Làm thế nào để ra quyết định như những người thành công?

Làm thế nào để ra quyết định như những người thành công?

(NDH) Mỗi ngày trôi qua bạn đều phải đối mặt với hàng loạt các quyết định. Một nghiên cứu của trường Đại học Columbia cho thấy trung bình mỗi người phải đưa ra 70 quyết định/ngày.


Một số chỉ là những điều nhỏ nhặt như hôm nay mình ăn gì, đi đường nào đến công sở, hay mình sẽ sắp xếp công việc theo thứ tự như thế nào.

Những quyết định khác thì khó khăn hơn, chẳng hạn như quyết định lựa chọn một trong hai lời mời làm việc, có nên chuyển đến một thành phố mới để ở gần người mình yêu hay không, hoặc có nên loại bỏ một người ra khỏi cuộc đời của mình hay không.

Với biết bao nhiêu thứ phải quyết định hàng ngày, việc học cách đặt thứ tự ưu tiên cho chúng và đưa ra quyết định một cách hiệu quả là điều thiết yếu để bạn chạm tới thành công và hạnh phúc.

Những người thành công áp dụng rất nhiều chiến thuật để đưa ra quyết định một cách hiệu quả, và dưới đây là một số chọn lọc tinh túy nhất mà chúng ta có thể học tập từ họ.

Họ biến những quyết định nhỏ thành thói quen sinh hoạt…

Việc đưa ra quyết định cũng giống như cơ bắp của chúng ta: nếu bạn sử dụng chúng suốt cả một ngày dài, chúng sẽ trở nên rã rời và không thể hoạt động một cách hiệu quả. Một trong những phương pháp hay nhất mà những người thành đạt áp dụng để tránh sự mệt mỏi này là loại bỏ các quyết định nhỏ nhặt bằng cách biến chúng thành thói quen sinh hoạt. Từ đó, họ để dành tâm trí cho những quyết định phức tạp hơn.

Steve Jobs nổi tiếng với hình ảnh hàng ngày đi làm trong chiếc áo cổ lọ màu đen. Mark Zuckerberg thì vẫn mặc chiếc áo hoodie quen thuộc. Cả hai người này đều cho biết những hình ảnh mang tính biểu tượng đó là kết quả của việc biến những quyết định nhỏ nhặt thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của họ.

Họ đều nhận thức được khả năng có hạn của con người trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn mỗi ngày, cũng như Barack Obama đã từng nói: “Bạn sẽ thấy rằng tôi chỉ mặc những bộ vét màu xám hoặc xanh dương. Tôi đang cố gắng giảm bớt các quyết định của mình. Tôi không muốn bận tâm về việc mình ăn gì hay mặc đồ gì bởi tôi có quá nhiều việc khác phải đưa ra quyết định.”

… và đưa ra những quyết định lớn vào buổi sáng

Một cách nữa để tránh việc mệt mỏi với quá nhiều quyết định là để dành những quyết định nhỏ vào sau giờ làm việc và giải quyết những vấn đề phức tạp hơn vào buổi sáng, khi tâm trí của bạn vẫn đang còn thông suốt. Khi bạn phải đối mặt với hàng loạt những quyết định quan trọng, một mẹo hay là thức dậy thật sớm và thực hiện phần việc khó khăn nhất trước khi bạn bị xao nhãng bởi những quyết định kém quan trọng hơn (như trả lời điện thoại hay email).

Một chiến thuật tương tự là giải quyết một vài công việc nhỏ vào đêm hôm trước để có một khởi đầu tốt hơn vào ngày hôm sau. Ví dụ như, bạn có thể bày sẵn quần áo để khi thức dậy sẽ không phải suy nghĩ xem mình nên mặc đồ gì.

Họ để ý tới những cảm xúc của chính mình

Người xưa từng nói: “Đừng đưa ra quyết định lâu dài dựa trên những cảm xúc nhất thời” và điều này hoàn toàn chí lý. Những người thành công nhận ra và hiểu cảm xúc của họ (kèm theo đó là mức độ và tầm ảnh hưởng của những cảm xúc đó lên hành vi của mình), để từ đó họ có thể đưa ra quyết định một cách khách quan và hợp tình hợp lý nhất có thể.

Đáng tiếc là, hầu hết mọi người đều không giỏi trong việc kiểm soát và thậm chí là nhận biết cảm xúc của họ. TalentSmart đã điều tra trong số hơn một triệu người và phát hiện ra rằng chỉ có 36% là có khả năng nhận diện chính xác cảm xúc khi chúng đến. Mặt khác, những người đưa ra quyết định giỏi biết rằng một tâm trạng tồi có thể dễ dàng khiến họ đi chệch hướng khỏi chiếc la bàn đạo đức của họ cũng giống như một tâm trạng tốt có thể khiến họ tự tin thái quá và bốc đồng.

