Kỳ vọng gì từ người bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg?

Kỳ vọng gì từ người bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg?

Một điều thú vị ít người biết, đó là Dustin Moskovitz và Mark Zuckerberg, hai người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho Facebook đều không theo học ngành công nghệ thông tin ở đại học Havard.

Zuckerberg đăng ký học chuyên ngành Tâm lý học, còn Dustin thì đang là một sinh viên ngành kinh tế.

Dustin Moskovitz (thứ hai bên trái) trong “Bộ tứ siêu đẳng” đặt nền móng cho Facebook

Như một câu cửa miệng của người phương Tây "Không thể kỳ vọng ít hơn từ người đó" (Can't expect any thing less from…), trong khi tên tuổi Mark Zuckerberg - CEO của Facebook đã trở nên quá quen thuộc với hàng triệu người trên thế giới thì người bạn cùng phòng của anh ở trường đại học Havard năm nào cũng xây dựng cho mình một sự nghiệp riêng thành công không kém. Chúng ta đang nhắc tới Dustin Moskovitz, cái tên trẻ nhất trong danh sách tỷ phú Forbes 400 năm nay.

Công thần của Facebook

Một điều thú vị ít người biết, đó là Dustin Moskovitz và Mark Zuckerberg, hai người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho Facebook đều không theo học ngành công nghệ thông tin ở đại học Havard. Zuckerberg đăng ký học chuyên ngành Tâm lý học, còn Dustin thì đang là một sinh viên ngành kinh tế. Tuy nhiên hai người bạn cùng phòng này đều có niềm yêu thích vô tận đối với công nghệ, và đều bị cuốn vào ý tưởng lập ra một trang danh bạ trực tuyến cho tất cả các sinh viên trong trường Havard mang tên Thefacebook, tiền thân của Facebook ngày nay. Sau một năm học ở Havard, Mark và Dustin cùng với hai người bạn nữa quyết định bỏ học, chuyển tới Palo Alto, California để tiếp tục phát triển và mở rộng tầm ảnh hưởng của Facebook ra ngoài khuôn khổ một trường đại học.

Với vai trò là người đồng sáng lập của Facebook, Dustin Moskovitz tham gia gánh vác một vai trò không hề nhỏ trong đế chế này: anh là phó chủ tịch mảng kỹ thuật của Facebook đồng thời là người chịu trách nhiệm phát triển trang web trên ứng dụng điện thoại di động. Trong những giai đoạn khó khăn nhất với những vụ kiện tụng liên miên, Moskovitz đã cùng các cộng sự lèo lái con thuyền Facebook vượt qua sóng gió một cách an toàn.

Năm 2008, khi cỗ máy Facebook bắt đầu vận hành trơn tru và nỗ lực của nhóm phát triển bắt đầu được đền bù bằng sự phát triển với tốc độ như vũ bão của thương hiệu này thì Dustin Moskovitz đưa ra một tuyên bố làm rúng động cộng đồng những người theo dõi bước đi của Facebook: tách ra đi con đường riêng.

Có rất nhiều đồn đoán về sự ra đi của Moskovitz, nhiều người thậm chí cho rằng ắt hẳn đã có lục đục nội bộ trong ban quản trị của Facebook. Nhưng cho tới tận bây giờ, tức là sáu năm sau cuộc chia tay này, Mark và Dustin vẫn dành những lời thân thiện để nói về nhau. CEO của Facebook từng nói "Moskovitz sẽ luôn được nhớ tới ở Facebook, và bản thân tôi sẽ luôn tìm tới anh khi cần những lời khuyên!". Tất nhiên là sau khi "ra riêng", Dustin vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phần trong tổng tài sản của Facebook. Năm 2014, khi giá trị cổ phiếu Facebook tăng chóng mặt, Dustin Moskovitz đã chính thức gia nhập bản danh sách Forbes 400 danh giá, và trở thành tỷ phú trẻ nhất trong danh sách đó, mặc dù chỉ sinh sau người bạn cùng phòng Mark Zuckerberg đúng 8 ngày.

Riêng một góc trời với Asana

Kỳ vọng gì từ người bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg? (1)
Dustin và Justin Rosenstein đã rời Facebook để cùng xây dựng Asana

Thế là Dustin Moskovitz cùng với Justin Rosenstein - một kỹ sư của Facebook do chính anh tuyển dụng cùng rời Facebook để tìm kiếm một hướng đi mới, một trợ thủ đắc lực cho người đi làm trong việc quản lý công việc, sắp xếp lịch và làm việc nhóm mang tên Asana. Ý tưởng của chàng trai trẻ khi ấy là biến Asana thành một dịch vụ cần thiết cho sự nghiệp của mọi người cũng như Facebook cần thiết với đời sống riêng tư của họ vậy.

