Đối với nhiều sinh viên đại học, có một vấn đề quan trọng cần cân nhắc là các khoản vay sinh viên. Sự thật, lớp sinh viên tốt nghiệp năm 2014 rơi vào tình trạng "nợ nần" nhiều hơn bất kỳ năm nào khác. Điều đáng buồn là năm học 2015 tới dự kiến sẽ còn phá kỷ lục này.
Vậy, có nên bỏ học và bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh hay không? Thực tế đã có nhiều tấm gương bỏ học và sau đó gây dựng được sự nghiệp thành công như Bill Gates, Steve Jobs và Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, bạn nên cân nhắc 3 yếu tố dưới đây.
Khoản vay để kinh doanh và vay sinh viên
Có lẽ yếu tố ảnh hưởng lớn nhất là các khoản vay. Bạn có dám ra trường với một tấm bằng sẽ không bao giờ sử dụng sau đó hoặc vay một khoản tiền để khởi nghiệp kinh doanh trong một lĩnh vực nào đó bạn luôn đam mê?
Liệu bằng đại học có thực sự giúp đảm bảo cho bạn một công việc hay không? Hay bạn có thể dùng tấm bằng đó để giúp khởi nghiệp kinh doanh hay không? Hay bạn chọn vào đại học, lấy tấm bằng về tài chính, tìm một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp, sau đó sử dụng kiến thức và tiền lương để bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh?
Sau khi cân bằng các ưu và nhược điểm của mỗi lựa chọn kể trên, yếu tố quyết định nằm ở các khoản vay.
Theo thống kê từ Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ của Mỹ (SBA), các khoản vay đầu tư kinh doanh thường giao động từ 10.000 USD - 1 triệu USD. Với lãi suất vay khoảng 4,7% trong 10 năm và 5% cho 20 năm.
Trong khi đó, trung bình một sinh viên sau khi tốt nghiệp thường là 33.000 USD. Tuy nhiên, con số này còn phụ thuộc vào cơ sở giáo dục họ tham gia và thời gian học. Chính vì vậy, không quá ngạc nhiên khi nhiều sinh viên tốt nghiệp phải gánh số nợ lên tới 6 con số với lãi suất vay giao động từ 3,86% - 7,21%.
Bất kể là khởi nghiệp kinh doanh hay đi học, bạn cũng sẽ vẫn phải vay tiền. Nếu bạn muốn trở thành luật sư, hiển nhiên bạn cần đi học. Nếu bạn muốn điều hành quán bánh của riêng mình, tốt hơn hết bạn nên vay một khoản tiền và thực hiện ước mơ này.
Các mối quan hệ
Một sự cân nhắc khác là các mối quan hệ bạn có thể tạo ra ở trường so với những gì bạn tạo ra được trong thế giới kinh doanh.
Thực tế chứng minh các trường cao đẳng và đại học là nơi tuyệt vời để khởi nghiệp kinh doanh. Dell là một ví dụ. Hãng máy tính này được thành lập từ phòng ký túc xá. Học đại học cũng là thời gian hoàn hảo để gặp gỡ những người mới, mở rộng mối quan hệ. Bill Gates là một ví dụ. Ông gặp được người kế vị của mình là Steve Ballmer trong thời gian học tại Harvard.
Hơn nữa, trường học còn có thể cung cấp những nguồn lực tuyệt vời cho các sinh viên. Mọi thứ từ các cuộc thi, chương trình lồng ghép nhằm tiếp cận công nghệ đều có sẵn cho các sinh viên. Tuy vậy, điều này không chỉ có nghĩa là những môi trường bên ngoài lớp học không mang lại những lợi thế tương tự.
Jared Allgood - nhà sáng lập Juxta Labs thừa nhận đã tạo ra được nhiều sự kết nối khi còn học đại học nhưng mối quan hệ quan trọng nhất của ông lại đến sau khi đã tốt nghiệp. Ông lập luận rằng:"Nếu không đi học, tôi đã có thể khởi nghiệp kinh doanh sớm hơn thế".
Nếu quyết định chọn con đường theo đuổi sự nghiệp học hành, bạn có hàng tấn cơ hội để mở rộng mạng lưới các mối quan hệ và tận dụng các nguồn lực của trường học. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng vẫn còn rất nhiều sự kết nối và nguồn lực bên ngoài mà bạn cần tiếp cận.
Kinh nghiệm
Cuối cùng, bạn sẽ có được kinh nghiệm khác nhau như thế nào giữa việc khởi nghiệp kinh doanh và theo đuổi sự nghiệp học hành?
Một số người cho rằng sẽ thu được nhiều trải nghiệm hơn khi làm việc thực tế. Bạn có thể đọc một cuốn sách và ngồi trong lớp nghệ thuật để học vẽ nhưng bạn không thể có hiểu biết tường tận cho đến khi bắt tay vào làm thực sự. Điều này tương tự với việc khởi nghiệp kinh doanh. Tham gia một số khoá học kinh doanh không khiến công việc kinh doanh của bạn thành công hay thất bại thảm hại hơn được.
Mặc khác, nếu không hiểu được những nguyên tắc cơ bản của kế toán hoặc nguyên tắc tối thiểu hoá chi tiêu trong kinh doanh, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để khiến những con số này có lợi hơn cho mình và công ty.
Kết luận: Một lần nữa, bỏ mặc tất cả để khởi nghiệp kinh doanh và quyết tâm theo đuổi sự nghiệp học hành đều có ưu và nhược điểm riêng. Chắc chắn có những lúc bạn không cần ngồi trong lớp học. Nhưng, cũng có nhiều lúc đi học lại là lợi thế cho bạn.
Quyết định cuối cùng cần dựa vào việc lựa chọn nào mang lại nhiều lợi ích trong dài hạn hơn cho bạn? Trả tiền cho một khoản vay để học và đầu tư, cái nào cho bạn cơ hội để tạo các mạng lưới quan hệ nhiều hơn?… Tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định cuối cùng.