Họ đánh giá những lựa chọn của mình một cách khách quan

Đứng trước mỗi quyết định, những người thành công thường cân nhắc những lựa chọn của mình dựa trên một loạt các tiêu chí đã đặt ra từ trước bởi họ hiểu rằng điều này làm cho việc đưa ra quyết định trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Sau đây là một số tiêu chí giúp ích cho việc cân nhắc của bạn: Quyết định này có lợi cho tôi như thế nào? Nó gây hại cho tôi ra sao? Nó có lợi cho ____ như thế nào? Nó gây hại cho ____ như thế nào? Quyết định đó có phản ánh đúng giá trị của tôi hay không? Liệu tôi có hối hận khi đưa ra quyết định này không? Liệu tôi có hối hận vì đã không đưa ra quyết định này không?

Họ đi ngủ với những quyết định vẫn đang được cân nhắc trong đầu…

Mang những quyết định vào giấc ngủ bảo đảm việc bạn sẽ có một tư tưởng thông suốt hơn để tiếp cận chúng vào ngày hôm sau. Điều này còn cho phép những cảm xúc của bạn phai dần đi. Khi bạn hành động quá nhanh, bạn thường có xu hướng phản ứng lại, nhưng nếu bạn dành nhiều sự tập trung và thời gian hơn cho quyết định của mình, bạn có thể phát hiện ra những khía cạnh quan trọng của nó mà trước đây bạn không nhận ra.

… nhưng không quá lâu

Những người thành công hiểu tầm quan trọng của việc thu thập nhiều thông tin hết mức có thể, nhưng đồng thời, họ đảm bảo rằng mình không trở thành nạn nhân của chứng bệnh tê liệt phân tích. Thay vì ngồi đợi các hành tinh thẳng hàng, họ biết rằng họ cần phải có thời gian biểu để theo dõi tiến độ đưa ra kế hoạch của mình. Một khi họ đã ấn định một ngày cụ thể, họ sẽ có động lực làm việc chăm chỉ hơn để hoàn thành đúng thời hạn.

Họ tập thể dục để nạp năng lượng

Sự căng thẳng của việc đưa ra một quyết định quan trọng sẽ sản sinh cortisol, một chất hóa học gây nên phản ứng stress cấp tính. Cortisol làm hạn chế khả năng suy nghĩ thông suốt và lý trí của bạn. Khi bạn thấy mình bị stress trước một quyết định nào đó, hãy thử tập thể dục.

Chỉ cần 30 phút là đủ để nạp cho cơ thể một liều endorphin giúp tinh thần minh mẫn trở lại. Việc tập thể dục còn giúp bạn vượt qua trạng thái stress cấp tính bằng việc đưa chất cortisol trong người bạn trở về với công dụng thực tế của nó. Nghiên cứu cho thấy tập thể dục trong thời gian dài nâng cao hoạt động của não bộ, đặc biệt là bộ phận chịu trách nhiệm cho việc đưa ra các quyết định.

Họ luôn bám lấy la bàn đạo đức của mình

Những người thành công hiểu được tầm quan trọng của việc gắn đạo đức với những quyết định mà họ đưa ra. Đạo đức được coi là một chỉ dẫn đáng tin cậy khi những cảm xúc đang lôi kéo bạn theo một hướng khác.

Họ tìm kiếm sự tư vấn từ bên ngoài

Khi tiếp cận một quyết định, chúng ta có xu hướng đi theo một lựa chọn và sau đó thu thập thông tin để hỗ trợ cho lựa chọn ấy, thay vì thu thập thông tin trước rồi mới đưa ra quyết định (đây được gọi là thiên kiến xác nhận).

Một cách hay để tránh tình trạng thiên kiến xác nhận là tìm đến những lời khuyên từ bên ngoài, từ những người có thể mang đến các cách nhìn nhận khác nhau cho vấn đề của bạn. Quan điểm của họ sẽ giúp bạn cân nhắc các lựa chọn một cách khách quan hơn và nhận ra những khuynh hướng chủ quan và vô lý của mình.

Họ suy ngẫm về những quyết định trước đây

Mark Twain đã miêu tả bản chất phức tạp của việc đưa ra quyết định như thế này: “Những quyết định tốt đến từ kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm là bắt nguồn từ những quyết định tồi.”

Điều này không có nghĩa rằng cách duy nhất để trở thành một người đưa ra quyết định giỏi là phải mắc thật nhiều sai lầm; nó đơn giản chỉ ra rằng việc suy nghĩ lại về những quyết định trong quá khứ là một điều quan trọng.

Những người thành công có đủ nhận thức về những quyết định trước đây của họ để biến chúng thành có lợi khi một vấn đề tương tự xảy đến.

Sử dụng tất cả những gì mà mình có

Bởi những quyết định có thể đem lại hậu quả kéo dài nhiều ngày, tuần hay thậm chí là năm, việc đưa ra một quyết định tốt đòi hỏi một nỗ lực xứng đáng với từng giây phút và năng lượng của bạn.