên làm việc liên tục trong nhiều giờ, cấp dưới thường cũng cảm thấy phải chăm chỉ làm việc theo.

Vậy thì, đâu là giải pháp cho vấn đề này? Trong quyển sách của mình, Goldsmith đã đưa ra lời khuyên cho lãnh đạo các doanh nghiệp là hãy suy nghĩ nhỏ, tìm và bắt đầu từ một thói quen bạn có thể thay đổi trước hết.

Theo Goldsmith, hầu hết các sự thay đổi về thói quen như cố gắng ăn các thực phẩm tốt cho sức khỏe hoặc luyện tập thể dục thường xuyên đều không duy trì được lâu. Nguyên nhân chung dẫn đến các kết quả này là do mọi người quá tham vọng.

Thay vì quyết định thay đổi toàn bộ thói quen xử lý công việc của mình ngay lập tức, bạn hãy tìm ra thói quen nào bạn dễ dàng và thoải mái khi thay đổi nhất, và bắt đầu từ chúng.

Ví dụ, cố gắng không sử dụng điện thoại khi về nhà vào buổi tối, như vậy bạn sẽ không thể kiểm tra email công việc mỗi khi điện thoại nằm trong tầm mắt của bạn.

Hoặc dành một vài phút để tìm hiểu cách thiết lập hệ thống mail để mọi email được gửi vào buổi tối sẽ xuất hiện đầu tiên vào buổi sáng hôm sau. Làm như vậy bạn sẽ không bị cảm giác lúc nào cũng phải thúc đẩy để công việc tiến lên.

Cách thứ hai để thay đổi là bạn không cần phải cố gắng cắt đứt mọi liên lạc mà tìm một hoạt động thú vị nào đó thay vào khoảng thời gian trống sau giờ làm. Lý tưởng nhất là chọn những hoạt động mà bạn luôn muốn thử nghiệm từ trước như: đạp xe đi dạo, tham gia lớp tập thể dục, đăng ký học nấu ăn.

Những hoạt động này không chỉ giúp tái tạo năng lượng não bộ mà còn điều hòa cảm xúc cá nhân khi bạn thấy được cuộc sống của mình không phải chỉ có công việc.