Vậy Asana là gì? Đây là một phần mềm trực tuyến hỗ trợ rất thiết thực đối với công việc hằng ngày của người đi làm. Thay vì tạo ra một mạng xã hội nơi mọi người có thể chia sẻ suy nghĩ và tâm trạng của mình, Asana lại tập trung vào việc tạo ra một không gian chung nơi mọi người có thể tạo list những việc cần làm và chia sẻ với nhau.Cấp trên có thể giao việc cho nhân viên trên Asana, có thể sắp xếp mức độ ưu tiên của từng công việc. Mọi người trong nhóm đều có thể dễ dàng theo dõi tình trạng thực hiện một công việc còn dang dở hay đã hoàn thành, thậm chí có thể tham gia đóng góp ý tưởng. Mô tả về Asana, Moskovitz từng dí dỏm nói : "Chúng tôi tích hợp email, bảng tin và các cuộc họp vào Asana".

Cái tên Asana vốn là tên gọi các tư thế thiền trong Yoga, mang lại cho người tập cảm giác cân bằng, tĩnh tại, thanh thản mà không phải tốn nhiều sức lực. Dustin cũng đặt cho phần mềm quản lý công việc của mình kỳ vọng tương tự như vậy: phong cách nhất quán của Asana là tối giản hết mức có thể những chi tiết thừa thãi, rườm rà, chỉ tập trung vào những tiện ích đỉnh cao để công việc có thể được sắp xếp và quản lý một cách hiệu quả, đơn giản và ngăn nắp hơn nhiều lần.

Mới ra đời từ tháng 11 năm 2011, nhưng tới nay Asana đã là cái tên tâm đắc của nhiều nhân viên văn phòng, thậm chí nhiều doanh nghiệp lớn cũng sử dụng phần mềm này trên quy mô lớn. Ở thung lũng Silicon, đây là cái tên được quan tâm chỉ sau Facebook và Twitter. Còn ở Việt Nam, Asana cũng đã có mặt và tỏ ra đặc biệt hữu dụng đối với những người trẻ tuổi làm việc trong lĩnh vực freelancing (làm việc tự do) do hỗ trợ làm việc nhóm rất tốt. Dễ thấy phần mềm này sẽ còn tiếp tục mở rộng trong tương lai, và sẽ sớm trở thành ứng dụng không thể thiếu trong công sở.

Bài học Dustin Moskovitz

Kỳ vọng gì từ người bạn cùng phòng của Mark Zuckerberg? (2)
Giao diện của Asana

Từng theo học ngành kinh tế và bước ra từ nhóm quản trị Facebook - trang web có tốc độ phát triển nhanh vào bậc nhất nhì trong số các website công nghệ, Dustin nắm rất rõ những biện pháp để hạn chế tính phi kinh tế của quy mô, tinh giản cơ cấu tổ chức, tập trung vào năng suất lao động. Dưới đây là những "chiêu" lợi hại của Moskovitz:

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Khác với nhiều tập đoàn lớn tiêu tốn khá nhiều chi phí vào việc xây dựng một bộ máy điều hành cồng kềnh với vô số ban bệ thì Dustin Moskovitz lại có quan điểm chỉ cần tuyển dụng một số lượng nhỏ những nhân viên tài năng hàng đầu thế giới, nhưng những nhân viên đó phải phối hợp chặt chẽ và ăn ý với nhau. Số tiền tiết kiệm được từ việc tinh giản bộ máy quản trị được Dustin sử dụng để trả mức lương cao ngất ngưởng cho những nhân viên ưu tú này.

Giao khoán kết quả cho nhân viên

Tương tự thời còn ở Facebook, Dustin áp dụng chiến lược đo lường năng suất làm việc của nhân viên thông qua số lượng người dùng mà nhân viên đó quản lý. Cách quản lý này không hề gò bó nhân viên trong thời gian làm việc, tác phong nơi công sở… hay nhiều tiểu tiết phức tạp khác, mà chỉ tập trung tối đa vào việc nâng cao hiệu quả công việc.

Không màu mè

Chủ trương không phí thời gian, công sức và tiền bạc cho những thứ màu mè phô trương được thể hiện xuyên suốt trong giao diện và cách thức hoạt động của Asana. Chính sự mạch lạc, đơn giản và dễ tiếp cận làm cho ứng dụng này trở nên vô cùng thân thiện với người dùng. Trụ sở làm việc của Asana cũng rất giản dị: thay vì những chiếc bể bơi xa hoa như ở Google hay những quầy bar hào nhoáng như ở Facebook, thứ trò chơi duy nhất được đặt trong văn phòng là một máy trò chơi thịnh hành từ những năm 1960 - Twister.