Chị Loan nhà ở quận 3, TP HCM khá rành các loại mỹ phẩm. Nhiều năm nay, để yên tâm, chị thường nhờ người thân mua từ nước ngoài đem về hoặc lấy ở các mối hàng xách tay quen. Sản phẩm chị chuộng nhất là phấn, kem dưỡng da, son môi và nước hoa.
Nhưng gần một năm trở lại đây, chị Loan gần như chia tay với các sản phẩm quen thuộc này, đặc biệt là phấn và kem, để chuyển qua sử dụng mỹ phẩm handmade do một người quen sản xuất.
"Thông tin hóa chất không rõ ràng trong mỹ phẩm công nghiệp ngày càng làm tôi lo lắng. Kể từ đó tôi bắt đầu để ý nhiều hơn đến các thành phần, công dụng nên quyết định chọn dùng mỹ phẩm tự làm", chị nói.
Nắm bắt tâm lý này, hơn một năm nay, phong trào sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm handmade của các cá nhân bắt đầu nở rộ và thu hút lượng khách hàng khá đông.
Thu Phương (biệt danh Obee) - chủ một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm handmade ở Hà Nội cho biết, ban đầu làm ra mỹ phẩm này chủ yếu để chia sẻ với bạn bè, người thân về phương thức làm đẹp tự nhiên mà chính chị đã thành công khi dùng. Nhưng khi thấy sản phẩm phù hợp với nhiều người, chị đã quyết định kinh doanh.
Mặt nạ được làm từ nguyên liệu thiên nhiên này có tính năng tẩy tế bào chết. |
Với số vốn gần 10 triệu đồng, Phương chi 70% vào nguyên liệu, phần còn lại dành cho bao bì và các chi phí khác. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm kinh doanh, nhờ bạn bè truyền miệng, nhiều khách hàng lạ đã bắt đầu liên hệ Phương để mua sản phẩm. Đến nay, dù chỉ kinh doanh 3 dòng sản phẩm là kem trị mụn, trị nám và làm trắng da, doanh thu mỗi tháng của chị trung bình lên tới 150 triệu đồng.
Để kinh doanh tốt mặt hàng mỹ phẩm này, theo Phương, người kinh doanh phải thực sự hiểu rõ về tác dụng của các thành phần tự nhiên và công dụng của nó, như ngũ cốc cung cấp chất gì tốt cho da; tinh dầu nào thì hợp với da nào, hoặc nguyên liệu kết hợp như thế nào sẽ có hiệu quả nhất… Khi hiểu rõ các tác dụng và thành phần hóa học của nguyên liệu, người bán hàng sẽ dễ dàng tư vấn cho khách.
Ngoài ra, thương hiệu cá nhân cũng là một trong những điểm giúp công việc kinh doanh thành công. Vì đây là mặt hàng không qua kiểm duyệt, chủ yếu do khách hàng truyền tai nhau, nên việc người kinh doanh xây dựng hình ảnh cá nhân uy tín sẽ thu về một lượng khách lớn.
Thu Phương chia sẻ thêm: "Khi xây dựng thương hiệu cá nhân để kinh doanh online, phải xác định khách hàng mình là ai? họ ở đâu? phương pháp tiếp cận của mình thế nào? sản phẩm của mình ra sao? hình ảnh sản phẩm có thực sự thu hút?".
Mỹ phẩm tự làm hiện đa phần kinh doanh theo phương thức online, truyền miệng và khá đa dạng, nhưng tập trung chủ yếu vào 3 dòng sản phẩm là kem dưỡng và làm đẹp da, son môi, xà bông. Giá một hộp kem trị mụn 10g trên thị trường thấp nhất cũng 200.000 đồng, đắt hơn thì 500.000-600.000 đồng; son dưỡng môi 100.000 - 120.000 đồng trở lên...
Để làm được sản phẩm này, hiện có nhiều lớp đào tạo nhanh, học phí chỉ vài trăm nghìn đồng một khóa, thậm chí không ít người còn tự lên mạng xem hướng dẫn để làm. Tuy nhiên, những người kinh doanh chuyên nghiệp thường có công thức riêng do mua lại hoặc tự nghiên cứu.
Một chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm handmade online ở TP HCM cho hay, dù là kinh doanh nhỏ, chị cũng phải sáng tạo hơn trong cách tìm hiểu những phương pháp làm đẹp tự nhiên hiệu quả nhưng ít ai biết đến để tạo ra điểm khác biệt cho sản phẩm. Nhờ vậy, cửa hàng chị có thêm nhiều khách lạ vì chỉ có chị độc quyền công thức.
Chị cho biết thêm, trên thị trường hiện có rất nhiều loại mỹ phẩm tự làm khác nhau, nhưng chất lượng không tương xứng. Một số người dù quảng cáo sản phẩm của họ được làm từ các thành phần thiên nhiên như mật ong, lòng đỏ trứng, tảo biển, bột ngọc trai..., nhưng thực chất là mua hóa chất trôi nổi về làm. Tuy nhiên, với những khách hàng có kinh nghiệm và am hiểu, chỉ sử dụng một lần là họ có thể phát hiện ra và tẩy chay.